Đặc sản rau câu chỉ vàng

Dù chỉ là nghề phụ song nhiều năm qua, nghề khai thác, nuôi trồng rau câu chỉ vàng ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành) đã giúp người dân có nguồn thu nhập khá.

Cần đầu tư bài bản khâu chế biến để nâng cao giá trị của rau câu.
Cần đầu tư bài bản khâu chế biến để nâng cao giá trị của rau câu.

Nghề phụ thu nhập khá

Rau (rong) câu chỉ vàng là sản phẩm đặc trưng của thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa. Loài rong này được tìm thấy nhiều trong tự nhiên ở vùng ít sóng gió, sinh trưởng mạnh ở các đìa, ao nuôi tôm nước lợ. Trước, Hòa Bình có hơn 20 hộ khai thác, nuôi trồng rong câu thì nay chỉ còn gần 10 hộ bám trụ. Dù có thu nhập tạm ổn song giá trị từ nuôi trồng, khai thác rau câu vẫn thấp hơn con tôm thẻ chân trắng và nhiều vật nuôi khác. Gần đây, để nâng giá trị, thu nhập, người dân Hòa Bình đã đầu tư nuôi trồng xen ghép tôm sú, tôm thẻ chân trắng với rau câu chỉ vàng trong ao nuôi tôm. Nhiều hộ còn tận dụng các cánh đồng, đìa, ao nuôi tôm kém hiệu quả để thả rau câu cho thu nhập ổn định. Bên cạnh thu hoạch rau câu tự nhiên trong môi trường, các ao nuôi tôm, vùng nước lợ, người dân Hòa Bình còn thả giống rau câu vào hồ, ao nuôi tôm. Mỗi cọng rau câu thả xuống ao sau mấy tháng, sẽ cho thu nhập vài ký rau câu, nếu thời tiết, nguồn nước đảm bảo.

Dù là nghề phụ song rau câu cho thu nhập vài chục triệu đồng tới chừng 100 triệu đồng/năm/hộ với giá bán 80 – 120.000 đồng/kg. Nghề trồng và khai thác rau câu có phần ổn định, không thất thường như con tôm và nhiều vật nuôi trồng khác. Theo bà Nguyễn Thị Bốn (thôn Hòa Bình), năm nay rau câu nhiều hơn mọi năm vì độ mặn, lợ càng cao thì rau câu chỉ vàng càng sinh sôi tốt. “Mọi năm, rau phơi khô tới đâu tiểu thương thu mua tới đó nhưng năm nay bán chậm. Hơn nữa rau chỉ được bán thô sau khi rửa, phơi khô, đóng gói chứ chưa được gắn nhãn mác, chưa thể vào siêu thị nên giá cả còn thấp” – bà Bốn nói. Bà Lê Thị Thuận (thôn Hòa Bình) cho rằng, để cho ra 1kg rau câu khô phải mất 8kg rau tươi. Tuy đây là nghề nhẹ nhàng, song quá trình phơi rau câu, đóng bao cũng rất công phu, phải canh nắng, theo dõi thời tiết, tránh để rau câu bị ảnh hưởng bởi mưa dông sẽ làm hỏng rau.

Người dân Hòa Bình từng được tập huấn kỹ thuật nuôi dưỡng rau câu trong ao nuôi tôm hoặc thả thêm rau câu giống vào ao, đầm để cho sản lượng cao. Nhưng do biến động về môi trường nước, khí hậu, độ mặn, lợ thất thường trong ao nuôi, người dân rất khó áp dụng kỹ thuật nuôi trồng. Đồng thời việc khai thác rong chủ yếu tự nhiên nên sản lượng rau câu không đồng đều giữa các năm.

Cần hướng chế biến sâu

Về công dụng, rau câu chỉ vàng có thể sử dụng trộn gỏi, ăn với rau sống, nấu thạch, nấu xu xoa giải khát. Mùa thu hoạch rau câu kéo dài từ tháng giêng tới tận hè và đang là thời điểm thu hoạch rong chính vụ. Hiện giá bán của sản phẩm rau câu vẫn còn thấp, đầu ra chưa ổn định, chưa thể vào siêu thị hay xuất khẩu mà chỉ bán thô cho thương lái tại chỗ. Thương hiệu rau câu chỉ vàng đến nay chỉ mới được công nhận nhãn hiệu tập thể, song việc quảng bá, phát triển nhãn hiệu còn bỏ ngỏ. Người sản xuất rau câu Hòa Bình vẫn chưa tạo được sản phẩm đặc trưng, chưa tạo được thạch rau câu, chưa có sự hỗ trợ, đầu tư công nghệ sơ chế, chế biến sâu tạo sản phẩm đặc hữu. Đến nay, vẫn chưa có cơ sở nào mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ sơ chế, tạo sản phẩm từ rau câu. UBND xã Tam Hòa và Hội Nông dân xã cũng đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật nhân giống rau câu, hỗ trợ người dân mang sản phẩm đi trưng bày, triển lãm tại các hội chợ. Xã Tam Hòa cũng hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP, song đây là hành trình gian nan, thiếu công nghệ chế biến sâu để tạo sản phẩm đặc hữu.

Ông Huỳnh Công – Trưởng thôn Hòa Bình cho biết, cả thôn ban đầu có vài chục hộ sản xuất, nhưng đầu ra chậm và thu nhập còn thấp so với các vật nuôi khác nên rất ít hộ bám trụ. Trước đây từng có đề tài nghiên cứu công nghệ chế biến thạch rau câu ở Tam Hòa, giúp người dân đa dạng hóa sản phẩm, nhưng việc đầu tư công nghệ chi phí quá lớn nên rất khó. Còn theo ông Nguyễn Tấn Tài – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hòa, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hòa được định hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến, tạo sản phẩm thạch rau câu chỉ vàng, nhưng chỉ mới ở giai đoạn triển khai. Một phần công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nguồn lực hợp tác xã còn khó. “Để tạo sản phẩm OCOP cần phải tạo các sản phẩm khác từ rau câu, ngoài rong khô đóng gói. Song cái khó là giá cả và sản lượng rau câu còn bấp bênh, chưa tạo được chuỗi sản xuất lẫn tiêu thụ” – ông Tài chia sẻ.

Theo số liệu từ Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Nam, môi trường nuôi tôm vùng nước lợ không bị ô nhiễm và vùng có khả năng thay nước thuận lợi, khu vực có tỷ lệ bùn cát trong ao nuôi từ 70/30 đến 80/20, mặt đáy đầm ao tương đối bằng phẳng là sinh môi tốt của ao nuôi rong câu chỉ vàng. Rong câu chỉ vàng có thể được trồng ở ven biển từ cuối tháng 12 năm trước hoặc từ tháng 1, 2 đến cuối tháng 8, 9, 10 hằng năm. Để trồng thuận lợi, phải tiến hành dọn đáy, khử chua, bón lót, lấy nước vào đồng. Quá trình thả rong giống vào ao nuôi chỉ được thực hiện khi việc chuẩn bị ao đầm đã xong, đợi có con nước triều thì tiến hành lấy nước mới vào ao, giữ mực nước khoảng 0,5m để chuẩn bị thả giống với mật độ rải giống 500g/m2. Sau rải giống 40 – 50 ngày có thể thu hoạch rau câu lần đầu; 30 – 35 ngày tiếp theo mới tiến hành thu 1 lần. Một vụ rau có thể thu hoạch 5 – 7 lần. Chỉ thu hoạch rau khi các tảng rau sinh trưởng chậm dần, chiều dài tảng 20 – 30cm, rong phát triển mật độ bình quân trên 1kg/m2. Ước tính, mỗi héc ta mặt nước ao tôm có thể cho thu hoạch 2 tấn rong câu/vụ.

 

Triêu Nhan
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục