Dinh Bà Roi và chuyện giặc Tàu Ô trên đảo Lý Sơn

Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, giai thoại về chiến đấu với các loại giặc để giữ gìn hòn đảo này đến ngày hôm nay. Một trong số ấy là giặc Tàu ô, được nhắc đến mỗi khi nói về dinh Bà Roi.

Ông Phạm Thoại Tuyền, người được xem là “nhà Lý Sơn học” giải thích: cách gọi “giặc Tàu Ô” là chỉ những đám cướp biển ô hợp, chứ không phải Tàu là Trung Quốc.

Bên ngoài dinh Bà Roi

Còn ông Nguyễn Văn Thịnh, 84 tuổi ở đảo Bé (tức xã An Bình) cho biết trên đảo Bé có hang Kẻ Cướp, mà lâu nay người dân vẫn quen gọi là hang Chàng Thiếp, hang này vốn được giặc Tàu Ô chiếm để làm sào huyệt.

Trước đó, có đôi vợ chồng ở đâu trôi giạt vào đảo Bé, thấy có hang nên vào ở. Thời gian sau, giặc Tàu Ô đến, thấy hang này rất tốt cho việc ẩn nấu nên giết hai vợ chồng để lấy hang. “Hồi đó vùng biển Lý Sơn tấp nập tàu thuyền qua lại, nên cướp biển hay xuất hiện” – ông Thịnh cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi chiếm được Hang Chàng thiếp làm sào huyệt, giặc Tàu Ô mới biết ở đây không có nước ngọt, nên thường xuyên qua đảo Lớn để cướp nước ngọt, lương thực và cả phụ nữ.

Sau nhiêu năm xuống cấp, dinh Bà Roi mới được trùng tu cách đây vài năm

Ông Tuyền kể: Cho đến tháng 5/1645, giặc Tàu Ô qua đảo Lớn bắt một cô gái tên Phạm Thị Lôi, lúc này đang 16 tuổi. Cô gái cố gắng la thật lớn để báo hiệu cho mọi người biết. Rồi cố gắng vùng vẫy, thoát khỏi tay cướp biển và nhảy xuống nước tự vẫn. Chỗ cô gái trầm mình là vũng Thầy Tu. Còn xác cô gái được dân làng vớt về chôn cất, lập đền thờ là dinh Bà Roi”.

Cũng theo ông Tuyền, cô gái trầm mình với tư thế tựa ngồi thiền, mặc sóng cao, gió lớn. Còn vùng nước nơi cô gái trầm mình, là nơi tổ chức đua thuyền truyền thống hằng năm của người dân trên đảo Lý Sơn.

Một người thay mặt tộc Phạm Văn hành lễ trong dinh Bà Roi

Theo sử sách, dinh Bà Roi ban đầu chỉ là ngôi miếu đơn sơ, giản dị. Vào năm 1897 (năm Thành Thái thứ 9), dinh Bà Roi mới được tu sửa, xây dựng thật khang trang, bao gồm nhà tiên bái, chánh điện, hậu cung sắp xếp theo hình chữ Đinh.

Một số tài liệu bằng chữ Hán, gồm phả hệ, sắc phong, thần tích mà tộc họ Phạm Văn còn giữ được đến nay, có đề cập Bà Roi tên thật là Phạm Thị Lôi, tên chữ là Phạm Tiên Điều, sinh năm 1629, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Bà là thứ nữ của ông bà thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 tộc họ tiền hiền của làng An Vĩnh, Lý Sơn.

Hằng năm vào ngày 16/5 Âm lịch, tộc họ Phạm Văn và bà con các tộc họ khác trên huyện đảo Lý Sơn hết sức chăm lo đến việc tế tự Bà Roi, xem bà không chỉ là bậc cao cao tổ một dòng họ, mà còn là vị phúc thần cho cả làng An Vĩnh nói riêng và huyện đảo Lý Sơn nói chung.

An Vĩnh

Cùng chuyên mục