Đi Ấn Độ, thú vị với ‘hàng rong sách’
Ở các bến xe Ấn Độ, tôi thấy rất nhiều người bán sách rong. Những chồng sách cao ngất được họ khuân đi giữa bến xe ồn ào tấp nập tiếng còi xe, nào là Giết con chim nhại, Harry Potter, Lũ trẻ đường tàu, Bắt trẻ đồng xanh…
Tôi đến Gurugram, một thành phố phía Tây Nam Ấn Độ vào một ngày cuối tháng 1. Gurugram đón tôi bằng cái lạnh 6 độ của những ngày Ấn Độ vào đông. Tuy nhiên, cái lạnh ấy đã được sưởi ấm bằng sự đón tiếp rất nồng hậu và ấm áp từ những người bạn Ấn Độ.
Tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của thầy giáo, người hướng dẫn ở trường đại học nơi tôi theo học và cả những người dân Ấn Độ. Họ vui vẻ chỉ tôi cách di chuyển, nơi mua thức ăn và các địa danh mà tôi có thể đến. Ngoài những giờ học trên lớp, tôi cùng bạn bè trong lớp có những trải nghiệm rất đáng nhớ bên nhau.
Nhưng điều đặc biệt nhất đối với tôi là thói quen đọc sách của những người dân đất nước này. Trong những buổi ngoại khóa của lớp, chúng tôi cùng nhau di chuyển trên những chuyến tàu điện ngầm của Ấn Độ. Không khó bắt gặp hình ảnh hành khách say sưa đọc sách trên những chuyến tàu nêm chật người.
Ở các bến xe, tôi thấy rất nhiều người bán sách rong. Những chồng sách tiếng Anh và tiếng Hindi cao ngất được người bán hàng khuân đi giữa bến xe ồn ào tấp nập tiếng còi xe. Có thể dễ dàng tìm thấy những cuốn sách rất quen thuộc trong những chồng sách cao ngất ấy như: Giết con chim nhại, Harry Potter, Lũ trẻ đường tàu, Bắt trẻ đồng xanh…
Ấn Độ đang là nước có thói quen đọc sách cao nhất thế giới. Trung bình mỗi tuần người Ấn Độ dành hơn 10 tiếng để đọc sách. Còn tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước có thói quen đọc sách rất cao. Trung bình người dân Thái Lan dành hơn 9 tiếng để đọc sách mỗi tuần.
Trong khi đó điều đáng buồn là mỗi người Việt Nam chỉ đọc trên dưới 1 cuốn sách/năm và chỉ có 30% người dân Việt Nam có thói quen thường xuyên đọc sách. Sách không chỉ là kho tàng kiến thức, nó giúp chúng ta kích thích thần kinh, khơi gợi lòng nhân văn, cung cấp những tư liệu về thế giới tự nhiên và con người. Sách là con đường ngắn nhất để mở cánh cửa thành công cho mọi người.
Rời Gurugram về Việt Nam, hành trang tôi mang về là những kỷ niệm đẹp với thầy cô, với bạn bè và đất nước Ấn Độ xinh đẹp. Là một thủ thư, tôi cũng mang theo về ước mơ về một ngày nào đó có thể bắt gặp hình ảnh người Việt Nam say sưa đọc sách mọi lúc, mọi nơi như các bạn người Ấn Độ.
Tuy nhiên, để tạo ra thói quen đọc sách không phải là điều dễ dàng. Nó cần phải được sự chung tay từ nhà trường, gia đình và xã hội. Tôi hi vọng ở một tương lai không xa, sách sẽ trở người bạn đồng hành của người dân Việt Nam. Để rồi một ngày nào đó, Việt Nam sẽ là một quốc gia phát triển và giàu mạnh.
Quỳnh Anh
Ảnh: Prabhat Singh
Theo Tuổi Trẻ Online