Di tích giữa lòng phố

Từ nhà cổ, di tích nằm trên các trục phố chính đến những di tích, nhà ở trong hẻm, kiến trúc gỗ của những di tích này tại phố Hội đã mê hoặc rất nhiều du khách, góp thêm giá trị vào không gian di sản. Tuy nhiên, hệ thống giá trị này vẫn đang đứng trước rất nhiều nguy cơ bị khai thác quá đà, thậm chí biến dạng…

Các di tích nhà cổ ở Hội An đang bị khai thác quá đà để phục vụ kinh doanh, du lịch.
Các di tích nhà cổ ở Hội An đang bị khai thác quá đà để phục vụ kinh doanh, du lịch.

Bảo tồn di tích trong hẻm

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, giếng Bá Lễ rêu phong lại nhuốm thêm những câu chuyện huyền bí càng thu hút sự tò mò, khám phá của du khách. Cũng giống như nhiều giếng cổ khác tại Hội An mà người Chăm từng xây dựng, giếng Bá Lễ như “bắt sóng” được mạch sống của đất nên cứ thế lặng lẽ tồn tại qua bao biến thiên của thời gian. Mạch nước của giếng cứ thế nuôi nấng bao thế hệ lớn lên, rồi chính những cư dân lại ôm ấp, trân quý biểu tượng của làng qua bao đời nay đã thành di sản ở phố. Ông Phạm Phú Tuyên – chủ quán cao lầu Bá Lễ cho hay: “Nước ở đây vẫn trong veo như những ngày chúng tôi còn là đứa trẻ. Tuy ở phố nhưng hầu hết mọi người trong khu vực đều giữ thói quen sử dụng nước giếng và bây giờ thậm chí nước giếng Bá Lễ còn là thứ giá trị mà nhiều quán ăn, nhà hàng muốn có để dùng trong chế biến phục vụ khách hàng”.

Những người lớn tuổi sống quanh khu vực giếng Bá Lễ vẫn thường truyền tụng về câu chuyện ra đời của tên giếng như hôm nay. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, một người đàn bà giàu có ở phố Hội vì xót xa trước sự xuống cấp trầm trọng của giếng đã bỏ ra khoảng 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu. Kể từ đó, không ai bảo ai mọi người sống quanh đó chỉ lấy nước vừa đủ dùng, chẳng ai để cây lá rơi hay rác thải bụi bẩn xuống giếng bao giờ.

Không dập dìu du khách ghé thăm như các di tích đình, chùa nằm trong trung tâm khu vực phố cổ, đình Sơn Phong tọa lạc trên đường Nguyễn Duy Hiệu đã hơn 300 năm có lẽ và còn bảo tồn được như ngày nay nhờ sự góp sức rất lớn của cộng đồng cư dân địa phương. Hiện nay trong đình vẫn tồn tại bức hoành phi do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự bút ban tặng vào năm 1715 và đích thân chánh hậu của ngài dâng cúng tại đình. Theo tư liệu của nhà khảo cứu Phạm Thúc Hồng, giữa những năm chiến tranh ác liệt (năm 1974), người dân địa phương vẫn chắt bóp, phụng cúng 1,4 triệu đồng tiền chế độ cũ để trùng tu xây lại tiền đường. Những cụ cao niên tại đây cho biết, hiện nay đình Sơn Phong vẫn lưu giữ được sắc vua triều Nguyễn ban là nhờ ông Lý Tý – Lý trưởng làng Sơn Phong (thời điểm năm 1946) đã ra sức can ngăn quân đội Pháp rằng đó không phải là tài liệu của quân cách mạng để tránh cảnh đốt phá sắc phong trong đình. Chỉ trong 8 năm (từ năm 2000 đến 2008), đình Sơn Phong đã có thêm 3 lần trùng tu với sự tham gia đóng góp tích cực của cư dân địa phương.

Khai thác nhà cổ quá đà

Những di tích lịch sử hoặc cảnh quan, nhà cổ tại Hội An gần như đang quá tải trước làn sóng phát triển du lịch. Ông Trương Bách Tường – người dân Hội An, chia sẻ, việc khai thác du lịch nhà cổ đang bị quá đà. “Các công ty du lịch đang vắt kiệt giá trị các di tích bằng nhiều cách. Khai thác vô tội vạ nhưng nguồn thu về lại quá ít ỏi để có thể bảo tồn” – ông Tường nói. Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, toàn thành phố có 1.360 di tích, riêng khu vực phố cổ có gần 1.000 di tích và có đến 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân. Điều đáng lo ngại, thời gian qua, chủ nhân của các di tích này do lợi ích kinh tế đã khai thác tối đa lợi thế nằm trong di sản văn hóa thu hút nhiều khách du lịch để kinh doanh, dịch vụ. Một căn nhà mặt tiền đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học hay Bạch Đằng có thể được ngăn thành nhiều “ki-ốt”. Chưa kể việc cải tạo lại nhà cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh, ý thức của những người trực tiếp thuê lại nhà cổ còn là một chuyện đáng bàn.

Trong đó, riêng với nhà cổ, Hội An đã có 1.300 căn nhà với đủ mọi hình thức sở hữu khác nhau. Hội An đã có nhiều quyết sách ngõ hầu bảo tồn tốt nhất các công trình kiến trúc gỗ, tránh sự biến dạng do người dân tự ý tu sửa, cơi nới. Tuy nhiên, không thể nào kiểm soát hết tất cả công trình nhà cổ, đặc biệt là nhà do tư nhân quản lý. Sửa lại không gian giếng trời, cơi nới thêm phần mái, hay thậm chí tận dụng cả mái thượng để kinh doanh. Chưa kể, tuổi thọ của các cấu kiện gỗ thường bị rút ngắn bởi thời gian và môi trường. Các chuyên gia bảo tồn nhìn nhận, gỗ tạo ra môi trường thân thiện nhưng vì là chất liệu hữu cơ, nên sẽ bị hủy hoại bởi côn trùng và nấm mốc. Trong khi đó, theo khảo sát của các nhà chuyên môn này, trong lòng phố cổ Hội An, nhất là dưới mặt đất, chính là xứ sở cư trú của các loài mối. Chính vì vậy, cùng với độ ẩm cao, mối là nguyên nhân gây hại đối với các di tích kiến trúc gỗ ở Hội An. Mới đây, TP.Hội An phải lên tiếng vì thiếu nguyên liệu gỗ để thực hiện trùng tu các công trình kiến trúc này…

Ngân sách, kinh phí để bảo tồn di tích không phải là vấn đề với Hội An. Thế nhưng, câu chuyện hậu khai thác như thế nào mới là điều đáng quan tâm. GS-TS-KTS.Hoàng Đạo Kính cho rằng, nhà cổ nói riêng, phố cổ, làng cổ nói chung nên được coi là di sản đô thị, chứ không nên coi là di tích. “Vì di tích là đối tượng của bảo tồn nguyên trạng, mọi sự trùng tu nhằm mục đích bảo lưu cái gốc, không thể bị thay thế. Nếu nhìn nhận theo cách này thì nhà cổ, làng cổ, phố cổ được ví như một “cơ thể” đang phát triển, có thể cải tạo đôi chút bên trong cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, còn hình hài, vóc dáng thì giữ nguyên. Tuy nhiên, nếu lạm dụng để khai thác thì cần phải có một phương hướng khác” – ông Hoàng Đạo Kính nói.

Lê Quân – Quốc Tuấn
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục