Dậy sớm cùng Luang Prabang
Những ngày ở Luang Prabang (Lào) dù mệt cách mấy tôi cũng luôn cố dậy sớm, bởi mục đích lớn nhất khi đến cố đô này là muốn tận mắt chiêm ngưỡng cảnh các nhà sư đi khất thực khi bình minh ló dạng…
Đây là một đặc trưng của Luang Prabang, là một trong những điều thú vị, hấp dẫn nhất của cố đô, không chỉ với những người hành hương, tín đồ đạo Phật, mà cả với các du khách Âu – Mỹ.
Ra phố khi cố đô còn say ngủ
Người Lào đa phần đều ngủ sớm và thức dậy muộn, cố đô cũng không ngoại lệ. Buổi sớm cố đô vắng vẻ lắm, thi thoảng vài chiếc tut tut phành phạch tiếng máy xe chở hàng chạy qua, rồi tất cả lại im lìm chìm trong giấc ngủ say. Thức sớm lúc này, hầu như chỉ có những vị sư ở các ngôi chùa. Nhờ vậy mà tôi được nhìn hình ảnh thú vị khi các vị sư trẻ dậy sớm ngồi bên hàng hiên chùa, dưới ánh điện lờ mờ, người đang quét sân, kẻ đang tranh thủ học lại những bài kinh. Chùa Wat Xieng Thong nằm ngay trên ngọn đồi trông ra sông Mê Kông. Bậc tam cấp ở bến thuyền trước chùa trong ánh sáng chưa tỏ mặt người đã thấy nổi lên sắc vàng quen thuộc của những bậc tu hành. Các nhà sư xuống bến thuyền phía trước chùa để sửa soạn y, bát chỉnh tề chuẩn bị cho buổi khất thực đầu ngày.
Đến chừng 6h, các nhà sư bắt đầu hành trình khất thực của mình, nối nhau thành hàng vàng của màu áo cà sa dài tưởng như không dứt. Từng đoàn người đi dài trên những con phố chính, trước khi quẹo vào các con đường nhỏ và trở về chùa của mình. Trên hành trình của những bước chân trần đó, họ được chờ đón bởi những người cúng dường khất thực. Đó là người dân nơi này, cũng có thể là người Lào những vùng khác đến, hoặc những phật tử Phật giáo của cả hệ phái Nam tông, Bắc tông từ nhiều nơi trên thế giới đến – có cả người Á lẫn người Âu. Những chiếc váy Lào, khăn rằn quen thuộc vắt chéo cổ truyền bên cạnh những mái tóc vàng hoe mắt xanh đang lúng túng học nhìn chung quanh để làm sao có thể thực hiện đúng nhất việc bố thí như người bản địa. Tôi nhìn thấy một cô du khách người Âu lúng túng theo hỏi anh hướng dẫn làm sao cho phải phép khi dâng đồ bố thí, khi cô bị gãy một tay và đang phải đeo băng. Trừ những người già có thể được ngồi trên các ghế nhỏ và những chiếc ghế này cũng không được cao quá tầm các nhà sư, còn lại những người dâng đồ khất thực đều quỳ, ngồi trên đất.
Những đôi chân trần cho và nhận
Các nhà sư đi qua, thong thả, tuần tự, những chiếc y bát – dụng cụ đựng đồ khất thực, có quai đeo được chìa ra để phật tử gửi vào đó với tất cả lòng kính trọng. Mọi thứ đều diễn ra trong lặng lẽ, yên bình như tất cả những sớm mai khác hàng trăm năm qua. Sự tĩnh lặng được giữ qua những bước chân nhẹ nhàng của các nhà sư, những đôi chân trần của chính những người đi cúng dường, bố thí. Họ, phần lớn là người già, đi chân trần từ nhà mình ra phố ngồi đợi, hoặc nếu có đi giày dép thì đến nơi ngồi bố thí, đều bỏ hết ra. Kẻ cho và người nhận đều chân trần. Hòa trong những hàng người khất thực ấy, có những đôi chân trần khác. Những đôi chân nhỏ lam lũ của bầy trẻ. Chúng ngồi hay quỳ, chắp tay thành tâm bên cạnh những cái giỏ mây tre to cũ kỹ. Từng bước chân trần của nhà sư đi qua chúng, khẽ dừng lại, có tiếng động nhẹ vang lên, có thể là gói bánh lá, cục xôi… rơi vào giỏ từ các chiếc y bát của nhà sư. Những đứa trẻ thiếu thốn chờ đồ bố thí của các nhà sư đang đi khất thực, vừa mới nhận từ tay các tín đồ. Thường thì các sư đi khất thực chỉ lấy đồ ăn đủ dùng trong một ngày, những thức ăn nào cảm thấy dư sẽ được đem chia lại cho một số vị sư sãi khác trong chùa, để dâng cúng Phật và bố thí lại cho những kẻ thiếu thốn khác – ở đây là những đứa trẻ đang khoanh đôi chân trần nhỏ đợi những bước chân trần của kẻ xuất gia. Những đôi chân trần của sự sẻ chia. Tôi lặng người nhìn để thấy từ đó những nét đẹp khác của cho và nhận – triết lý đơn giản trong đời sống mà không phải lúc nào mình cũng nhìn thấy rõ.
Nhà sư đi khất thực bạn có thể hay gặp ở các nước theo Phật giáo nguyên thủy, nhưng chỉ ở Luang Prabang mới thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi, với những sớm mai đẹp như cổ tích vậy. Khi sớm mai chưa kịp rải nắng trên phố phường Luang Prabang, màu vàng, nâu đậm nhạt của sắc áo cà sa, màu xanh của cây lá hoa, màu xám ngái của những ngôi nhà cổ đã tạo nên một bức tranh sinh động và đẹp đẽ mà tôi hằng mong được thấy. Mà cũng từ khung cảnh này, nơi lưu giữ trọn vẹn việc khất thực của Phật giáo nguyên thủy khiến những hình ảnh này của cố đô nổi tiếng với cả thế giới. Nơi là di sản văn hóa thế giới từ 24 năm trước này luôn đông khách viếng thăm, luôn là nỗi háo hức tìm đến cho những người như tôi…
Những lưu ý dành cho du khách
Cả nước Lào, chỉ ở đây mới có thể thấy được các nhà sư đi khất thực từng đoàn đẹp như những câu chuyện kể thời đức Phật vậy. Có những quy định trong thời điểm các nhà sư đi khất thực đã được loan báo từ lâu, nhưng không phải du khách nào cũng để ý. Văn bản qui định của chính quyền thành phố này rất cụ thể về việc cúng dường. Chính quyền coi việc các nhà sư đi khất thực là một nét đẹp của thành phố. Vật cúng dường phải được mua từ chợ mang về, hoặc được chế biến tại nhà, nhất thiết không được vội vàng mua ở hàng quán ngay tại chỗ các nhà sư đi ngang. (Dù điều này thật khó thực thi đối với những du khách muốn trải nghiệm tại chỗ mà các gánh hàng rong thì luôn kề cận sẵn bên!)
Đồ bố thí bình thường thôi, là xôi – món ăn quen thuộc ưa thích của người Lào, bánh kẹo, trái cây… nói chung là các món ăn thường nhật ở Lào, cá biệt có người còn cúng dường cả tiền.
Du khách có thể chụp ảnh, nhưng không được để đèn flash hoặc chạy qua lại cắt ngang lối đi của nhà sư. Như vậy là không phải phép và thiếu tôn kính với người tu hành. Người ta không thể ngồi trên ô-tô buýt đuổi theo đoàn nhà sư mà chụp ảnh, chính vì thế chính quyền đã không cho phép ô-tô buýt hoạt động trong thành phố. Cũng như vậy, không ai được nhìn xuống các nhà sư từ một độ cao như ban công các tầng lầu…
Có lẽ du khách nào khi đọc qui định này cũng thầm cảm ơn chính quyền Luang Prabang. Nhờ vậy mà cố đô đã bảo tồn nguyên vẹn một tập tục tưởng đã thất truyền gần ba thiên niên kỷ.
Chỉ hơi âu lo, liệu là cố đô có giữ được cho mình vẻ đẹp này không, khi khách du lịch tìm đến ngày một nhiều, mang theo sự đông đúc, ồn ào và cả những phức tạp. Đặc biệt là du khách Trung Quốc. Mà điều này đâu chỉ là nỗi lo của mỗi Luang Prabang!
Luang Prabang nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển từng là cố đô của Vương quốc Lan Xang trong suốt khoảng thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16. Vào năm 1995, nó được UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hóa. Thành phố có sự pha trộn giữa kiến trúc nông thôn và thành thị trong nhiều thế kỷ, trong đó có ảnh hưởng bởi kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Ngoài những điểm đến tôn giáo, Luang Prabang còn nổi tiếng với những kỳ quan thiên nhiên của mình. Thành phố nhỏ nhắn được bao quanh bởi các ngọn núi là điểm đến du lịch hàng đầu ở Lào. Những ai yêu thám hiểm chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những thác nước, hang động, du thuyền qua sông Mê Kông và khám phá những ngọn núi xanh tươi xung quanh thành phố. Cách thủ đô Vientiane hơn 340km, giao thông đến cố đô Luang Prabang khá thuận tiện. Bạn có thể đi xe tự lái, đi xe bus hoặc máy bay đến cố đô. Nếu đi xe tự lái, bạn đi đường cao tốc số 13 (highway 13), đến Vang Vieng thì nên dừng lại ở đây một đêm. Đây là thị trấn rất đẹp của Lào, sáng hôm sau hãy lên đường đến Luang Prabang. Google map khu vực này rất rõ ràng cho bạn tiện sử dụng. Nếu đi bus, vé xe bus từ Vientiane tới Luang Prabang khoảng 120.000 – 180.000 kip một chiều tùy hãng. Bạn nên thử đi chuyến xe VIP Bus ở bến xe phía Bắc của Vientiane (cách trung tâm thủ đô 10km) lúc 19h và 20h hàng ngày. Giá vé khoảng 180.000 kip/lượt. (1 kip Lào tương đương khoảng 2,45 VNĐ) Bạn cũng có thể liên hệ hãng xe Viettrans để mua vé xe bus. Hãng xe này một ngày có khá nhiều chuyến chạy từ Vientiane tới Luang Prabang và ngược lại. Luang Prabang có sân bay quốc tế cùng tên. Chuyến bay từ Vientiane tới Luang Prabang chủ yếu của Lao Airlines và thỉnh thoảng có chuyến bay của Vietnam Airlines. Giá vé máy bay của Lao Airlines sẽ rẻ hơn Vietnam Airlines. Từ Vientiane tới Luang Prabang tùy vào thời điểm, rẻ nhất khoảng 100 kip, mà có khi lên tới 400 kip. Vé máy bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đến Luang Prabang có giá dao động khoảng trên dưới 5 triệu đồng/ vé. |
Bài & ảnh: Lê Minh Hạ
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh