Để du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững

Đà Nẵng chuẩn bị bước vào mùa du lịch biển kéo dài từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 9. Tuy nhiên, ngành du lịch Đà Nẵng đang đối mặt với ít nhất hai vấn đề cần giải quyết nếu muốn tiến đến phát triển bền vững: khả năng hấp thụ và sự mất cân bằng trong thu hút khách nước ngoài.

Thành phố biển Đà Nẵng đang hướng đến duy trì lượng khách từ châu Á và tăng lượng khách từ châu Âu. Trong ảnh: du khách phương Tây nghỉ dưỡng tại một resort 5 sao ở Đà Nẵng.
Thành phố biển Đà Nẵng đang hướng đến duy trì lượng khách từ châu Á và tăng lượng khách từ châu Âu. Trong ảnh: du khách phương Tây nghỉ dưỡng tại một resort 5 sao ở Đà Nẵng.

Sự chuyển mình mất cân bằng

Cách đây 15 năm, khi còn là nhân viên truyền thông của một trong những resort (khu nghỉ mát) 5 sao đầu tiên tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh đã có những trăn trở với sự phát triển du lịch của thành phố biển. Vào thời điểm đó, các tour xuyên Việt kéo dài 15-20 ngày của du khách nước ngoài khá phổ biến. Tuy nhiên, Đà Nẵng lại “nằm ngoài” hành trình này vì nhiều lý do, trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Hiện nay Đà Nẵng đã có bước chuyển mình đáng kể, theo ông Quỳnh. “Đà Nẵng hiện là trung tâm tour của khu vực miền Trung, là cửa ngõ cho hành trình di sản và là địa chỉ nghỉ dưỡng biển của khách du lịch”, ông Quỳnh nói và giải thích thêm rằng Đà Nẵng hiện có nhiều khách sạn và resort mang đẳng cấp quốc tế, có nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế nên dễ dàng trở thành điểm đến của du khách. Cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch từ Đà Nẵng tham quan các di sản thế giới tại miền Trung như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn hay thành nội Huế cũng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, có một điều khiến những người trong ngành lo ngại, đó là du lịch Đà Nẵng đang phát triển quá nóng dẫn đến khả năng hấp thụ và quản lý nguồn khách có những hạn chế nhất định. Ông Quỳnh, hiện nay là Phó tổng giám đốc khu du lịch Furama Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đang quá tải trong việc phục vụ khách du lịch. Công suất sân bay quốc tế Đà Nẵng đã đạt ngưỡng, đặc biệt là mùa du lịch biển Đà Nẵng. Các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng chủ yếu là từ châu Á.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng lấy ví dụ về việc một gia đình khách nước ngoài phải mất 3 tiếng đồng hồ mới làm xong thủ tục nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng để nói về tình trạng quá tải hiện nay. Ông cho biết du lịch Đã Nẵng sẽ trở nên bão hòa nếu không có sự cải thiện về khả năng hấp thụ khách du lịch, trong đó có cơ sở hạ tầng.

Về nguồn khách, hiện khách du lịch từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đang chiếm phân nửa lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong top 10 khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng ba tháng đầu năm 2018, khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hai vị trí dẫn đầu với thị phần lần lượt là 55% và 24% trong khi vị trí thứ 10 chỉ chiếm 0,5%. Nếu khách từ hai thị trường này giảm thì du lịch Đà Nẵng sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng, theo giới du lịch.

Đại diện một số công ty lữ hành như BenThanh Tourist Đà Nẵng, Vitours, Việt Đà Travel… cũng nhận định tương tự, lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Đà Nẵng đã có sự gia tăng mạnh, đặc biệt trong mùa du lịch biển.

Giữ khách Á, tăng khách Âu

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết trong mùa du lịch biển này, lượng du khách từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc đến Đà Nẵng khá đông, trong đó dự kiến sẽ tập trung cao nhất vào tháng 7 và tháng 8, tăng từ 20-30% so với các thời điểm khác.

Là một người làm việc lâu năm trong ngành du lịch Đà Nẵng, ông Cường nhìn nhận hiện nay Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là các thị trường khách trọng điểm của thành phố. “Tuy nhiên, với quan điểm phát triển du lịch bền vững, Đà Nẵng cần phải đa dạng hóa thị trường khách nhằm không phụ thuộc vào một vài thị trường”, ông Cường nói. Ông cho biết thêm, trong thời gian qua, bên cạnh việc duy trì ổn định thị trường khách nội địa và hai thị trường khách quốc tế nói trên, ngành du lịch Đà Nẵng đang tiếp cận các thị trường mới như các nước Đông Nam Á, Úc, Nga, Ấn Độ và châu Âu, đặc biệt là các nước miễn thị thực (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha).

Việc miễn thị thực cho các nước nói trên sẽ hết vào ngày 30/6 tới. Theo ông Cường, việc tiếp tục miễn thị thực cho công dân các nước này là cần thiết, sẽ mở ra cơ hội cho Đà Nẵng trong việc xúc tiến quảng bá du lịch và thu hút khách của các thị trường này. Bên cạnh đó, việc xem xét mở rộng thời gian miễn thị thực (có thể tăng lên 30 ngày thay vì 15 ngày như đang áp dụng) sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các địa phương khu vực miền Trung thu hút và khai thác các thị trường khách này, nhất là đối với phân khúc thị trường khách lẻ, kéo khách ở lại và mua sắm nhiều hơn.

Theo ông Đặng Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà, Đà Nẵng nên cân đối các chuyến bay, không nên quá tập trung vào một hay hai thị trường như hiện nay. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng giải pháp có thể đến từ mở rộng và tài trợ các đường bay thẳng từ Úc và các nước châu Âu, hoặc kết nối với các điểm đến như Hồng Kông hay Thái Lan. Ông Quỳnh đưa ra ví dụ, những khách châu Âu được miễn thị thực 15 ngày tại Việt Nam sẽ du lịch tại Hồng Kông hay Thái Lan 3-5 ngày, sau đó họ sẽ có 9-10 ngày trải nghiệm hành trình di sản miền Trung với điểm đến là Đà Nẵng. “Đà Nẵng nên tập trung vào đặc thù của mình là du lịch nghỉ dưỡng biển và MICE – hội nghị kết hợp du lịch – để tăng tỷ trọng du khách phương Tây đến đây”, ông Quỳnh nói. “Theo tôi, nếu quản lý tốt thì Đà Nẵng có thể dung hòa lợi ích của khách Âu và khách Á tại đây. Đặc biệt, khách Trung Quốc rất thích mua sắm, nếu chúng ta tăng cường dịch vụ và sản phẩm, tạo cơ hội cho họ chi tiêu. Điều đó có nghĩa chúng ta xuất khẩu tại chỗ thành công”.

Nhân Tâm
Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

Cùng chuyên mục