Đà Lạt – Thời mộng mơ và… lộn xộn
Có thể vì chưa từng sống hay lớn lên ở Đà Lạt mà chỉ ghé qua nơi này đôi ba ngày với tâm thế của du khách phương xa, nên tôi không quá tiếc nuối hay hoài niệm về một “Đà Lạt xưa”, mà vẫn mở lòng ra đón nhận “thành phố mộng mơ” trong thực tại… Cho dù nhịp sống của nó bây giờ có xô bồ, lộn xộn đến đâu và không còn dấu vết nào như trong những ca khúc năm xưa về thành phố này.
Là người Sài Gòn, tôi chưa bao giờ đếm mình đã đi Đà Lạt bao nhiêu lần và còn đi thêm bao nhiêu chuyến nữa trong tương lai. Với tôi, số lần ghé qua một điểm đến là vô nghĩa nếu so với những trải nghiệm mà mình tìm thấy ở đó.
Trong hồi ức của tôi, hồi còn nhỏ, hai chữ “Đà Lạt” là một chuyến đi chóng vánh trong vài ba ngày, để ngắm rừng thông bạt ngàn, cùng những đồi hoa và tận hưởng cái lạnh mà Sài Gòn không có được.
Đến khi tôi trở thành sinh viên, một trong những chuyến đi Đà Lạt còn sâu đậm trong ký ức là lần ghé thăm nhà người bạn học nằm trên một ngôi đồi ở Cầu Đất (Trường Xuân, Xuân Trường), ngoại ô của Đà Lạt. Trong quãng mươi ngày nhân dịp nghỉ Hè, tôi đã có dịp đi cùng gia đình người bạn vào rẫy cà phê mỗi ngày, thử sống cuộc đời người làm vườn đúng nghĩa.
Đà Lạt thời điểm đó, cách đây khoảng hai chục năm, tất nhiên chưa có Facebook, chưa có “sống ảo”, “check-in” để tôi có thể khoe hình với mọi người trên mạng xã hội. Mỗi buổi sáng, tôi lội bộ theo bạn vào vườn, tập phân biệt giống cà phê, cuốc đất, phụ nấu cơm trưa với những món đơn sơ đúng nghĩa của người ở vườn. Đến buổi chiều, tôi trở về nhà, tay chân rã rời vì cầm cuốc không quen, nằm cuộn trong chăn giữa cái lạnh. Đó là cảm giác mà nhiều năm sau, tôi mãi mãi không tìm lại được.
Trong những chuyến đi Đà Lạt những năm về sau, chẳng hiểu sao tôi không có cảm giác gì khi đến những điểm mà “người ta nhất định phải ghé” như cà phê Tùng hay các dinh thự xưa cũ… Cà phê Tùng thì dường như lúc nào cũng ngập ngụa khói thuốc, trong lúc các dinh thự đồ sộ đem lại cảm giác lạnh lẽo, trống vắng và vô hồn khi thời thế đã đổi thay, những người xưa đã khuất bóng.
Thay vào đó, tôi yêu mến Đà Lạt của thực tại, cho dù kiến trúc lộn xộn, những dãy nhà lổn nhổn cao thấp, dường như không được quy hoạch bài bản và thiếu tầm nhìn. Cho dù mỗi lần từ khách sạn bước ra đường, tôi không chắc là mình đang gặp người Đà Lạt xưa hay là người tứ xứ, mới dọn đến mưu sinh tại thành phố này vài ba năm.
Bước ngang qua những điểm “check-in” thời thượng của giới trẻ như bức tường màu vàng của quán Cối Xay Gió, hay cái gọi là “Nấc thang lên thiên đường”, đồi Cỏ Hồng…, tôi tìm thấy ở Đà Lạt những góc phố nhỏ đem lại cho mình ít nhiều cảm giác thư giãn, bình yên xen lẫn hứng thú.
Đó có thể là chỗ ngồi ở ban công tầng một của một quán cà phê ngay dốc Nhà Làng, nơi bạn có thể ngồi ngắm chậu hoa cúc nhỏ nhắn, người qua lại bên dưới và hớp một ngụm Americano ngon. Đó có thể là một quán nhỏ bán món bánh canh chả cá đúng vị miền Trung mà lần nào đến Đà Lạt tôi cũng phải ăn ít nhất vài ba lần. Đó có thể là một quán ốc hấp sả bình dân thôi mà mỗi lần ăn là một lần hít hà, cảm giác như mình đang được ăn một món cao lương mỹ vị, nhất là trong tiết trời se lạnh buổi tối.
Đó là buổi sáng ghé quán quen bên bờ hồ Xuân Hương chỉ để thảnh thơi nhấm nháp tách trà với cảm giác cuộc đời này hóa ra không có gì đáng phải vội vã, nhất là trước khi mình uống xong một bình trà.
Đó còn là buổi chiều, khi trời vừa tắt nắng, đi một vòng ngắm phố phường, thấy ai cũng vội vã kéo cao cổ áo, chạy trên đường thật nhanh còn mình thì vẫn cứ thong dong.
Và đâu đó, cũng là nỗi nuối tiếc, vì cứ sau mỗi chuyến đi đến “thành phố ngàn thông”, tôi chợt nhận ra những quán quen, chỗ ngồi quen của mình đang dần một biến mất, nhường chỗ cho những nhà hàng bề thế, bán những món được gọi là “trào lưu ẩm thực” của giới trẻ.
Đà Lạt, trong góc nhìn của tôi, không có nhiều hình ảnh thời thượng, “bắt trend” sau mỗi chuyến đi để khoe với bạn bè hoặc hứa hẹn nhận nhiều lượt like trên mạng xã hội.
Rõ là Đà Lạt có không khí, có nơi chốn để bạn phải cất chiếc điện thoại, máy ảnh vào ba lô, thay vào đó là lưu giữ khoảng khắc trong tầm mắt và tâm niệm, chứ không phải lăm lăm trên tay chỉ để có một tấm ảnh “sống ảo” như mình đang ở trời Âu. Đó là tôi nghĩ vậy.
Tôi nhận rõ Đà Lạt, cũng như Sài Gòn và mọi thành phố khác của đất nước này, đang có nhiều đổi thay, mà có thể với những người sinh trưởng ở vùng đất này, đó là sự mất mát và tiếc nuối khôn nguôi về những giá trị của cách hành xử văn minh hay di sản văn hóa, kiến trúc ngày trước.
Gần đây, trên trang cá nhân một người bạn lớn tuổi, tôi đọc được những dòng chua cay về thành phố ngàn thông trong thực tại. Từ góc nhìn một trí thức sinh trưởng thời thập niên 1960, 1970, anh ấy thuật lại bình luận của một người Sài Gòn vừa bỏ ý định chuyển đến Đà Lạt sinh sống vì “dịch vụ chặt chém, giá tiêu dùng cao, phố phường lôi thôi, nhếch nhác, môi trường ô nhiễm, có tiếng là xứ lạnh mà buổi trưa oi nóng rất khó chịu...”
Tôi không bi quan đến vậy.
Tôi cũng không than vãn khi so sánh Đà Lạt của hôm nay và của hôm qua, như tôi được biết qua sách vở, nhạc điệu.
Cũng có thể tại tôi không còn quá trẻ để tin là Đà Lạt hôm nay “mọi thứ đều tuyệt vời”, nhưng cũng chưa đủ già chỉ để cố níu giữ một Đà-Lạt-đẹp-đẽ-nên-thơ trong ký ức.
Có những khi tản bộ một vòng quanh bờ hồ, bất giác tôi vẫn thấy mình có thể vu vơ một câu hát xưa cũ:
“Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường
Giờ đây hơi sương giá buốt biết ai thương bước cô liêu
một người đi trong sương rơi…”
(Đà Lạt hoàng hôn, một sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ và Dạ Cầm)
Ben Ngô
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh