Dân Quảng với mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Xét ở khía cạnh thị trường, trong những tên tuổi đương đại (theo nghĩa còn sống), Việt Nam có chừng 4-5 tác giả đã có tác phẩm bán trên 100 ngàn USD, thì dân Quảng góp mặt hai người: Lê Kinh Tài (sinh 1967) và Bùi Công Khánh (sinh 1972).

Tác phẩm điêu khắc – sắp đặt Lạc chốn của Bùi Công Khánh hiện đang trưng bày tại sự kiện danh giá bậc nhất Đông Nam Á – Singapore Biennale 2016 – là một ví dụ về sự cao giá như vậy. Bùi Công Khánh tái dựng lại hình ảnh một căn nhà xưa tại Hội An, với những chạm khắc tinh xảo trên gỗ mít. Thế nhưng, nếu các khuôn bông, khuôn gió ngày trước thường khảm chạm mai lan cúc trúc, chạm tứ linh, thì nay Bùi Công Khánh cho chạm trổ lựu đạn, súng ngắn, dao, búa và cả lưới B40 – những hình ảnh từ thời chiến tranh. Chính chiến tranh, bom đạn đã góp phần tàn phá không thương tiếc nhiều giá trị xưa. Tái dựng một nhà gỗ, một không gian sống mẫu mực, nơi “ăn xăm” cùng khí cụ chiến tranh là cách mà Bùi Công Khánh liên nối hiện tại với quá khứ gần, với giá trị xưa. Triển lãm Lạc chốn từng diễn ra tại The Factory Contemporary Art Centre (TP.HCM), kéo dài từ 23/6 đến hết 23/8/2016.

Tác phẩm Cảnh phố chợ Đông Dương của Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh, đã bán với giá 75.000 USD
Tác phẩm Cảnh phố chợ Đông Dương của Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh, đã bán với giá 75.000 USD

Tác phẩm đắt giá nhất của Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện nay thuộc về cố danh họa Lê Phổ (1907-2011), đó là bức Nhìn từ đỉnh đồi (sơn dầu trên bố, 113cm x 192cm, 1937) từng được nhà Christie’s bán tại Hong Kong hồi 22/11/2014 với giá tương đương 844.697 USD. Còn tên tuổi cao giá nhất đương thời có lẽ là Lê Kinh Tài, với bức Giờ thứ 25 (sơn dầu + sơn dầu thỏi + heavy acrylic trên vải bố, 180cm x 480cm, 2009) đã được bán với giá 248.000 USD.

Trước đây, khi nói đến nghệ thuật nói chung, người ta hạn chế nói chuyện mua bán, vì nghĩ như vậy sẽ khiếm nhã và “phi nghệ thuật”. Thế nhưng ngày nay, khi nghệ thuật – đặc biệt mỹ thuật – là một kênh đầu tư mới, cũng giống như chứng khoán, địa ốc, thì giá bán lại là vấn đề đáng lưu tâm. Trong quan niệm của thị trường quốc tế, chỉ khi nào nền mỹ thuật có tác phẩm giao dịch công khai trên 1 triệu USD thì nền kinh tế – tài chính nước đó mới thực sự bước qua ngưỡng “dậy thì” để phát triển bền vững hơn.

Tác phẩm Giờ thứ 25 của Lê Kinh Tài, đã bán với giá 248.000 USD
Tác phẩm Giờ thứ 25 của Lê Kinh Tài, đã bán với giá 248.000 USD

Sau thế hệ 6X, 7X của Lê Kinh Tài, Bùi Công Khánh, Bùi Tiến Tuấn…, mỹ thuật của dân Quảng cũng đang có những tên tuổi mới như Ngô Thùy Duyên, Nguyễn Quốc Dân, Phạm Trần Việt Nam, Lê Đình Chinh, Nguyễn Vĩnh Trung, Nguyễn Phạm Đình Tuấn, Đỗ Như Trần Ngọc Tuấn… đang nổi lên, với nhiều giọng điệu khác nhau. Họ không chỉ bó buộc trong tranh giá vẽ hoặc điêu khắc, mà còn với trình diễn, sắp đặt, video art, đa phương tiện, ý niệm. Hy vọng trong tương lai gần, họ sẽ làm nên một diện mạo mới cho mỹ thuật xứ Quảng nửa đầu thế kỷ 21, điều mà thế kỷ 20 còn hơi vắng bóng.

 

Văn Bảy

Dẫn theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục