Điện ảnh Việt đầu 2019: Doanh thu đi kèm scandal, chất lượng giậm chân
Một số bộ phim Việt Nam đạt doanh thu rất tốt trong 6 tháng đầu năm. Nhưng bức tranh chung của cả ngành công nghiệp vẫn là tương đối ảm đạm.
So với năm 2018, các nhà làm phim Việt ít “chịu chơi” hơn khi chủ yếu chọn bối cảnh trong nước. Tuy nhiên, họ cũng đã tìm ra nhiều cách để truyền tải cảnh đẹp quê hương đến khán giả thông qua nhiều khung hình mang tính nghệ thuật.
Trạng Quỳnh ghi hình tại xứ Huế thơ mộng với khung cảnh cung đình hoành tráng, cùng nhiều góc quay rộng, giúp đặc tả sự hoang sơ và hữu tình của núi sông. Vu quy đại náo được đầu tư bối cảnh chỉn chu khi đi khắp các tỉnh miền Tây nhằm truyền tải câu chuyện về nhóm bạn trẻ “bỏ nhà đi bụi”.
Cũng được quay tại Sài Gòn như nhiều bộ phim khác nhưng Hai Phượng chọn khai thác những góc khuất của thành phố thông qua hàng loạt con hẻm tăm tối, nghèo nàn, cùng nhiều gam màu tương phản trong cùng một khung hình.
Lấy bối cảnh Đà Lạt, Lật mặt: Nhà có khách của Lý Hải lại mang đến cảm giác rợn tóc gáy thay vì lãng mạn, nhờ quá trình ghi hình phần lớn diễn ra tại một căn nhà bỏ hoang giữa rừng. Vợ ba khai thác những thắng cảnh quen thuộc ở Tràng An, Ninh Bình một cách mới mẻ nhờ tông màu nhẹ nhàng, đơn giản. Tháng 5 để dành mang đậm chất thơ và lãng mạn nhờ con đường hoang sơ ngay giữa hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc). Bộ phim không chỉ tái hiện khung cảnh yên bình của làng quê Bắc Bộ thập niên 2000, mà còn chứa đựng nhiều ẩn ý thông qua các khung hình như biết nói.
Hay Hạnh phúc của mẹ tái hiện vẻ đẹp cùng cuộc sống cơ cực của diêm dân Bình Thuận qua hình ảnh những ruộng muối mênh mông. Còn Ước hẹn mùa thu là bộ phim hiếm hoi trong nửa đầu năm có một vài phân cảnh ghi hình ở nước ngoài (đảo Nami, Hàn Quốc). Bên cạnh khâu quay phim, yếu tố hành động cũng có sự đột phá mạnh mẽ nhờ Hai Phượng. Ngô Thanh Vân đã “chơi lớn” khi mời về ê-kíp chuyên nghiệp từ Hollywood. Kết quả là bộ phim chứa đựng vô số cảnh cận chiến bạo liệt, đẹp mắt, và được cả báo chí nước ngoài đánh giá cao.
Doanh thu và đề tài đa dạng
Sau vài năm nở rộ, trào lưu chuyển thể phim từ kịch bản nước ngoài dường như đã hạ nhiệt. Chưa bàn đến chất lượng cuối cùng, hầu hết phim Việt trong nửa đầu 2019 đều có nội dung và đề tài tỏ ra sáng tạo. Chẳng hạn như Yolo – Bạn chỉ sống một lần chọn khai thác thế giới âm nhạc underground còn lạ lẫm với số đông công chúng. Lật mặt: Nhà có khách đánh dấu lần đầu tiên lấn sân sang thể loại kinh dị của Lý Hải. Hay như Vợ ba muốn lên án sự khắc nghiệt của xã hội Việt Nam thời phong kiến dành cho phụ nữ. Dòng phim hài – tình cảm vẫn chiếm số đông với nhiều cái tên nổi bật như Chị trợ lý của anh, Ước hẹn mùa thu, Vu quy đại náo… Câu chuyện tình yêu “lệch tuổi” xem ra đang được yêu thích, nhưng mỗi tác phẩm đều có hướng đi riêng, chứ không bị trùng lặp về mặt nội dung.
Điều này phần nào đó là dấu hiệu đáng mừng khi các nhà làm phim Việt cho thấy họ bắt đầu dám bước ra khỏi lối mòn an toàn là làm lại phim từ kịch bản nước ngoài. Dẫu còn nhiều khiếm khuyết, các bộ phim kể trên chính là bước đi quan trọng để tạo nên sự phát triển lâu dài cho toàn bộ nền điện ảnh. Không chỉ đa dạng mặt đề tài, phim Việt nửa đầu năm nay còn có sự bùng nổ về mặt doanh thu. Cua lại vợ bầu đã có lúc nắm kỷ lục phim chiếu rạp ăn khách nhất thị trường Việt Nam mọi thời đại với 191,8 tỷ đồng. Với Hai Phượng, tổng doanh thu cả trong và ngoài nước của bộ phim được cho là lên tới 200 tỷ đồng. Trạng Quỳnh tuy bị coi là hụt hơi so với Cua lại vợ bầu, nhưng thực tế vẫn nằm trong câu lạc bộ doanh thu “100 tỷ đồng”.
Chìm đắm trong vô số scandal
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, điện ảnh Việt Nam thực tế vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn trong nửa đầu năm. Ngay mùa phim Tết, Trạng Quỳnh và Cua lại vợ bầu “đấu nhau” trên mặt trận truyền thông khi liên tục công bố kết quả doanh thu. Thậm chí, cả hai phim đều tự nhận có doanh thu mở màn ngày mùng 1 Tết cao nhất lịch sử. Điều này khiến công chúng thêm một lần nữa nghi ngờ về kết quả phòng vé do các nhà sản xuất đưa ra, trong bối cảnh chưa có đơn vị độc lập giúp thống kê số liệu sao cho chính xác.
Ra mắt cùng thời điểm tháng 2, Vu quy đại náo tỏ ra lép vế hơn hẳn so với Hai Phượng của “đả nữ” Ngô Thanh Vân. Chỉ ít lâu sau, trong buổi họp báo Hạnh phúc của mẹ, Lâm Vinh Hải bất ngờ có hành động “châm ngòi” chiến tranh với vợ cũ trên truyền thông khi chia sẻ đã hai năm rồi không được ăn Tết cùng con gái.
Không rõ đây có phải hành động lợi dụng scandal để quảng bá phim hay không, nhưng cả hai tác phẩm nam diễn viên góp mặt rốt cuộc đều bị khán giả tẩy chay. Đặc biệt, tác phẩm của Cát Phượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, nhất là khi scandal giữa Kiều Minh Tuấn với An Nguy từ Chú ơi đừng lấy mẹ con còn chưa hạ nhiệt. Dự án Thiên linh cái từng gây sốc với hàng loạt cảnh nóng trần trụi và hình ảnh ghê rợn trong trailer chỉ dài hơn 1 phút. Tuy nhiên, cho đến giờ, số phận cuối cùng của tác phẩm kinh dị vẫn là dấu hỏi lớn.
Trên hết, scandal lớn và dài hơi nhất lại nằm ở Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Bộ phim nghệ thuật bị chỉ trích về mặt đạo đức khi cho một nữ diễn viên 13 tuổi trực tiếp đóng nhiều cảnh nóng. Sau chưa đầy một tuần trình chiếu, Vợ ba buộc phải rút khỏi các rạp chiếu phim và chịu phạt do phát hành bản phim khác với lúc thẩm định. Câu chuyện của Vợ ba làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của những người làm phim và kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam, nhất là với các dự án có sự tham gia của trẻ dưới tuổi vị thành niên.
Chất lượng thực tế vẫn chỉ giậm chân tại chỗ
Xét cho cùng, có tiến bộ về mặt kỹ thuật, có doanh thu “khủng”, có nhiều scandal, nhưng chất lượng phim Việt trong nửa đầu 2019 không quá nổi bật. Hai Phượng ghi điểm ở mảng hành động, nhưng nội dung cốt truyện lại quá đơn điệu. Hành trình tìm con của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) quá đơn giản với những manh mối rời rạc được biên kịch sắp xếp lộ liễu. Phim có khá nhiều hạt sạn về mặt logic, và tập trung quá nhiều vào nữ chính đến nỗi dàn nhân vật phụ trở nên cực kỳ đáng quên.
Làm mưa làm gió dịp trong Tết nguyên đán, nhưng Cua lại vợ bầu khiến không ít người xem phải “ức chế” khi xây dựng nhân vật Trọng Thoại (Trấn Thành) quá nhu nhược trong cả sự nghiệp lẫn tình yêu. Kịch bản xoay quanh việc hai người đàn ông cùng tranh nhau một cái thai, còn nữ chính chẳng rạch ròi cảm xúc cá nhân, cũng gây ra không ít tranh cãi.
Trạng Quỳnh không khác nào một tác phẩm “thảm họa” khi vô tư phóng tác quá nhiều câu thoại cùng tình tiết hiện đại cho nhân vật dân gian nổi tiếng. Doanh thu cao của bộ phim chủ yếu là nhờ ra rạp đúng dịp Tết Nguyên đán. Lật mặt: Nhà có khách cũng là một tác phẩm có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Nhưng nếu không có sự nhập vai của dàn diễn viên, bộ phim sẽ trở nên vô cùng đáng quên bởi một kịch bản có phần lê thê ở đoạn đầu, gấp gáp khi về cuối. Sau thành công của Tháng năm rực rỡ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiếp tục áp dụng công thức quá khứ – hiện tại đan xen để thực hiện Ước hẹn mùa thu. Nhưng khi không còn cái nền vững chắc, Dũng “khùng” chỉ đem lại một tác phẩm nhạt nhẽo, lan man.
Điện ảnh Việt nửa đầu 2019 vẫn còn đó hàng loạt cái tên “thảm họa” và đáng quên như Tình đầu ngây thơ, Vô gian đạo, Cuộc gọi định mệnh, Cà chớn, anh đừng đi hay Táo quậy. Nhóm tác phẩm cứ thế lặng lẽ đến rồi đi khỏi rạp một cách không kèn, không trống. Có thể thấy, khán giả Việt Nam chưa bao giờ ngừng ủng hộ các tác phẩm điện ảnh nước nhà. Nhưng không phải vì thế mà đội ngũ làm phim có thể tung ra các bộ phim hời hợt, kém chất lượng, rồi chờ “hốt bạc”. Mảnh đất phim Việt có thể màu mỡ, nhưng niềm tin của công chúng thì chắc chắn chỉ có hạn.
Hạ Tuyết
Theo Zing.vn