Di tích Hải Vân Quan sắp được trùng tu

Dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân sắp được tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng đầu tư với kinh phí 42 tỷ đồng.

Ngày 24/4, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng.

Hải Vân Quan tọa lạc trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc – Nam có từ thời Lê. Đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.

Cổng chính vào di tích Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân.
Cổng chính vào di tích Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân.

 Kinh phí thực hiện dự án khoảng 42,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách của Thừa Thiên – Huế 50% và TP Đà Nẵng 50%; được tiến hành xây dựng trong 2 năm (2019 – 2020). Dự án nhằm tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Theo Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, công trình này chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Hải Vân Quan sẽ là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung bộ.

Ngoài tu bổ chống xuống cấp những lô cốt, dự án còn được đầu tư các hạng mục như công trình Thiên hạ đệ nhất hùng quan; các tường thành nhà Nguyễn; nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian; phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía nam; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế.

Đoạn đường nối Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan bằng đá sẽ được tu bổ lại xếp theo dấu tích nguyên gốc, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố.

Lô cốt trong khuôn viên Hải Vân Quan, được cắm biển cấm leo trèo.
Lô cốt trong khuôn viên Hải Vân Quan, được cắm biển cấm leo trèo.

Do trước đây, việc phân cấp quản lý giữa hai địa phương Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng không rõ ràng nên một thời gian dài Hải Vân Quan bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 5/2017, Hải Vân Quan đã được Bộ VHTT&DL trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và kiến trúc nghệ thuật; nhằm bảo vệ, tôn tạo, trùng tu, phát huy những giá trị vốn có.

Trung bình mỗi ngày Hải Vân Quan thu hút khoảng hàng nghìn lượt người đến tham quan. Từ ngày 5/5 đến 3/9/2018, Bộ VHTT&DL đã cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan.

Di tích Hải vân quan nằm trên đèo Hải Vân.
Di tích Hải vân quan nằm trên đèo Hải Vân.

Tiến Đạt
Theo Zing.vn

Cùng chuyên mục