Đà Nẵng phát triển du lịch sinh thái kết hợp văn hóa cộng đồng Cơ Tu
Đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ có 5 cụm du lịch cộng đồng kết hợp với sinh thái tại huyện Hòa Vang, trong đó có kết hợp với cộng đồng người Cơ Tu.
Theo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 vừa trình UBND thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ có 3 cụm, bao gồm Cụm cộng đồng Tà Lang – Giàn Bí tại xã Hòa Bắc với trọng điểm du lịch không gian sinh thái, văn hóa người Cơ tu. Trong khi đó, cụm cộng đồng Túy Loan – Thạch Nham Tây – Thái Lai – Phú Túc tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú hướng đến du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, sinh thái cộng đồng, trải nghiệm văn hóa làng nghề đậm chất miền quê Trung Bộ. Cụm du lịch cộng đồng An Định – Phò Nam – Lộc Mỹ tại xã Hòa Bắc khai thác du lịch nghỉ dưỡng, cắm trại, farmstay (ở cùng nông dân), thám hiểm rừng núi, tổ chức các trò chơi sông và trải nghiệm nông nghiệp.
Cụm Phong Nam – Vùng Dương Sơn tại xã Hòa Châu với trọng điểm du lịch trải nghiệm làng quê, nghề truyền thống, làm nông dân, ẩm thực và thưởng ngoạn các vùng hoa và cụm Trung Nghĩa – Đông Sơn – Hòa Trung tại xã Hòa Ninh với trọng điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các hoạt động vui chơi giải trí và trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao sẽ được phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Về đối tượng khách, các cụm du lịch cộng đồng này hy vọng sẽ thu hút nhóm các khách du lịch ngoại quốc đến Đà Nẵng, nhóm các du khách đi du lịch các di sản lớn ở Huế, Quảng Nam và mong muốn kết hợp trải nghiệm du lịch văn hóa, sinh thái và nhóm các du khách du lịch nội thành Đà Nẵng.
Ông Vương Chí Thanh, đang công tác tại Trung tâm Tổ chức Sự kiện và Lễ hội thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng, gợi ý phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp sinh thái lấy Khu căn cứ Cách mạng Huyện uỷ Hòa Vang làm hạt nhân. Ông giải thích đây là tâm điểm trên tuyến đường dẫn đến các khu điểm du lịch nổi bậc tại huyện Hoà Vang như Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài, Phước Nhơn…
“Đặc biệt, khu căn cứ tại thôn Phú Túc nơi đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống cũng là điều kiện lý tưởng để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo”, ông Thanh, người từng là chuyên viên Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng, nói và giải thích thêm về việc xây dựng mô hình homestay. Theo đó, chú trọng phát huy giá trị các ngôi nhà cổ và tập trung vào mô hình sống cùng đồng bào Cơ Tu để đưa văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu vào tour, nhằm gắn kết và truyền tải được văn hoá đặc trưng bản địa trong chuỗi liên kết tạo nên sản phẩm du lịch lịch sử – văn hoá độc đáo.
Hoạt động trekking (leo núi) qua ngọn núi khu căn cứ, tour thể thao, ví dụ cưỡi xe đạp dọc các tuyến đường nông thôn với cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn rau sạch, vườn hoa công nghiệp… là những gợi ý khác.
Theo ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, việc cải tạo xây dựng mô hình du lịch cộng đồng không được phá vỡ không gian văn hóa của người Cơ Tu. Bên cạnh đó, cần có các tiện ích cơ bản để phục vụ du khách như: bãi đậu xe, nhà vệ sinh, khu vui chơi.
UBND thành phố cũng sẽ giao Sở Du lịch tham mưu cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên đề án này trong tháng 4 này. Hai cụm cộng đồng Tà Lang – Giàn Bí tại xã Hòa Bắc và cụm cộng đồng Túy Loan – Thạch Nham Tây – Thái Lai – Phú Túc có thể được ưu tiên làm trước.
Bài & ảnh: Nhân Tâm
Theo thesaigontimes.vn
Link nguồn: https://diaoc.thesaigontimes.vn/301389/da-nang-phat-trien-du-lich-sinh-thai-ket-hop-van-hoa-cong-dong-co-tu.html