Đàn bà chèo ghe thuê

Ở xứ biển Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành), đàn ông tất thảy đi biển còn đàn bà ở nhà ra bến cá. Neo đời với biển, mỗi người một số phận nhưng tựu chung cũng vì gánh mưu sinh.

Ở miền biển, nhiều phụ nữ lớn tuổi chọn nghề chèo ghe thuê để mưu sinh. Ảnh: Q.Đ.Q
Ở miền biển, nhiều phụ nữ lớn tuổi chọn nghề chèo ghe thuê để mưu sinh. Ảnh: Q.Đ.Q

1. Trời hừng đông. Cảng Kỳ Hà đã nhộp nhịp khi tàu cá bắt đầu cập bến. Từ trên tàu cho đến bến bãi, những con người bám biển đang vội vã cho hành trình vận chuyển thuê tôm cá.

Từ 4 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Sang (66 tuổi, thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) đã ra cầu cảng ngồi chờ lái buôn gọi. Bà Sang làm nghề chèo ghe thuê, chở cá cho lái buôn từ tàu đưa lên bờ đi tiêu thụ. Cái nghề này bà theo đã hơn 15 năm nay.

Nắng đầu ngày loang loáng dưới bến sông và in cả bóng người đàn bà mảnh khảnh vật lộn với những khay cá nặng trịch. Khoảng thời gian 5 đến 7 giờ, tàu thuyền luân phiên vào ra tấp nập, lái buôn hối thúc, người đàn ấy xoay tròn với chiếc ghe gỗ bạc màu sơn, quần quật những chuyến vào ra. Mỗi chuyến vận chuyển, con thuyền bà Sang chồng chềnh với hơn nửa tấn cá tôm.

Cái nóng càng thêm gay gắt khi nắng đã lên cao, bến cá thưa khách, ấy mới là dịp những người phụ nữ chèo ghe thuê được nghỉ ngơi khi đôi tay đã mỏi nhừ. Tấp ghe vào bờ, đưa tay áo còn thoảng mùi cá tôm lau những giọt hồ hồi ướt đẫm trên vầng tráng, bà Sang nói: “Mùa ni cá bắt đầu nhiều rồi nên chở bở hơi tai. Ngó làm nhiều rứa chớ mỗi chuyến chỉ được trả công 30 nghìn đồng thôi”.

Người chèo ghe thuê kiêm luôn việc giúp chủ tàu, lái buôn phân loại hải sản.
Người chèo ghe thuê kiêm luôn việc giúp chủ tàu, lái buôn phân loại hải sản.

Nghe giọng bà lạ, không phải tiếng vùng Tam Quang, hỏi ra mới biết bà quê gốc ở Hội An. Năm Mậu Thân 1968, bà cùng gia đình tản cư theo đường biển vào đây khi chiến sự bùng nổ. Vốn cũng là dân miền biển, hành nghề đánh cá, gia đình bà tiếp tục nghề cũ và sinh sống trên con thuyền neo đậu phía ngoài gành.

Sau giải phóng, nghề biển cho thu nhập khá, gia đình bà mới lên bờ mua đất định cư. Từ đây, bà kết duyên với chồng cũng là người tản cư và tiếp tục bám biển đi câu. Đến tuổi ngoài 50, khi sức khỏe sút giảm, bà đóng ghe làm nghề chở cá thuê ở cảng cá.

Công việc này là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Sang bởi chồng hiện đau nặng không thể lao động được, con cái có gia đình và làm ăn khó khăn. Nhưng nghề này hoàn toàn phụ thuộc vào con cá, từ tháng Giêng ra đến tháng 7 âm lịch thì có việc để làm, còn vào mùa mưa bão thì ở nhà phần nhiều.

Ở đây, đàn ông, thanh niên có sức thì đi khơi. Phụ nữ còn trẻ, khỏe, có vốn thì buôn cá thu nhập cao chứ như chúng tôi tuổi cao rồi phải làm nghề ni. Ở cái cảng cá này, ngoài tôi còn hơn 10 chị em khác theo nghề chèo ghe thuê, ai nấy cũng ngoài 50 tuổi. Đi biển không nổi nữa, mà ở nhà lại không quen nên có công việc này là phù hợp nhất thôi” – bà Sang tâm sự.

Việc nhiều nhưng mỗi chuyến vận chuyển họ chỉ nhận được 30 nghìn đồng.
Việc nhiều nhưng mỗi chuyến vận chuyển họ chỉ nhận được 30 nghìn đồng.

2. Mặt trời đứng bóng, tàu cũng bắt đầu rời bến cho những chuyến đánh bắt mới. Trong khi bà Sang và nhiều chị em khác đã chèo thuyền ra về thì bà Phạm Thị Liễu (61 tuổi, thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) vẫn lặng lẽ ngồi nghỉ chân dưới cây cầu của bến cá, đôi mắt nhìn xa xăm. Dường như bà đang đợi chờ gì đó.

Độ này, tầm chiều hay gần tối thường có vài ba chuyến tàu gần bờ hay mấy ghe Tam Thanh, Tam Tiến đi giã gần bờ trúng cá chở vô. Tôi chờ chở thêm vài chuyến kiếm ít đồng đi chợ. Không thì đợi ai có đi đâu bằng ghe thì nhận chở luôn” – bà Liễu nói.

Bà Liễu theo cái nghề này đã hơn 40 năm, từ thuở còn là thiếu nữ. Từng đường gân trên tay, làn da rám nắng, lất phất những sợi tóc bạc theo thời gian là những gì nghề “tặng lại” người phụ nữ này, sau ngần ấy thời gian. “Chèo mấy chục năm rồi chừ sức cũng chẳng thua chi đàn ông. Đấm ai một phát cũng gãy xương như chơi” – bà đùa tếu.

Nhiều người ráng đợi đến chiều tà để được thêm vài chuyến ghe khi tàu giã cập bờ.
Nhiều người ráng đợi đến chiều tà để được thêm vài chuyến ghe khi tàu giã cập bờ.

Vừa dứt câu, bà bật cười, không khí oai bức của cái nắng ban trưa như vơi bớt. Bà Liễu kể, trước đây cảng cá còn đơn sơ, chưa có xây từng cây cầu như bây giờ, việc chở cũng khó khăn lắm. Tàu vô bờ, tàu ngoài xa, lộn xộn cảnh chen lấn. Giờ, khi có bến có bãi, có cầu cảng, công việc mua bán cũng đỡ vất vả hơn.

Nhưng nghe nói sắp tới sẽ di dời cảng cá đi chỗ khác. Họ di chuyển chỗ mô thì chúng tôi đi theo đó thôi. Không sợ thất nghiệp, chỉ sợ mai này không đủ sức chèo” – bà Liễu chia sẻ.

Trước bà Liễu, bà Sang, các chị các mẹ của họ cũng làm nghề này, nối nhau qua các thế hệ tạo nên một nghề nghiệp rất riêng của làng quê miền biển. Nghề chèo ghe thuê nhọc nhằn nhưng phụ nữ nơi này chẳng bỏ vì họ cần cù lắm, và khi gia cảnh còn khó khăn thì phụ nữ chẳng ai đành lòng ngồi không.

Từ cảng cá ngó ra là cửa biển, sóng vẫn vỗ từng đợt, thầm lặng như cách những người đàn bà miền biển vượt qua số phận.

HỒ QUÂN – ĐÔNG YÊN – HỒ QUANG

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục