Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trở thành trung tâm logistics của khu vực

Tại diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng trong 2 ngày 22 và 23/11, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển ngành logistics, trong đó hướng đến trở thành trung tâm logistics của khu vực miền Trung.

Đà Nẵng được nhìn nhận có nhiều tiềm năng phát triển mạnh ngành logistics trong thời gian tới. (Ảnh chụp tại cảng Tiên Sa). Ảnh: P.V
Đà Nẵng được nhìn nhận có nhiều tiềm năng phát triển mạnh ngành logistics trong thời gian tới. (Ảnh chụp tại cảng Tiên Sa).

Nằm ở trung tâm của cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là một điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và mở rộng sang Malaysia, Singapore, trong những năm gần đây, Đà Nẵng có rất nhiều nỗ lực phát triển dịch vụ logistics, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics.

Trao đổi về kế hoạch của Đà Nẵng trong phát triển logistics tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng sẽ hình thành trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics cấp tỉnh với các trung tâm logistics thành phần gồm: Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển ngành logistics, trong đó hướng đến trở thành trung tâm logistics của khu vực miền Trung.

Theo ông Trung, với xu thế hiện nay, khi giao thương hàng hóa thuận lợi với những đội tàu vận tải lớn cập cảng ngày càng nhiều, đi kèm đó là những yêu cầu ngày càng cao, thì việc Đà Nẵng, hình thành nên trung tâm cảng biển mới có quy mô hiện đại nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về công nghệ thông tin, chất lượng dịch vụ là cần thiết, khi cảng Tiên Sa được định hướng sẽ trở thành cảng du lịch. “Chúng ta không cần phải lo lắng đến việc cạnh tranh giữa các cảng nhỏ vì phân đoạn thị trường trong chuỗi logistics này là khác nhau”, ông Trung nói.

Ông Anis Khan, Chủ tịch Mạng lưới kinh doanh Logistics thế  giới, một đơn vị kinh doanh logistics lớn của Thụy Sĩ cho rằng, với vị trí của mình, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm logistics lớn trong khu vực. Đà Nẵng nên học tập và rút kinh nghiệm của các địa phương có ngành logistics phát triển trên cả nước cũng như trên thế giới.

Nhìn nhận vai trò, vị trí quan trọng của Đà Nẵng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, ông Mai Văn Quang, đại diện Hiệp hội Logistics khu vực miền Trung tại Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần khai thác được tiềm năng từ tuyến hành lang này nhằm có được nguồn hậu phương hàng hóa dồi dào từ khu vực nam Lào, Thái Lan và cả từ miền bắc vận chuyển xuống. “Logistics được xem là “mỏ” vàng để Đà Nẵng khai thác trong tương lai để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố”, ông Quang nhấn mạnh.

Giảm chi phí để khơi thông “điểm nghẽn”

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước đều thống nhất đánh giá: chi phí kho vận của Việt Nam cao (chiếm khoảng 21,9%) so với nhiều nước trong khu vực và lân cận như Trung Quốc là 18%, Singapore 9% cũng như mức trung bình của thế giới khoảng 15%. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất, gây cản trở đối với sự phát triển của thị trường logistics trong nước cũng như doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Bộ Công thương, quy mô và năng lực của doanh nghiệp vận tải và logistics Việt Nam còn hạn chế. Hơn 70% doanh nghiệp có quy mô vốn vừa và nhỏ, doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, đa số các doanh nghiệp logistics trong nước mới chỉ hoạt động trong phạm vị nội địa hoặc một vài nước khu vực ASEAN và dừng ở đại lý cấp 2, cấp 3 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu; chưa kết nối được hoạt động vận tải đa phương thức.

Để thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển, ông Lê Quang Trung cho rằng, cần hình thành các trung tâm logistics hiện đại có quy mô lớn, bảo đảm cung ứng các dịch vụ tân tiến nhất với chi phí hợp lý hơn; đồng thời cần tăng cường tính kết nối giữa hệ thống các cảng biển, vùng kinh tế trong nước cũng như sớm ban hành 1 chuẩn chung về thương mại điện tử, công nghệ thông tin để tạo sự kết nối đồng bộ trong việc cung ứng dịch vụ logistics.

Ông Vũ Đức Thinh, Giám đốc Lazada Express đề xuất giải pháp tăng cường áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ với việc ứng dụng công nghệ điện tử hiện đại vào kinh doanh nhằm giảm thiểu chi phí nhưng tăng cường được tính kết nối trong vận chuyển hàng hóa. Đây cũng là xu thế phát triển mạnh trên thế giới hiện nay. Cam kết hỗ trợ cung cấp các chương trình về kỹ thuật, tài chính, dự án dài hơi nhằm đồng hành cùng Việt Nam tháo gỡ các vướng mắc ở một số nội dung trọng yếu nhằm góp phần thúc đẩy ngành logistics phát triển.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhấn mạnh: vấn đề đặt ra là phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan-thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hóa thương mại; xây dựng các khu vực logistics có tính cạnh tranh mạnh hơn; tăng cường thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Cảng Đà Nẵng cần phát huy vai trò, vị thế cảng lớn ở khu vực

Chiều 23/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm cán bộ, công nhân viên Cảng Đà Nẵng. Cùng đi có Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Qua báo cáo tình hình hoạt động của Cảng Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận những thành quả đơn vị đã đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2019 với kết quả sản xuất kinh doanh đạt mức tăng trưởng cao về sản lượng hàng hóa qua cảng, lợi nhuận và doanh thu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nghe lãnh đạo Cảng Đà Nẵng trình bày về kết quả hoạt động của đơn vị trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nghe lãnh đạo Cảng Đà Nẵng trình bày về kết quả hoạt động của đơn vị trong năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn Cảng Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực phát huy thế mạnh của doanh nghiệp cảng biển; tiếp tục khẳng định vị thế một cảng lớn của khu vực miền Trung. Trong dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng quà Tết Canh Tý đến tập thể lãnh đạo và người lao động Cảng Đà Nẵng.

Được biết, trong năm 2019, Cảng Đà Nẵng có sự phát triển vượt bậc với tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt mức tăng trưởng gần 20% (trong đó container dự kiến tăng 29,6%), doanh thu tăng hơn 16%, lợi nhuận tăng trên 20%. Cũng trong năm 2019, Cảng Đà Nẵng đón hơn 112 chuyến tàu du lịch, tăng 4% so với năm 2018, trong đó có các tàu cỡ lớn như Costa Atlantica, World Dream…

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, các đơn vị bộ, ngành cần có sự đánh giá tình hình thực hiện các chính sách quản lý, phát triển ngành logistics một cách tổng thể để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi cho phù hợp với đặc thù hoạt động trong thực tiễn và kịp thời thích ứng với yêu cầu đề ra.

Bài & ảnh: Khánh Hòa

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5404/201911/da-nang-co-nhieu-thuan-loi-tro-thanh-trung-tam-logistics-cua-khu-vuc-3265562/

Cùng chuyên mục