Đến Quảng Nam ghé thăm cái nôi chữ quốc ngữ

Khu vực Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bản, Quảng Nam) không chỉ nổi tiếng về nghề đúc đồng và bê thui/bò tái Cầu Mống, mà còn lưu giữ nhiều gốc tích về Dinh trấn Thanh Chiêm và việc khai sinh chữ quốc ngữ.

Nhà thờ Phước Kiều là một trong hai cái nôi sớm nhất của chữ quốc ngữ, do Francisco de Pina xây dựng vào năm 1617. Trải qua nhiều biến cố lớn, bị đập phá nhiều lần, nhà thờ hiện tại được xây trên nền đất cũ. Ngày nay có tên là Đền thánh Anrê Phú Yên.

Nhà thờ Phước Kiều ngày nay

Giáo xứ Hội An thành lập năm 1615, được cho là nhà thờ Thiên Chúa sớm nhất tại Việt Nam, thì nhà thờ Phước Kiều chắc sớm thứ hai hoặc thứ ba.

Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), chúa Nguyễn Hoàng lập Dinh trấn Quảng Nam, ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, sau dời về Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn – cũng gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm.

Sơ đồ dinh trấn Thanh Chiêm trưng bày tại Bảo tàng thị xã Điện Bàn (Quảng Nam)

Hội An – Thanh Chiêm là nơi du nhập Thiên Chúa giáo sớm nhất xứ Đàng trong, thậm chí sớm nhất Việt Nam. Năm 1617, hai linh mục Christoforo Borri và Francisco de Pina đến Thanh Chiêm; lúc này linh mục Francesco Buzomi đang thành lập cơ sở Nước Mặn, Quy Nhơn – một cái nôi khác của chữ quốc ngữ. Trong khoảng năm 1619-1621, linh mục Francisco de Pina chọn ở hẳn tại Dinh trấn Thanh Chiêm, mua nhà và học tiếng Việt.

Thánh bổn mạng là Anrê Phú Yên. Với hơn 200 giáo dân, đây là một nhà thờ nhỏ xét về quy mô, nhưng lại lâu đời và ý nghĩa về mặt lịch sử

Đến năm 1624, linh mục Alexandre de Rhodes và Jeronimô Majorica chuyển đến sống tại Dinh trấn Thanh Chiêm, học tiếng Việt với cha Pina và nhiều người khác. Đặc biệt với cậu bé người Quảng Nam, nhưng lấy tên là Raphaël Rhodes.

Cây “phổ hệ” của nhà thờ, trong này cũng đề cập về các cột mốc hình thành chữ quốc ngữ

Cũng trong 1621 đến 1625, linh mục Antonio Fonte người Bồ Đào Nha cũng đến đây học tiếng Việt. Francisco de Pina viết hai tài liệu quan trọng là Phương pháp La-tinh hóa tiếng ViệtNgữ pháp tiếng Việt.

Trống là một nét văn hóa bản địa của nhà thờ

Tại nhà thờ Phước Kiều có linh mục Lữ Y Đoan (1613-1678, còn gọi là Đang, Đương), người đã phiên dịch Cựu ước thành Sấm truyền ca vào khoảng năm 1670, với gần 5.000 câu thơ lục bát trong sáng, thuần Việt. Đây có thể là một trong vài tác phẩm lục bát sớm nhất còn lưu giữ được bằng văn bản đến tận ngày.

Chuông nhỏ nhắn và đơn giản

Mời đọc một khổ trong Sấm truyền ca để thấy tính hiện đại của ngôn ngữ thời bấy giờ:

“Xưa nay diễn biến trò đời

Đồ vương tranh bá, bao người máu xương

Một dân dựng nước khác thường

Bàn tay Thượng đế đo lường trước sau

Giếp Tô quyền lực Phan Trào

Muôn binh hùng dũng, đất giàu dân đông

Yết Linh đứng dậy tay không

Phá xiềng nô lệ về vùng Trà Nam…”.

Như Hà

Cùng chuyên mục