Đi mua mùi hương

Những mùi, những vị, những sắc, những hương đang thi nhau bày biện để mang Tết đến mọi nhà. Quê hay phố, nơi nào cũng rạo rực. Đó là không gian của những ngôi chợ đang rộn ràng trên khắp mọi vùng. Và là không khí Tết thực sự mà mỗi người trong hành trình của mình đều ít nhiều mong ngóng…

Đi chợ Tết. Ảnh: Lê Trọng Khang
Đi chợ Tết. Ảnh: Lê Trọng Khang.

Qua miền chợ Tết

Hình như, thứ khiến người ta ngày mấy bận vội vàng ra vào chợ, không phải chỉ để sắm sanh tết nhứt, đôi khi họ đi để mua lấy… một ít ký ức. Đôi lúc, đi chợ Tết, chỉ vì thèm cái mùi đã từng ướp đượm tuổi thơ của mình.

1. Nói là phố, nhưng không gian chợ dẫu ở thị xã hay chốn đô thị cổ ngàn năm, thì vẫn cái không khí tất bật của kẻ mua người bán. Vẫn cái chốn chật ních hơi người và đầy chặt thức hàng từ nguồn xuống biển. Những ngày này, thứ ám ảnh nhiều người nhất, hình như là mùi hương ngọt lịm tươm lên từ mẹt bánh trái nhà làm. Thứ bánh in, bánh thuẩn, bánh nổ, bánh tổ. Những món ngon chỉ thật sự có vị khi thưởng thức vào đúng dịp của nó. Là cái khoảnh khắc mà người ta hoài niệm những cũ xưa, nhớ chuyện ông bà, chuyện cội nguồn tiên tổ. Thì khi ấy, một miếng bánh dầu không cầu kỳ sắc màu hoa văn, vẫn khiến lòng rưng rức. Hình như nhắc đến tết, cảm giác se sắt và nghĩ lại về ngày hôm qua, nhiều hơn là cái xúc cảm tươi vui phơi phới chờ đến mai… Tôi lại lạc nhịp khi mê mải nhìn gian hàng bánh đang đầy vun lên với đủ mọi loại bánh trái của làng cũ từ ngôi chợ phố này. Chợ phố của xứ ba sông, của chốn gặp nhau từ nguồn xuống biển, nên mọi thức hàng, phong phú và tròn vị của nhiều vùng miền.

Người ta có thể mau chóng bắt gặp một người đàn bà miệt biển ngang chòng chành đôi gánh cá mà ông chồng vừa mới rã được từ mớ mắt lưới sau một đêm chong mắt trên sóng biển Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành)… Hay cả những người bà nửa khuya gói ghém mớ hàng trung du, nào chuối, nào cau, đi cho kịp chuyến xe sớm về chợ Mai. Chợ Mai – gọi lên thôi là bao người Tam Kỳ xa xứ rưng rức. Lai lịch vùng đất đôi khi được nhớ đến từ những chốn đầy tạp âm, tạp vị như chợ đây. Tôi nhớ một ông giáo già nhà gần chợ, vẫn thi thoảng nhắc đến cái tên Xóm Củi, Xóm Mắm… đầy tự hào. Đó là quãng ký ức khi chợ Mai – chợ Tam Kỳ hiện tại vẫn là chốn tập trung sản vật từ mọi vùng của cánh phía nam xứ Quảng về đây. Đoạn này, ông nói, đám trẻ con các xóm quanh chợ là sung sướng nhứt, cứ đôi ba hồi chạy lại các gánh hàng – đặc biệt là bánh trái, nhón vài cái. Người lớn cũng chẳng vì thế mà la mắng. Vì chợ tết ấy mà, người ta cười nhiều hơn.

Đi mua mùi hương... Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Đi mua mùi hương… Ảnh: Lê Trọng Khang.

2. Chợ của đỗi xuôi bao giờ cũng vậy, tấp nập, nhộn nhịp, nhiều màu, nhiều vị, nhiều người. Thử rời chốn thị thành để về gần hơn với một ngôi chợ của miệt rau trái, đồng làng. Người ta rỉ tai nhau chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) này là chợ của vựa rau vựa màu. Nó không phải chợ quê nhưng cũng không thể là chợ phố. Cứ lỡ cỡ giữa cái không gian của phố và hơi hướm của quê. Vậy nên nó mới có cái vị lạ lùng đặc trưng mà bất cứ ai nếu đặt chân tới đều ít nhiều ám ảnh. Chợ thị xã – người ta bắt đầu gọi vậy từ hai năm nay. Nhưng chợ thì đâu có mặc định cho mình một đơn vị hành chính, chợ là chợ với từng những cá thể độc lập nhưng gắn kết bởi sự đổi trao, bởi những nghĩa tình. Mùa tết, cái tình nghĩa của người ở chợ lại càng đầy hơn bởi người ta cảm thông cho nhau những đêm thức trắng của người bán buôn đận tháng Chạp. Chợ xứ này, người ta có thể gặp những hình ảnh đôi khi trái ngược đến tréo ngoe. Là bà chị độ tuổi trung niên lừng lựng nước hoa của phố xá, ngồi xuống ngay bên hông chợ để trả giá một quang gánh rau còn đọng sương trên lá từ cụ bà chạy chợ ở cánh Gò Nổi xuống. Và còn cả những bà những chị gom rau trái từ vườn nhà xuống, dặm chục bó cải, buồng chuối, rổ ớt, thế là thênh thang ra chợ buổi sớm tháng Chạp, bán mua rộn ràng.

3. Và chưa bao giờ trong giấc mơ mình, tôi thôi nghĩ về những buổi chợ sớm miền ngược, chợ của vùng đầu nguồn sông nước Trung Phước. Đó là một ngôi chợ nghèo, nhưng đầy đủ thức vị để trẻ con biết thế nào là chợ tết. Ở đó có những người phụ nữ kiên nhẫn với những đồng tiền lẻ năm ba ngàn, để góp nhặt chăm chút cho trẻ nhỏ những bộ đồ mới. Chợ có thể nằm ngay trên bến sông, với những gánh hàng từ ghe Hội An chạy lên, từ đò làng Đại Bình (Nông Sơn) chèo qua. Hoặc chợ ở ngay vệ đường. Miễn chỗ nào đông người thì chợ thành. Vì chợ xứ này không phân từng gian từng khu như chợ phố. Chợ tết thì không thể nào phân biệt được đầu cuối hay bên hông. Cứ vậy, chỗ nào cũng tràn tràn các mặt hàng phục vụ tết. Áo quần từ mấy xe lưu động, vừa đổ đống ra một chặp thì người xúm đen xúm đỏ tới lựa. Đông quá, cản trở giao thông nên phải dời vào tuốt trong mấy con hẻm quanh chợ, bán lai rai đợi mấy bà mấy mẹ xong xuôi mẹt rau thúng quả thì lại lựa cho con nít ở nhà vài bộ. Từ giữa tháng Chạp, buổi chợ nào cũng từ 3 – 4 giờ sáng, mải miết đến 9 – 10 giờ đêm. Gọi là chợ đầu nguồn, nhưng nó đầy đủ từ su Đà Lạt, củ kiệu, cà rốt muối dưa, nào trái quất, trái dừa, mớ gừng làm mứt…

Chợ tết bây giờ, nơi nào cũng giống nhau. Nhưng hình như, thứ khiến người ta ngày mấy bận vội vàng ra vào chợ, không phải chỉ để sắm sanh tết nhứt, đôi khi họ đi để mua lấy… một ít ký ức. Là nỗi nhớ về những người thân đã cùng mình đi một chặng đường dài, xoay đủ mọi thứ để mình thẳng thớm đường đời. Hay đôi lúc, đi chợ tết, chỉ vì thèm cái mùi đã từng ướp đượm tuổi thơ của mình. Người bạn vẫn thường than thở, ăn đến mòn chân răng hạt gạo, bánh trái của “xứ quê mùa” mình, nhưng cho đến lúc tóc trên đầu sắp bạc, sao vẫn không rị níu được chút ứng xử về thế thái nhân tình mà má mình, bà mình, cha ông mình đã từng cho đi? Là cái kiểu sống không hoài nghi bởi cái cách bán mua ngày tết, mình thà chịu thiệt để người buôn cái gánh rau có thêm đồng sắm tết cho mấy đứa nhỏ. Kiểu vậy. Hay là đi càng xa, trèo càng cao, người ta sẽ rơi rớt nhiều thứ cũng là chuyện thường tình? Phải vậy không, mà mỗi độ tết về ta lại phải đi “mua” mùi hương ngày cũ…

Quẹo vô chợ Phố

Cứ đến độ mùng Mười tháng Chạp trở đi, con đường Nguyễn Tất Thành đoạn qua xã Cẩm Hà (TP.Hội An) lại chộn rộn hẳn lên. Cũng nhiều năm rồi, hai bên lề đoạn đường này đã trở thành một “chợ quật” dập dìu kẻ bán, người mua. Sắc vàng ươm, sum sê của quật như màu xuân đến sớm. Đôi vợ chồng già cố tình đi chậm hơn mọi ngày để thưởng ngoạn hương xuân đang giăng khắp lối. Có chàng thanh niên trẻ sau giờ tan tầm tranh thủ dừng xe tạt vào vệ đường mong sớm “nghía” cho gia đình một chậu quật cảnh ưng ý. Tết nghe như đã rất gần đâu đây. Ông Lê Văn Trí (quê xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) bộc bạch: “Tôi lòng vòng xem lựa mua chậu quật về chưng tết chơi. Tết, có chậu quật, nhìn hắn đã mắt và tạo không khí no đủ sum vầy. mà tôi thấy chưa có quật nào đẹp hơn quật cảnh Hội An, trái sai mà lá xanh cứ rộn ràng lòng người”.

Các chủ vựa lớn ở Cẩm Hà đã chuyển quật theo dạng “buôn sỉ” đi khắp miền Trung cả tuần nay rồi song nhà vườn nào cũng “thửa” lại năm, bảy chục chậu nhằm góp vui với chợ tết cho xôm tụ quê nhà. Ông Nguyễn Hữu Thái, một hộ trồng quật tại địa phương cho biết: “Mua sớm hay trễ thì chúng tôi cũng bán giá xêm xêm vậy thôi chứ không chênh lệch nhiều. Một số chậu đẹp ở đây khách người ta họ đặt trước rồi nhờ chúng tôi chăm sóc cho tiện tới sát tết sẽ ghé lấy”. Xen kẽ giữa nhiều “sạp” quật, những cụ già bán hương, hoa tươi cũng chộn rộn hơn khi trời càng ngả bóng xế chiều. Cụ Diệu (81 tuổi) vừa móm mém nhai trầu vừa nói: “Bình thường hàng tháng tôi chỉ bán ngày rằm, mùng một kiếm tiền ăn sáng, ăn trầu thôi nhưng mà tháng Chạp ni người ta sửa sang mồ mả, nhang khói ông bà nhiều lắm nên ngày mô cũng đều đều khách”.

Những ngày này muốn quan chiêm Hội An “nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu” không nơi nào rõ nét hơn chợ. Nhắc đến chợ thì phải ghé chợ Hội An, ngôi “chợ phố” nép mình bên dòng sông Hoài mấy trăm năm tuổi không cần lễ tết để thêm rộn rịp. Nhưng phiên chợ mùa giáp tết vẫn mang thứ thanh âm, hương sắc và phong vị rất riêng. Dù kệ sạp hay chỉ là những thúng mủng cầm tay, hôm nay quyện thêm mùi thơm lựng của bánh tổ, bánh da hay ướm thêm sắc rực rỡ của mứt nghệ, mứt quật… Mấy chục năm trời, bà Bảy vẫn ở đó bán thức quê hương xuân và cùng nhiều bạn hàng níu giữ ký ức tết làng giữa phố. Chị Trương Thủy Trúc chia sẻ: “Mọi khi vì công việc bận rộn nên tôi vẫn hay ghé cửa hàng thực phẩm tiện lợi hay các siêu thị nhỏ mua sắm cho gia đình. Nhưng những ngày này thì nhất định phải quẹo vô chợ phố. Ghé sạp nào cũng chộn rộn niềm vui, cũng nghe lâng lâng mùi tết, lại bồi hồi sắc màu của tuổi thơ rất khó tả”.

Trầm ngâm dưới nếp nhà cổ rêu phong, có ông đồ miệt mài “phóng chữ” cho các bức thư pháp, câu đối. Trên nền gạch cũ kỹ bên vệ đường có mấy người đàn bà mảnh khảnh, da rám sạm đi vì nắng cháy túm tụm vân vê mấy khóm dừa non, buồng cau xanh mướt mát. Chốc chốc đâu đó vẳng lại tiếng rao lanh lảnh của người bán củ kiệu, cát trắng thay lư hương những mong bán nốt mẻ hàng cuối ngày. Hòa vào xuân, vương vào phố, dường như hương tết đã thủng thẳng quyện về trong không gian, đong đầy trong lòng mọi người.

Phiên chợ vùng cao

Cận Tết, những phiên chợ ở vùng cao bắt đầu nhộn nhịp với dòng người tìm mua, chọn bán. Dù không gian mỗi phiên chợ rất nhỏ nhưng lại khá đủ đầy các mặt hàng phục vụ mua sắm tết, từ bánh kẹo, thịt cá, cho đến sản vật đặc trưng của núi.

Từ những cuộc trao đổi, bán mua tại các phiên chợ, người vùng cao sắm được vật dụng cần thiết, chuẩn bị cho tết. Ảnh: Đ.N
Từ những cuộc trao đổi, bán mua tại các phiên chợ, người vùng cao sắm được vật dụng cần thiết, chuẩn bị cho tết. Ảnh: Đ.N

Chợ nông sản

Hình thành khoảng chục năm trở lại, nhiều phiên chợ vùng cao đã trở nên quen thuộc với đồng bào và các tiểu thương. Như chợ chiều 5 nghìn ở Tây Giang, dù chỉ hoạt động khoảng gần 3 năm nay, nhưng gần như “phủ sóng” khắp vùng lân cận của địa phương. Từ A Tiêng, Lăng, A Nông,… ngày nào bà con cũng mang nông sản đến bán, phục vụ nhu cầu mua sắm của chính đồng bào và cán bộ. Người ta bày bán nhiều loại sản vật đặc trưng, nhưng chủ yếu là rau, củ, quả được trồng hoặc hái về từ rẫy. Thời điểm tết, nên hàng hóa càng phong phú, đa dạng.

Góp mặt ở chợ từ buổi đầu hoạt động, bà Zơrâm Thị Chơn, một cư dân ở làng Aró (xã Lăng) nói, đây là cơ hội để bà con có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Khác với những ngày thường, cận tết, khách hàng đến tìm mua trở nên đông đúc. Ngoài người dân địa phương sắm sửa tết, còn có thêm một vài tiểu thương và du khách từ đồng bằng. Họ mua sản vật làm quà biếu cho người thân và phân phối cho các nhà hàng, để kiếm lời. “Hồi trước, có rau, có sắn cũng chỉ biết dùng trong gia đình thôi. Nay có chợ, ngồi một buổi cũng bán được vài loại nông sản, có tiền để sắm tết. Bà con trồng nông sản chủ yếu trên nương, trên rẫy nên rất sạch. Vì thế, khách hàng ưa chuộng” – bà Chơn bộc bạch.

Khác với chợ chiều 5 nghìn, ở Đông Giang, nhiều năm nay, cứ đến tết, đồng bào lại tụ tập tại các phiên chợ làng, rất thú vị và độc đáo. Hoàng hóa, đa dạng từ gà vịt, chuối mốc, gạo nếp, cho đến các loại nông sản địa phương. Dọc lối đi về làng, những “tiểu thương” vùng cao tự tin chào bán sản vật, góp thêm không gian ngày cận tết thêm nhộn nhịp, ấm áp.

Giao thương ở núi

Cận tết, nhiều góc núi trở nên sầm uất với những phiên chợ quê đậm chất vùng cao. Người mua, kẻ bán – nét giao thương xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại, tạo không gian đa màu sắc. Chợ Chà Vàl, huyện Nam Giang khi tết chừng như đã rất gần lại nhộn nhịp bước chân của lũ làng. Họ đến nhiều hơn để bán mua những gì cần thiết. Đặc sản rừng, là chồn sóc, là sả ớt, cá suối… được mang đến, đựng trong từng chiếc gùi. Đổi lại, họ mang về những gói bánh, gói kẹo và cả những bộ áo quần mới để làm quà tết. Tất cả diễn ra ngay cạnh đường đi, nơi ngã tư hướng về góc núi ở trung tâm Chà Vàl. Hàng năm, phiên chợ núi chỉ diễn ra trong những ngày cuối cùng của tháng Chạp.

Những sản vật đặc trưng được bày bán tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Đ.N
Những sản vật đặc trưng được bày bán tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Đ.N

Rộng mở bằng những cuộc giao thương, nơi này, thỉnh thoảng xuất hiện những người bạn Lào từ bên kia biên giới sang trao đổi hàng hóa để… đón tết. Ở vùng giáp biên, một số cụm bản của huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) cũng là đồng bào Ve, Tà Riềng. Vì thế, từ nhiều năm nay,họ vẫn giữ thói quen ăn tết cổ truyền của Việt Nam. Tranh thủ những chuyến đi cuối năm, vừa mua sắm nhu yếu phẩm, họ cũng không quên mang theo sản vật địa phương để trao đổi. Có khi, là chỉ vài ký cá suối, hoặc vài con sóc, con chuột đã được xông khói sau một thời gian dành dụm.

Qua vùng B…

Ngược xuôi qua các chợ Phường Đông – Cựu Thị, Bến Dầu… vốn là những chợ lâu đời ở vùng B Đại Lộc, nghe hương tết rộn ràng, như sống dậy ký ức thiếu thời.

Tháng Chạp, không khí tại các chợ Tết vùng B Đại Lộc trở nên tấp nập lạ thường. Người miền quê tôi hay bảo nhau, để biết một năm có no ấm hay không, chỉ cần nhìn vào phiên chợ tết cũng có thể đoán được đôi phần. Đi chợ tết vừa là dịp mua sắm chuẩn bị cho Tết, mà cũng là nét đẹp ngày Xuân.

Một góc chợ Phường Đông những ngày cuối năm. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Một góc chợ Phường Đông những ngày cuối năm. Ảnh: Hoàng Liên

Giáp Tết, chợ Bến Dầu (Đại Thạnh) – một trong số ngôi chợ có mặt sớm nhất ở vùng Đại Lộc, cùng với chợ Phường Đông (Đại Phong), Gia Cốc (Đại Minh), không khí náo nức, đông đúc lạ thường. Vẫn các mặt hàng nông sản, vẫn cá tôm, dầu muối, chè xanh An Bằng, măng rừng, thịt, bánh tết, các loại hoa trái, còn có cả hàng hoa cúc, vạn thọ, thược dược, mồng gà chưng tết được trồng ở vùng quê này… Hàng hóa và người bán – mua tấp nập. Chuối xanh (chuối cau, mốc cúng tết), các mặt hàng hoa quả, bánh trái, những món nhà làm mang đậm sắc quê được ưa chuộng. Người đến chợ cố gắng mua ít đồ biển, tôm cá, dù rằng, ở quê, nhà nào cũng chuẩn bị mớ rau, dưa leo, hành ngò, ít con gà, vịt, thịt heo, bánh tráng cho tết.

Chợ Phường Đông – Cựu Thị, những mặt hàng như chuối xanh để thờ cúng được người dân và tiểu thương đưa ra chợ, sắp theo dãy bên mé phải chợ từ rất sớm. Người bán, người mua tấp nập dù giá chuối xanh chưng tết cao ngất ngưỡng. Theo lệ, mâm ngũ quả, bàn thờ gia tiên không khi nào thiếu vài nải chuối xanh, đu đủ, thơm, dừa, xoài, mãng cầu, bưởi, bòng, vú sữa, ổi quê. Người quê còn đưa cúc, ly, hồng trồng từ các vườn nhà, các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tổ, bánh in, bánh da, bánh ít ngọt, bánh ít lạt, bánh tráng Đại Lộc… ra chợ. Những cụ già với mẹt trầu, cau bán lộc cũng “ăn nên làm ra” dịp tết. Bà Huỳnh Thị Vinh (80 tuổi, xã Đại Phong) chia sẻ, mấy chục phiên chợ tết bà đều mang tới chợ buồng chuối xanh, buồng cau, mớ trầu, hay bánh tết để bán, rồi trang trải sắm sanh các món cho tết.

Dạo quanh các phiên chợ Tết để bắt gặp hồn quê, điều mà ta sẽ khó tìm được trong bóng dáng của siêu thị hay trung tâm thương mại, chợ online. Mỗi người con xa quê xứ, có dịp đi chợ Tết, mang theo cả niềm hân hoan, ký ức Tết quê khó xóa mờ.

X.Hiền – Q.Tuấn – Đ.Nguyên – H.Liên

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/di-mua-mui-huong-83311.html

Cùng chuyên mục