Đi tìm bản sắc “đô thị Đà Nẵng” trong “người Xứ Quảng”

Xin khu biệt “Xứ Quảng” ở đây là Đà Nẵng và Quảng Nam, mặc dù hiện nay có 4 địa phương mang thành tố “Quảng” ở miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Bình) và cách đây 550 năm – tháng 6/1471, vua Lê Thánh Tông đặt đạo thứ 13 là Quảng Nam thừa tuyên đạo, là dải đất từ phía nam sông Thu Bồn vào đến tận phía bắc đèo Cù Mông (lúc này từ nam đèo Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn mang tên huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của Châu Hóa).

di-tim-ban-sac-do-thi-da-nang-trong-nguoi-xu-quang
Việc mở rộng và kéo dài bờ đông sông Hàn cùng những cây cầu mang dáng vẻ độc đáo cho thấy tính “khai mở, sáng tạo” trong tính cách người Đà Nẵng. Ảnh: N.T

Khu biệt như vậy, bởi từ năm 1808 thời Gia Long, vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân đến phía bắc Dốc Sỏi được đặt là dinh Quảng Nam và năm 1832 thời Minh Mạng, đổi thành tỉnh Quảng Nam. Sau những biến đổi của lịch sử, đến tháng 2-1976, vùng đất này được đặt tên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và đến năm 1997 mới chia tách thành hai đơn vị hành chính là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Từ những yếu tố lịch sử đó, có thể nói, những đặc trưng con người, vùng đất, văn hóa… của Đà Nẵng và Quảng Nam được gọi chung là Xứ Quảng.

Vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới, khi xây dựng bản sắc con người, văn hóa… Đà Nẵng, cần xây dựng trên nền tảng “Xứ Quảng” và thích ứng với yếu tố lịch sử, văn hóa trong giai đoạn mới; đặc biệt là hướng tới xây dựng “bản sắc đô thị” trong con người Đà Nẵng.

Trong đó, đặc biệt lưu ý, cùng với dòng người nhập cư của quá trình đô thị hóa, “người Đà Nẵng” hiện nay có quê quán ở tỉnh Quảng Nam chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Vì vậy, xây dựng con người “đô thị Đà Nẵng”, cần dựa trên cốt cách “Quảng Nam” đó!

Trước tiên, cần xác định nền tảng “con người Xứ Quảng”. Trong “Tìm hiểu con người Xứ Quảng” (NXB Đà Nẵng, 2005), nhóm tác giả có nhận định: “Trong một chừng mực nhất định, có thể nói trong máu con người Xứ Quảng có thể có sẵn một chất “mở”, một khả năng hướng về phía mở, và một xu hướng muốn làm những việc và đi đến những nơi đòi hỏi sự khai mở, khám phá, sáng tạo, khởi xướng” (trang 98).

Nhưng bên cạnh đó, cũng có cách nhìn nhận khác: “Dù trong lịch sử đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm, con người nông dân Xứ Quảng đã vươn đến tầm cộng đồng chung của dân tộc, ý thức dân tộc rất sâu sắc, nhưng mặt khác trong họ vẫn chưa phai nhạt đi nhiều tính chật hẹp cố hữu của cộng đồng làng vốn là cơ sở thực tế của nền sản xuất tiểu nông. Và khi chưa thoát ra được khỏi nền sản xuất ấy thì con người cũng khó lòng có được tầm nhìn và tâm lý cởi mở, rộng rãi” (trang 107)…

“Khai mở, khám phá, sáng tạo, khởi xướng” là nét tính cách tích cực, đối trọng và mâu thuẫn với “tính chật hẹp cố hữu”; nhưng giải quyết mâu thuẫn đó cũng hình thành nên nét đặc trưng của con người Xứ Quảng mà trong quá trình hướng tới xây dựng con người “đô thị Đà Nẵng”, cần phải tính đến để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực.

Nếu con người đô thị Hà Nội được xem thừa hưởng tinh hoa từ xứ kinh kỳ “thanh lịch”, người đô thị Huế “đài các”, người Sài Gòn “phóng khoáng”…, thì người đô thị Đà Nẵng cần “sáng tạo, khởi xướng”?

Lịch sử phát triển của Đà Nẵng trong hơn 20 năm qua phần nào đã lý giải cho điều đó. Sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, là đô thị loại 1 cấp quốc gia, con người Đà Nẵng đã tìm kiếm, khởi xướng những chủ trương mới trong quy hoạch, phát triển đô thị, khai mở theo hướng “nhìn ra biển”, “kéo dài bờ sông”…; nghĩ ra những mô hình mới, tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội với các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” mang đậm tính nhân văn và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Đó là phẩm chất cốt lõi. Bên cạnh đó, cần bổ sung và phát huy những yếu tố mà “người đô thị” nào cũng cần có. Đó là sự thân thiện, lịch sự, văn minh, hiện đại; tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tính kỷ cương, kỷ luật cao; sự năng động, thích ứng với hội nhập… trong lối sống.

Nếu xác định sớm và xây dựng nên “bản sắc đô thị” của người Đà Nẵng trên nền tảng con người Xứ Quảng, sẽ sớm góp phần xây dựng nên một bản sắc cho Đà Nẵng. Bởi, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nêu rõ: “…phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần tiên phong, đoàn kết, khát vọng phát triển, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của người Đà Nẵng”; “tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giàu tính nhân văn, bền vững; hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng”…

Chính những con người đô thị Đà Nẵng đó, sẽ là nhân tố quan trọng và mang tính quyết định trong việc xây dựng Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra: “Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng”.

Anh Quân

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202104/di-tim-ban-sac-do-thi-da-nang-trong-nguoi-xu-quang-3879287/

Cùng chuyên mục