Di sản thế giới ở Việt Nam – “Rằng hay thì thật là hay…”

Việt Nam có khá nhiều di sản thế giới, luôn được kỳ vọng là những điểm đến du lịch, văn hóa nổi trội hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng danh di sản, nhưng “phận” thì khá là khác nhau.

Với những người đã từng đi du lịch, dù đó là tự túc hay theo các tour du lịch, có lẽ ít nhất một lần cũng đã từng đến những địa danh: phố cổ Hội An, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, cố đô Huế… hoặc “mới nổi” sau này như quần thể danh thắng Tràng An. Đây là những điểm đến hấp dẫn du khách, cũng đồng thời là những di sản thế giới được UNESCO công nhận. Nhưng bên cạnh đó, còn những di sản khác mà mức độ nổi tiếng, có giá trị không kém nhưng lại “hẩm hiu” hơn.

di-san-the-gioi-o-viet-nam
Văn Miếu Quốc Tử Giám

Nỗi buồn di sản

Trong các thống kê về khách du lịch hàng năm đến thăm các di sản, có thể Hạ Long, Hội An, Huế, Tràng An thay nhau ở các vị trí dẫn đầu về lượng khách và doanh thu, nhưng Thánh địa Mỹ Sơn thì chưa bao giờ được lọt vào top đầu, dù đây là một trong những di sản thế giới được công nhận từ rất lâu. Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ 21 năm trước, chỉ sau cố đô Huế (1993) và cùng năm với phố cổ Hội An (1999). Thánh địa Mỹ Sơn cũng là một trong số 23 di tích được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Trinh Nguyễn, người từng gắn bó công việc ở Thánh địa Mỹ Sơn nhiều năm, ngậm ngùi bày tỏ: “Du khách Việt năm 2019 đến với Mỹ Sơn, giảm đến 5000 khách so với 2015. Với xu hướng du lịch hưởng thụ, tìm kiếm chỗ ăn ngon, check in… thì Mỹ Sơn không phải là điểm thu hút khách Việt. Chỉ khi có một lượng kiến thức nhất định về lịch sử, văn hóa thì mới cảm được cái đẹp của Mỹ Sơn. Đa phần người Việt xác định đi chơi là đi chơi, không thích hại não về những kiến thức về lịch sử, triết lý tôn giáo này kia… Số khách của Mỹ Sơn tăng là nhờ vào khách nước ngoài, nhất là khách Tây Âu, Nhật, do vậy, Covid-19 làm du lịch Mỹ Sơn lập tức điêu đứng. Khách nước ngoài đa phần họ thích Mỹ Sơn, coi Mỹ Sơn như một viên ngọc quý. Tuy nhiên, cũng có khách họ có chút thất vọng khi thấy đa phần chỉ còn phế tích.”

Van Bill, người từng làm công việc hướng dẫn khách du lịch nước ngoài đến Mỹ Sơn những năm 2000 cho biết, khách du lịch châu Á có mức độ quan tâm không đều. Nếu như du khách đến từ Nhật tỏ ra quan tâm thì du khách Đài Loan, Trung Quốc lại không hào hứng cho lắm. Nhưng điều khiến hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu này vẫn sốc cho đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại quãng thời gian dẫn khách đến thánh địa, đã có du khách trong nước bảo ông rằng: “Chỗ này toàn là gạch không, có gì đâu mà phải đi tham quan!”. Ông Bill nói: “Nghe phũ phàng nhưng quả họ nói cũng không sai. Dù rằng chuyện gạch xây tháp Chăm đến bây giờ vẫn đầy bí ẩn với hậu thế nhưng du khách vượt đường xa đến đây, đội nắng vào thung lũng tham quan, chỉ có vậy thì quả là khó hấp dẫn”.

di-san-the-gioi-o-viet-nam
Cố đô Huế

Với di sản Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011 và trong năm này, lượng khách đến đây ước khoảng 100.000 lượt. Sáu năm sau (năm 2017), lượng khách đến nơi này vẫn nằm ở con số tương đương. TS. Đỗ Quang Trọng – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành nhà Hồ thừa nhận với giới truyền thông rằng với thực trạng di sản chỉ còn lại duy nhất bức tường thành bao quanh, các công trình bên trong thì hầu như đã bị thời gian vùi lấp, khách đến di sản chủ yếu là các nhà nghiên cứu lịch sử, các đoàn khách học sinh sinh viên,… còn các tour khách du lịch thì hầu như rất ít. Ông Trọng cũng cho biết hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phụ trợ còn thiếu và yếu cũng là một trong những nguyên do quan trọng ảnh hưởng tới sự “hấp dẫn” của di sản với du khách.

Chia sẻ của người trong cuộc

Tổng cục Du lịch từng có một khảo sát cách đây 8 năm, rằng hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam với lý do để khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới. Điều đó đã khẳng định vai trò của các di sản đối với sự phát triển của ngành du lịch. Lần lượt theo từng mốc thời gian được UNESCO công nhận đối với mỗi di sản, đây là những địa điểm không thể thiếu trong các bản đồ du lịch, các tuyến tour tổ chức cho khách du lịch nội địa hay khách nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Huỳnh Thanh Việc, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM, người có thâm niên gắn bó trong ngành du lịch trên dưới 20 năm, nói:

Trong số các di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận tại Việt Nam, quả thật là số phận cũng khác nhau. Thu hút nhiều nhất là Hội An và Huế, còn lại Hoàng thành Thăng Long, Di tích Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ thì không được khách nội địa quan tâm.

di-san-the-gioi-o-viet-nam
Phố cổ Hội An

Một địa điểm di sản văn hóa vật thể bao hàm rất nhiều yếu tố trong đó như: công trình kiến trúc (phần lớn), con người khu vực đó, sản vật địa phương, dịch vụ đi kèm,… tất cả được cảm nhận chung gọi là hồn di sản. Các di sản văn hóa vật thể ngày nay gắn liền đến check- in thì luôn luôn hút du khách, và đa số khách du lịch nội địa đến khám phá phần nổi hơn là hồn từ bên trong. Nên cũng dễ hiểu vì sao di sản Thành nhà Hồ không được nhiều khách nội địa quan tâm.

Ông Việc lý giải, việc di sản thế giới tại Việt Nam có được người ta quan tâm hay không còn phụ thuộc vào một số điều kiện khác nữa. Có hai yếu tố quan trọng của việc thiết kế và bán tour của các đơn vị lữ hành: đó là điểm đến và tuyến đến.

Điểm đến nằm trong cụm du lịch, trong hành lang du lịch thì sẽ hấp dẫn trong việc thiết kế tour, dễ cho khách chọn lựa. Tuyến đến phải có độ hấp dẫn nhất định, kết hợp được những điểm đến gì trong hành trình đến di sản, thuận tiện về mặt hành trình đi lại, có nhiều nơi tham quan và hiệu quả trong việc thực hiện tour. Tuyến tour di sản miền Trung luôn khai thác hành trình Đà Nẵng – Hội An – Huế, vẫn luôn ổn định, có khách đều. Các di sản thế giới nằm trong tuyến, điểm này đều thuận tiện sắp xếp tham quan, trong đó có cả lịch trình di chuyển, phương tiện đi lại. Thực tế, dù có muốn, các đơn vị lữ hành cũng không dám mạo hiểm khi làm tour. Khách thích tìm hiểu văn hóa sâu, nghiên cứu, chỉ chiếm 5% – 10% lượng khách của mình, thì đâu dám đánh đổi với % khách còn lại để thiết kế tuyến tour theo ý số ít.

Ông Vũ Nguyễn, một người chuyên phụ trách điều hành tour nói: “Nếu chọn Thành nhà Hồ cho khách đi tốn một hành trình dài để đến một nơi rồi về, hoặc kết hợp với một số điểm tham quan khác ở Thanh Hóa thôi thì sẽ không hấp dẫn du khách so với tuyến Hội An-Đà Nẵng-Huế quá thuận tiện và nổi tiếng. Hoặc không thể cạnh tranh với tuyến Hà Nội – Tràng An – Bái Đính vốn không thiếu nơi để chụp ảnh.”

Số liệu thống kê gần đây nhất (2019) cũng cho thấy sự chênh lệch rất cao giữa các di sản. Quần thể danh thắng Tràng An đón 6.327.488 lượt khách, trong đó, 759.859 khách quốc tế, 5.567.628 khách trong nước. Hội An có 4 triệu lượt khách quốc tế và trên 1.35 triệu lượt khách trong nước. Khu Di tích Mỹ Sơn đón 374.000 khách quốc tế, 45.000 khách trong nước. Thành Nhà Hồ đón 7.255 khách quốc tế, 119.405 khách trong nước.

Có thể lấy một thí dụ quen như Hội An, người ta đi xong vẫn muốn quay lại. Vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là cái hồn phố cổ, cái hồn văn hóa. “Đây không chỉ là di sản vật thể trơ trọi để khách đến ngậm ngùi về một quá khứ vàng son mà còn là nơi để người ta có thể luôn khám phá được một số cái mới trong mỗi lần đến. Di sản phải “sống” lại cùng du khách bằng cách này hay cách khác”. Bà Thanh Dân, một chuyên viên truyền thông đến Hội An liên tục mỗi năm kể từ 15 năm qua, bày tỏ.

Du khách luôn có sự lựa chọn của họ, nhiều người trẻ đi du lịch đã nói, nếu so Mỹ Sơn với Hội An thì Hội An thuận tiện hơn, nhiều chỗ vui chơi và chụp hình hơn. Hội An cách Đà Nẵng 30km, cách Mỹ Sơn 40km nhưng thường thì khách sẽ chọn quay trở ra Đà Nẵng để đi di sản cố đô Huế dù phải đi thêm 150km, thay vì vào Mỹ Sơn. “Bản thân mỗi di sản đều có rất nhiều cái hay ho, thú vị của nó. Nhưng nếu xét về bề nổi du lịch hiện tại, cùng với trào lưu check-in của giới trẻ và hiệu ứng trên mạng xã hội đang tạo dựng một giá trị ảo với cư dân mạng, thì rõ là càng làm cho các di sản thành nơi thì đón khách không kịp, chốn ì ạch mãi không tăng”. Ông Nguyễn Ngọc Duy, hướng dẫn viên của lữ hành Saigontourist nhận xét.

Dĩ nhiên, giá trị một di sản đã được xác lập, thừa nhận, không phải phụ thuộc vào lượng khách du lịch tìm đến nó. Âu có lẽ đó điều an ủi chính đáng cho các di sản ít được… check-in!

di-san-the-gioi-o-viet-nam
Vịnh Hạ Long

Đừng đợi hữu xạ tự nhiên hương

Khi di sản của nước Việt đã là di sản thế giới, nghĩa là đã gắn thêm “thương hiệu” khiến khách nước ngoài khi đến Việt Nam có sự quan tâm nhất định, góp phần mạnh mẽ cho quyết định của du khách khi chọn những điểm đến ở Việt Nam. Thương hiệu này cũng góp phần lôi cuốn người dân trong nước đến với các di sản này. Nhưng như thế thôi thì không đủ. Du lịch Việt, soi qua cái nhìn về khách của các di sản, vẫn mang nặng tính khai thác tài nguyên, chứ chưa biết quảng bá kích thích, nâng cao sự hấp dẫn.

Không gian của điểm đến càng có cá tính, có bản sắc, tạo được cảm xúc mạnh cho du khách thì càng hấp dẫn và kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, khiến du khách nhớ lâu, muốn quay trở lại và sẽ nhiệt tình quảng bá cho điểm du lịch. Vì thế, nhất thiết phải làm truyền thông cho chuyện này. Tôi thấy các nước, thí dụ như Nhật Bản, các địa phương rất chịu khó bỏ tiền PR cho địa phương mình. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy tỉnh này tỉnh kia của Nhật sang Việt Nam làm các chương trình để quảng bá du lịch cho địa phương họ. Thậm chí mời ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam chỉ để quảng bá cho một vùng đất nào đó của họ. Tôi thấy phần nhiều các di sản của chúng ta vẫn để hữu xạ tự nhiên hương. Các địa phương cần bỏ chi phí quảng bá, PR nhiều hơn và hữu hiệu hơn nữa về các điểm đến của mình. Như cách Đà Nẵng mới làm gần đây khi quảng bá lên truyền thông nước ngoài cũng là gợi ý hay. Làm sao mà hậu giãn cách, người ta đi du lịch trở lại, thì phải nhớ đến các di sản nhiều hơn, hoặc đầu tiên, thì càng tốt! ” – Ông Huỳnh Thanh Việc đề nghị.

Việt Nam có bao nhiêu di sản thế giới?

Việt Nam hiện tại có tất cả 22 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong đó có:

1 di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á: Quần thể danh thắng Tràng An và là một trong số 38 di sản hỗn hợp trên thế giới được UNESCO công nhận.

3 di sản thiên nhiên: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn.

4 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn.

5 di sản vật thể thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

9 di sản văn hóa phi vật thể: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Ví dặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử.

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục