Đà Nẵng yêu cầu công khai các dự án phát triển đô thị, nhà ở
UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn chỉ đạo liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Trong đó yêu cầu các đơn vị phải cập nhật và công khai các dự án về đô thị, nhà ở…
Công văn do Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng giao Sở Tài nguyên – môi trường công bố công khai.
Đồng thời thường xuyên cập nhật các dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đến UBND các quận, huyện và phương tiện thông tin đại chúng.
Tương tự, Sở Xây dựng cũng phải công bố công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở đã có thông báo của sở về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua đến đối tượng như trên.
Ngoài ra, để “siết” giao dịch bất động sản gây thất thoát thuế và trái quy định pháp luật, thành phố cũng giao Công an kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, Sở Tư pháp làm chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, đặc biệt là tình trạng “ký chờ”, “ký gửi” trong giao dịch bất động sản.
Trong thời gian tới, các đơn vị liên ngành cũng sẽ thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các thông tin quảng cáo, rao vặt có liên quan đến hoạt động giao dịch bất động sản.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, thời điểm đầu năm 2019 tại nhiều khu vực ở Đà Nẵng có tình trạng “cò đất” dùng chiêu trò “thổi” giá đất tăng cao bất thường. Tại nhiều khu vực giá đất tăng bất thường 30 – 70% chỉ trong vòng 6 tháng.
Để thổi giá đất, “cò đất” không từ bỏ thủ đoạn nào kể cả việc vi phạm pháp luật như làm giả văn bản của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tung tin giả về quy hoạch đầu tư, thậm chí có trường hợp rao bán dự án “ma”…
Đối với lĩnh vực chung cư, nhà ở xã hội nhiều “cò” đất rao bán cả những chung cư thuộc sở hữu Nhà nước, nhà ở chưa được phép giao dịch gây rối loạn thị trường.
Đối với thị trường bất động sản, các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng “cò” đất bắt tay với các văn phòng công chứng để “ký gởi” giao dịch hòng trốn thuế. Theo ghi nhận, sau khi Đà Nẵng “ra quân” dẹp các ki ốt, sàn giao dịch không phép tại các quận huyện thì tình hình giao dịch bất động sản tại các khu vực đang tạm “đóng băng”.
Trường Trung
Theo Tuổi Trẻ Online