Đam mê những chiếc áo dài

Không đồ sộ nhưng hiệu vải và là tiệm may áo dài Anh (tại số 350, đường Hùng Vương, Tam Kỳ) là địa chỉ tin cậy, được nhiều người lui tới để chiêm ngưỡng những chiếc áo dài đầy họa tiết. Chủ nhân của cơ sở này là chị Phạm Thị Anh, một người vượt qua nhiều gian khó để tạo dựng nên cơ ngơi bằng chính nghị lực và niềm đam mê cháy bỏng.

Chị Anh sinh năm 1987, trong một gia đình có 7 anh chị em ở khối phố 2, (phường An Sơn, TP. Tam Kỳ). Mẹ qua đời do bạo bệnh khi chị chưa đầy 4 tuổi. Con đông, nhà nghèo, cha chị làm lụng vất vả song bữa đói nhiều hơn bữa no. Cơ hàn, túng bấn nhưng lần lữa mãi đến năm chị Anh học hết lớp 7 cha con chị mới dắt nhau vào TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh. Lao động cật lực nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, năm 2003 chị theo gia đình quay về quê và học nghề may tại cơ sở áo dài Vạn. Là người bà con nên chủ cơ sở không những không thu học phí mà còn hỗ trợ tiền để chị trang trải cuộc sống.

Năm 2012, chị Anh lập gia đình, biết vợ đam mê vẻ đẹp của những chiếc áo dài, đầu năm 2017 anh Châu Ngọc Huy (chồng chị Anh) gom góp số tài sản dành dụm được cùng với sự hỗ trợ tích cực của người thân, chị mở tiệm may dành cho riêng mình. Đầu năm 2018, chị quyết định vào TP. Hồ Chí Minh tìm người “thọ giáo” nghề thiết kế áo dài. Qua gần một năm học, chị được cơ sở đào tạo Đỗ Trịnh Hoài Nam công nhận nhà thiết kế và cấp giấy chứng nhận hoàn thành xuất sắc khóa học công thức áo dài và thiết kế bộ sưu tập. Đã hội đủ điều kiện, tháng 4 năm 2018 chị thuê căn nhà số 350, đường Hùng Vương để làm cơ sở bán vải và may áo dài.

Lợi thế là nhà thiết kế, chị Anh đã tạo nên hàng chục mô tuýp áo dài phù hợp với mọi sự kiện, lứa tuổi, cân nặng, chiều cao của mỗi người, nhất là đối với các cô dâu, quý bà sui, các cô giáo và nữ sinh THPT. Áo dài ở cơ sở của chị Anh thường may bằng chất liệu lụa, vải voan mát có một màu hoặc với những hoa văn chìm trong vải tăng thêm vẻ sang trọng, dịu dàng và thanh thoát. Vải được in hoặc vẽ những họa tiết về các loại hoa hay các họa tiết bắt mắt khác như hình phong cảnh, họa tiết chấm bi, hình khối lập thể, hình chữ thư pháp, hình cây tre, cây trúc, hình lá cây… thoạt nhìn rất đơn giản nhưng đẹp, ý nghĩa và gần gũi với đời sống.

Chị Phạm Thị Anh cho biết, áo dài truyền thống là biểu tượng về vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, hiện đại hóa và đa dạng hóa thời trang áo dài là cần thiết, song phải dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm không làm mất đi tính truyền thống và niềm tự hào vốn có. Đây là tiêu chí để cơ sở áo dài Anh tiếp tục sáng tạo thêm những mô tuýp áo dài mới, hiện đại và thời trang hơn. Ngoài những lúc tập trung may các đơn đặt hàng, chị Anh còn dành phần lớn thời gian để tạo nên một số bộ sưu tập trị giá hàng chục triệu đồng, sẵn sàng trình diễn phục vụ các sự kiện trong và ngoài nước. Trước mắt là buổi lưu diễn tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được chị thực hiện trong năm nay.

Tuy chưa có “của ăn của để” nhưng chị mong được làm từ thiện dù là việc nhỏ nhất nhằm trả nghĩa cho những ai đã cưu mang mình. Trên trang facebook cá nhân Anh Phạm, chị đăng tin tìm người học nghề miễn phí, dành cho một em ở độ tuổi 15 – 20, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng khiếu, yêu thích và chịu khó học hỏi.

Nguyễn Điện Ngọc

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục