Đánh thức ký ức

“Nát giỏ còn bờ tre” – triển lãm của nghệ sĩ Trung Nghĩa đang gây bất ngờ cho giới nghệ thuật Sài Gòn. Một cuộc triển lãm nghệ thuật không đơn thuần chỉ để cảm nhận. Những ý niệm sâu sắc, thông điệp truyền tải đã vượt qua những giá trị từ tác phẩm để đi sâu hơn vào thực tế… 

1. Nghệ sĩ Trung Nghĩa mượn những vật liệu tưởng đã mất hút trong đời sống đương đại để làm nghệ thuật, như một sự khơi mở về ký ức dân tộc, và hơn cả là suy tưởng, băn khoăn khi cuộc sống đang nhiều hơn những biến động và xáo trộn mỗi ngày. Như một cảm nhận từ nghệ sĩ nọ “những rặng tre Trung Nghĩa đặt vào giữa căn phòng triển lãm từ một thứ bình thường trở nên thiêng liêng đến đau lòng”.

danh-thuc-ky-uc
Nghệ sĩ Trung Nghĩa cùng đội thợ từ Quảng Nam trong triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre” tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: FBNV

Vốn dĩ khá đặc biệt với dân Quảng, hơn bất cứ cư dân từ địa phương nào khác, bởi những tác phẩm này đã đi một hành trình khá xa để đến với phố thị sầm uất. Hơn 10 tác phẩm làm từ mây tre và các vật liệu bản địa, sử dụng kỹ thuật đan lát truyền đời, có nguy cơ thất truyền được ròng rã thực hiện hơn 3 năm từ những bàn tay của đội thợ già Quảng Nam, ở tận đầu nguồn sông Thu Bồn. Những người thợ nan già của thôn Mậu Long (xã Quế Ninh, Nông Sơn) đã cùng chàng nghệ sĩ làm nên các tác phẩm từ tre, dầu rái – những nguyên liệu vốn dĩ từng là “đặc sản” của đất thượng nguồn. Ông Nguyễn Văn Giai – người làng gọi tên Bốn Giai, sở trường là đan rọ tre, giỏ tre, từng là thợ rừng, thợ dầu rái thiện nghệ. Ông Sáu Nhì, ông Tạ Ba… những người đàn ông gần cả cuộc đời gắn với rừng thiêng đầu nguồn Thu Bồn. Họ ở đó, chứng kiến từng ngày một những cánh rừng già thay dấu bằng cao su, keo. Từng ngày một những bụi tre làng dọc sông bồi lở theo từng chuyến ghe hút cát phành phạch đêm ngày.

Nhắc đến vùng đất đầu nguồn Thu Bồn này, nhiều người sẽ chựng lại đôi phút vì những giá trị lâu đời, đặc biệt ở lĩnh vực văn hóa mà nơi này sở hữu. Nơi này đã từng có những chỉ dấu của văn minh Chămpa, hiện sót lại là các tấm bia Chăm nằm rải rác ở khu vực ven sông. Nghề làm dầu rái từ lâu đời đã có mặt tại vùng đất này, bởi các cánh rừng dầu rái tự nhiên ở đây. Theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, dưới thời các chúa Nguyễn, nghề lấy dầu rái ở Đàng Trong đã được nhà nước phong kiến quản lý phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhưng nhiều năm trở lại đây, thợ dầu rái như ông Bốn Giai, ông Sáu Nhì, ông Tạ Ba đành xếp cất đồ nghề vì nhu cầu này từ các vùng ven biển đã không còn.

Và Nguyễn Trung Nghĩa về lại quê cha Nông Sơn của mình, dựng lại một thuở vàng son của nghề đan lát. Một dự án kéo dài đến hơn 3 năm cùng những người nắm giữ kỹ năng vừa cơ bản vừa khoa học, tinh tế của nhiều người Việt xưa, vốn thích cuộc sống thuận với tự nhiên và văn minh nông nghiệp, lúa nước, thủ công mỹ nghệ. Triển lãm với những chiếc thuyền không thể ra khơi, những con cá không thể bơi, và những hàng cây tre không thể cho bóng mát. Như một người trong giới nghệ thuật viết, “dùng mây tre để nói về mây tre, dùng thiên nhiên để bảo vệ thiên nhiên và dùng nghệ thuật để nói về con người” – triển lãm của Trung Nghĩa đã bằng con đường nghệ thuật để gợi lại những “vết xước” của miền Trung hiện tại.

Khép lại tuần triển lãm tại Sài Gòn, “Nát giỏ còn bờ tre” được tổ chức tại Quảng Nam từ ngày 18.11 sẽ giúp mang đến một cái nhìn khác biệt về nghệ thuật từ chính những chất liệu truyền thống. Doanh thu từ việc bán ấn phẩm nghệ thuật “Nát giỏ còn bờ tre” và tập san Art Republik sẽ dùng để xây dựng nhà vệ sinh trong trường học và mua sách vở cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa của Quảng Nam.

2. Mang tinh thần như nghệ sĩ Trung Nghĩa, khá nhiều nghệ sĩ sắp đặt lẫn nhà điêu khắc của Quảng Nam đã hiện thực hóa những ý tưởng của mình trên nền tảng truyền thống. Nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Huy từ hơn 3 năm nay cùng nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiễn của làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn) đã cho ra những tác phẩm điêu khắc kết hợp hài hòa giữa sản phẩm truyền thống làng nghề và những chỉ dấu nghệ thuật hiện đại. Các sản phẩm từ làng nghề thông qua thiết kế của Nguyễn Văn Huy cũng như một số nhà điêu khắc khác, đã mang đến đời sống mới cho một chất liệu cũ. Tương tự, giới mỹ thuật cũng đã quen dần với thể tài từ di sản văn hóa phi vật thể đã được các nghệ sĩ khéo léo truyền tải trong những bức họa của mình.

Cuối tháng 11 này, một Tuần lễ Thiết kế Việt Nam nhằm tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế Việt Nam xuất sắc thuộc các lĩnh vực: ăn, ở, mặc, quà tặng, nghệ thuật công cộng… gồm chuỗi hoạt động như triển lãm, hội thảo, workshop, trình diễn nhằm gia tăng giá trị sản phẩm Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành thiết kế trong nước sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Các nghệ nhân đan lát và dệt thổ cẩm của Quảng Nam sẽ mang những sản phẩm mình giới thiệu với đông đảo người dự khán tại đây. Với chủ đề “Tái sinh”, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020 mong muốn thay đổi tư duy sử dụng vật liệu ở mức độ tiết kiệm, bền vững và tối ưu. Nghệ thuật sẽ bằng cách riêng của mình cất lên tiếng nói của tự nhiên, khơi lại những ký ức tưởng đã vùi sâu về một cuộc sống xưa cũ. Khi quay về với thiên nhiên, dù muộn mằn, cũng là những gom nhặt tích cực để cầu mong bình an cho chuỗi ngày kế tiếp. Nhất là, khi sự cuồng nộ của tự nhiên đã bắt đầu được nhìn thấy, được cảm nhận rõ rệt…

Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/danh-thuc-ky-uc-95317.html

Cùng chuyên mục