Đến Nam Đàn nhớ lão Túy Ông
Mỗi lần đến Nghệ An, tôi đều lên Nam Đàn và viếng thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu. Nhà lưu niệm của “Ông già Bến Ngự” được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng có diện tích gần 2 ngàn mét vuông tại thị trấn Nam Đàn, cách TP.Vinh khoảng 20km về phía tây bắc. Và thật lạ, cứ đến đây nhìn vào các di vật tôi lại bần thần nghĩ về Lão Túy Ông Đỗ Đăng Tuyển, một “bạn nhậu” ở Quảng Nam của cụ Phan.
1. Năm 1967, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của cụ Phan, ngôi nhà xưa (tranh, tre, gỗ) của cụ ở làng Đan Nhiệm gần đó đã được tôn tạo lại trở thành khu di tích phục vụ giới trẻ đến thăm viếng. Hai mươi năm sau (1987), khu di tích đã được dời lên thị trấn Nam Đàn, là nơi cụ Phan Bội Châu cất tiếng khóc chào đời và sống ba năm đầu của tuổi ấu thơ.
Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu gồm hai ngôi nhà gỗ lợp tranh thưng phên nứa bố trí theo kiểu chữ L trong khu vườn rộng khoảng gần 500m2. Hai bên cổng vào và bao bọc khu lưu niệm là hai hàng chè tàu được xén tỉa công phu. Trong vườn được trồng các loại cây ăn quả như chuối, cam tỏa bóng mát sum sê và mang vẻ dung dị vốn có trong kiến trúc làng quê Bắc Trung Bộ. Phía sau nhà là hàng trúc xinh quen thuộc…
Tại đây giữ các hiện vật quý gắn với quãng đời cụ sống ở quê hương như chiếc cối giã gạo bằng đá, chày bằng gỗ lim để ở đầu hồi của nhà lớn. Đây là kỷ vật của hai người vợ cụ trong những ngày tần tảo nuôi chồng con. Bộ phản gỗ và yên thư để ở gian ngoài của nhà lớn là nơi cụ Phan dùi mài kinh sử và đàm đạo thơ văn, bàn việc nước với các sĩ phu trong vùng. Ngoài ra còn có bộ tràng kỷ bằng tre, một giá sách bằng gỗ và những cuốn sách học chữ của cụ Phan thời niên thiếu.
Bên cạnh khu nhà ở là một nhà trưng bày được xây dựng kiên cố trên khoảng đất rộng 600m2. Gian chính giữa với hơn 100m2 được lưu giữ hàng trăm bức ảnh tư liệu, hiện vật gốc và các tài liệu khoa học, tái hiện những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp cứu nước của cụ Phan, từ Nghệ An, Nhật Bản, những ngày lưu đày và mất ở Huế vào năm 1926…
Hàng năm, theo một cán bộ phụ trách ở đây, lễ dâng hương tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu được tổ chức trang trọng nhân kỷ niệm ngày sinh (26/12) và ngày mất (29/10) của cụ.
2. Lần nào tôi từ Quảng Nam ra Nghệ An cũng về Nam Đàn viếng các di tích liên quan đến La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu. Đặc biệt, với “Ông già Bến Ngự” còn có mối liên hệ với các danh sĩ Quảng Nam cận đại. Tôi biết lúc bắt đầu thành lập Duy Tân hội, cụ Phan thường vào Quảng Nam, giao du với Tiểu La Nguyễn Thành ở trại Nam Thạnh và đến Điện Bàn, Đại Lộc hay Hội An đàm đạo với các nhà yêu nước như cử nhân Phan Thúc Duyện, cử nhân Đỗ Đăng Tuyển, cụ Châu Thượng Văn…
Nhưng rất lấy làm tiếc rằng các tư liệu, thông tin về thời kỳ này vẫn chưa có vị trí xứng đáng ở Nam Đàn. Theo Địa chí Đai Lộc (NXB Đà Nẵng, 2000): Thượng tuần tháng Tư năm Giáp Thìn, Đỗ Đăng Tuyển từ quê vào Nam Thạnh sơn trang (Thăng Bình) dự một cuộc họp vô cùng quan trọng là Hội nghị thành lập Duy Tân hội. Đỗ Đăng Tuyển sau khi Nghĩa hội Quảng Nam giải thể, đã đóng vai một “Lão Túy Ông” với thơ túi rượu bầu để qua mắt nhà cầm quyền và tiếp tục chuyển hướng hoạt động yêu nước cùng với Tiểu La Nguyễn Thành và các trí thức đương thời.
Ở Nam Thạnh sơn trang, trong số 20 người sáng lập Duy Tân hội năm 1905, Phan Bội Châu đã ghi tên 5 người cùng họp mà ông gọi là “hội viên trọng yếu” gồm Tiểu La, Trình Hiền (Đỗ Đăng Tuyển), Lê Võ, Đặng Tử Kính và Đặng Thái Thân. Đỗ Đăng Tuyển năm đó 48 tuổi. Phan Bội Châu ghi lại: “Sào Nam vào Quảng Nam do Nam Thạnh mà gặp được ông (Đỗ Đăng Tuyển), cùng ông ăn gà uống rượu nhiều lần ở nhà ông, cùng nhau chuyện trò vui vẻ…” (Địa chí Đai Lộc, trang 348). Với mối quan hệ đó, sau vụ chống thuế năm 1908 lan ra Nghệ Tĩnh, một truyền đơn chống thuế Nghệ Tĩnh ghi lại:
Đáng yêu thay dân Quảng Nam
Đáng kính thay dân Quảng Nam
Lòng họ chuyên nhất như thế
Chí họ kiên quyết nhẫn nại đến thế
Hành động họ sáng tỏ là thế…
(Theo Nguyễn Văn Xuân, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quảng Nam – Đà Nẵng số 1/1987).
Năm 1910, Đỗ Đăng Tuyển bị bắt và giải ra Nghệ An để đối chất, sau đó ông bị đày lên nhà lao Lao Bảo với án khổ sai 10 năm. Tại đây ông tuyệt thực và hy sinh ngày 2/5/1911. Khi viết về tiểu sử Lão Túy Ông Đỗ Đăng Tuyển, một trí thức đương thời đã có những dòng thơ chữ Hán khá xúc động, trong đó có những câu:
Mưa gió liền năm dài
Càn khôn sót một già
Đáng thù lòng như đá
Lo nước tóc thành tơ…
(Việt Nam nghĩa liệt sĩ, bản dịch của Tôn Quang Phiệt).
Hay:
Bội Châu không bác e vô sự
Lao Bảo nhờ ông mới có danh
Tiếc bác lấy gì an ủi bác
Một chung rượu lạt, máu thần minh.
(Tác giả Phan Bội Châu. Theo Trần Viết Ngạc – Danh nhân đất Quảng).
3. Mối quan hệ của các nhà trí thức Quảng Nam và Nghệ An cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 chắc hẳn còn rất nhiều nữa chưa được khai thác hết, nhất là giữa hai cụ Phan Châu Trinh – Phan Bội Châu, quan hệ giữa Phong trào Duy tân Quảng Nam và Đông Du…
Tuy vậy, riêng với Phan Bộ Châu và Duy Tân hội, các tư liệu lịch sử còn cho thấy nguồn tài chính để Duy Tân hội hoạt động và để Phan Bội Châu xuất dương năm ấy là do Đỗ Đăng Tuyển và Châu Thượng Văn lo liệu từ các hội buôn, hội nông công khai và các hoạt động thương mại khác từ đô thị thương mại sầm uất Hội An ở Quảng Nam… Phan Bội Châu còn ghi lại trong Tự phán rằng: “Thượng tuần tháng Chạp Giáp Thìn (1/1905), tôi cùng ông Ngư Hải, ông Tử Kính tới nhà Tiểu La. Nhóm mật hữu ba đến bốn người như các ông Trình Ô Gia (tên khác của Đỗ Đăng Tuyển), Tôn Thất Toại, Chu Thư Đồng (tức Châu Thượng Văn) thường định những kế hoạch, chia đường làm việc”.
Tiểu sử cụ Thư Đồng Châu Thượng Văn còn ghi cụ thể hơn: “Muốn giúp lộ phí cho Phan Bội Châu nhưng nhà không sẵn tiền, thế là Châu Thượng Văn mang văn khế nhà đất đi cầm được 350 đồng, tặng tất cả cho Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ…” (Theo Trần Viết Ngạc).
Riêng với Lão Túy Ông, mà cụ Sào Nam còn nhiều lần đến nhà ông “ăn gà, uống rượu” để bàn việc nước, thì thật giữa họ đã có một mối thâm tình keo sơn vậy!
Trương Điện Thắng
Theo Quảng Nam Online