Cựu bí thư Nguyễn Sự hồi ức về thời Hội An mò mẫm làm du lịch
Nguyên bí thư Hội An Nguyễn Sự nhấn mạnh du lịch phải đi từ những gì vốn có, phải dựa trên hai nền tảng là văn hóa của chính mình và đi lên bằng tự nhiên, nương tựa vào thiên nhiên, đối thoại với tự nhiên để phát triển.
Hội An giờ đây đã trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước, đón trên 4 triệu lượt khách mỗi năm. Từ chỗ chỉ có 8 phòng khi bắt đầu kinh doanh du lịch năm 1994, Hội An giờ đây có tới 18.000 phòng khách sạn. Người dân cũng tích cực tham gia kinh doanh du lịch với 7.000 phòng homestay.
Nổi tiếng là thế nhưng không mấy ai biết rằng, thương cảng sầm uất một thời đã từng có quãng thời gian chìm trong u tối, khi người dân phải di tản lên TP.HCM kiếm miếng cơm manh áo. Từ sau năm 1990 khi thị trường Đông Âu và Liên Xô không còn, gia công của Hội An như mành trúc, chiếu cói bị tê liệt. Ngư nghiệp chỉ còn một bộ phận rất nhỏ, cá mắm không bắt nhiều, dân đô thị buôn bán lúc đó không còn thị trường. Người dân Hội An phải đi bán cà rem, kẹo kéo và thậm chí còn có câu nói: Nơi nào hô cà rem, kẹo kéo ở tỉnh Quảng Nam là dân Hội An, nguyên bí thư Hội An Nguyễn Sự chia sẻ tại hội thảo Chung tay làm du lịch nông nghiệp tổ chức hôm nay tại Hậu Giang.
Từng được ví như linh hồn của Hội An khi góp công tìm ra con đường vực dậy khu vực này, ông Sự lại cho rằng “linh hồn Hội An là người dân Hội An, những con người Hội An không chỉ một mà rất nhiều thế hệ”. Hội An khi đó đã mở đường trong điều kiện vô cùng khó và thoát ra bằng làm du lịch nhưng con đường ấy cũng chẳng hề dễ dàng. Du lịch Hội An bắt đầu bằng việc xây dựng 8 phòng nghỉ thuộc một doanh nghiệp Nhà nước với đầu tư ngân sách khoảng 300 triệu và điều này, vấp phải không ít sự phản đối khi nhiều ý kiến cho rằng “bệnh viện thì thiếu giường, nhà trường thì thiếu ghế mà không lo đầu tư, đi đầu tư mấy chuyện đâu đâu”, ông Sự nhớ lại.
Thế nhưng ông Sự vẫn quyết tâm làm và khi ấy, ông thừa nhận quan niệm làm du lịch của mình đơn thuần là phòng ốc chứ không phải làm dịch vụ khác. Khái niệm du lịch lúc ấy còn rất xa lạ và mọi thứ đều bắt đầu từ mò mẫm.
“Chúng tôi kéo nhau đi học Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu. Tôi nói với anh em là học để về làm chứ không phải bắt chước, học khác đi bắt chước”.
Xích lô của Hội An hiện nay có hệ thống như vậy là do học từ tổ chức xích lô của khách sạn Hương Giang tại Huế, thả hoa đăng là học theo thả hoa đăng trên sông Hương. Ca nhạc, hoạt động đường phố học được học từ nhà biểu diễn của Huế nhưng đưa ra đường phố, lấy đường phố làm sân khấu.
“Con đường bắt đầu làm du lịch rất chông ngai, bắt đầu từ phố cổ và sau khi làm phố cổ thì nghĩ ra một điều rằng Hội An không chỉ có phố cổ. Phố cổ chỉ có 0,5 km vuông với khoảng 1 vạn người sống trong đó. Nhưng Hội An còn 80.000 người dân xung quanh và phải tính đến, cả những tài nguyên tại làng quê đó”, ông Sự trăn trở.
Trà Quế là làng rau nổi tiếng của Hội An từ xưa về rau ngon, rau thơm của Quảng Nam, Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung, nhưng có lúc không bán được, người dân gặp nhiều khó khăn và có hướng chuyển nghề.
“Tôi đích thân vận động dân, họp từng tổ một nửa tháng trời để vận động giữ lại làng rau và có những chính sách hỗ trợ. Tôi chỉ nói với dân một điều rằng, rau không làm cho người dân giàu lên nhưng làng rau làm cho người dân khá lên được”.
Cộng đồng tại đó đã chung tay làm rau trở lại với sự hỗ trợ về kỹ thuật. Không chỉ vậy, ông Sự còn mời các doanh nghiệp đến, đặt vấn đề đưa du khách tới tham quan làng rau, tổ chức tưới rau, trồng rau với nhân dân và nhận được sự đồng ý. Dịch vụ này ban đầu được miễn phí nhưng sau đó du khách sẽ phải trả tiền để được xuống ruộng trồng rau. Giờ đây người dân Trà Quế giữ làng rau rất tốt. Tất cả người dân đều giàu lên, có những người trở thành tỷ phú nhờ làng rau và không phải họ bán rau mà họ dựng những nhà hàng có những món chế biến từ rau để phục vụ cho du khách.
“Hôm nay tôi có một quan điểm khác. Khách cần là cần thái độ phục vụ, chất lượng, là sự tinh tế. Không có nghĩa là họ cần chỗ đó một cái nhà bê tông, chúng ta xây một nhà bê tông mà họ đến đây tìm cái họ không có”, ông Sự chia sẻ.
Theo ông, cần cố gắng tạo ra những nguyên liệu, tạo ra sản phẩm thực sự từ nông nghiệp để bán cho du khách, có nghĩa là bán cái chúng ta đang có, chúng ta có thế mạnh. Cái du khách cần là sự lịch sự, văn minh, sự chuyên nghiệp, thái độ. Sự sáng tạo đến từ người dân và yếu tố cộng đồng trong du lịch. Ông Sự nhớ lại, lần gặp một đoàn trâu khoảng 20 – 30 con, ông hỏi đùa người dân tập trung trâu để húc nhau hay sao. Nhưng hoá ra, đoàn trâu này lại được chuẩn bị cho một đoàn khách, phục vụ hoạt động cưỡi trâu.
“Tôi ngồi chờ, khách xuống gần 30 người. Họ cưỡi trâu, tắm trâu khoảng hơn một tiếng đồng hồ và phải trả tiền cho người giữ trâu. Mà cái này là dân sáng tạo”.
“Tôi về nói với mấy anh em ngành du lịch là phải xuống dưới dân, xem cái đó để chúng ta tổ chức họ lại và đến nay tour cưỡi trâu trở thành tour thường xuyên”.
Nhờ đó, trâu Hội An đã được làm du lịch và thậm chí, trâu còn được tắm bằng xà phòng thơm trước khi đi ra phục vụ du khách để tránh mùi hôi. Ông Sự kể về một người làm xe đạp bằng tre, đàn bằng tre và cả tranh từ bột cây dừa nước với giá bán mỗi bức lên tới 30 – 40 triệu đồng, mà điều đáng chú ý là bản thân người dân tự sáng tạo chứ không ai hướng dẫn. Chưa hết, Hội An còn nổi tiếng với hoạt động quay thúng ở rừng dừa nước. Nguyên bí thư Hội An khẳng định, rừng dừa ấy không đẹp bằng Đồng Tháp Mười, không đẹp bằng kênh rạch của Tiền Giang, Hậu Giang nhưng “người dân biết biến ra, ở giữa sông có hò ca đối đáp cho du khách và du khách trả tiền cho những điều đó”.
“Du lịch nông nghiệp phải mang yếu tố cộng đồng và thiếu tính cộng đồng thì du lịch sẽ không bền vững được”, ông Sự nhấn mạnh.
Theo ông, cộng đồng giữ tài nguyên, cộng đồng giữ môi trường nên người dân và cộng đồng phải được hưởng lợi từ chính tài nguyên, môi trường của họ. Du lịch cộng đồng được nhận định không chỉ bao gồm những người trực tiếp làm du lịch mà kể cả khi một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm nào đó mà cộng đồng được hưởng lợi và được phân chia điều đó thì cũng là du lịch cộng đồng.
Một nhà hàng có suất ăn 20 USD nhưng chỉ cần ra bè giữa sông, hương đồng gió nội và thắp mấy cây đèn cầy, suất ăn có thể lên tới 50 USD. Điều này đặt ra câu hỏi rằng phải chăng những nhà hàng sang trọng mới thu đc tiền hay không. Ông Sự nhấn mạnh chính những nhà hàng dân dã nhất, thô mộc nhất nhưng tinh tế, sáng tạo, sang trọng do cung cách, không gian, môi trường mới thu cao nhất.
“Đi du lịch, thưởng thức ẩm thực nhưng mắt phải nhìn, từ đó bán luôn cả cảnh quan xung quanh cho du khách nhìn, bán luôn cả tiếng dừa nước, gió trời và bán cả trăng”
“Cách đây một thế kỷ, chỉ có một người duy nhất bán trăng là Hàn Mặc Tử: Ai mua trăng tôi bán trăng cho nhưng bây giờ làm du lịch có thể bán luôn cả trăng. Mà bán cái này không bao giờ hết vì Của trời trăng gió kho vô tận (Nguyễn Công Trứ)”.
Theo ông Nguyễn Sự, làm du lịch cần phải lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, làm du lịch, đặc biệt du lịch nông nghiệp, yếu tố trước hết phải là yếu tố cộng đồng. Dù gián tiếp hay trực tiếp, người dân phải được hưởng lợi từ du lịch đó.
Thứ hai, biết bắt đầu từ trọng điểm rồi nhân rộng. “Du lịch không thể nóng vội”, ông nhấn mạnh.
Thứ ba, bài học muôn thuở là phải mang lại lợi ích cộng đồng.
Thứ tư là quyết tâm của đội ngũ cán bộ.
“Hội An cũng trầy da tróc vẩy, khi lên người ta cũng chửi dữ lắm, cũng phải lên bờ xuống ruộng. Đừng tính toán nhiều quá về việc tôi làm cái này cá nhân tôi được cái gì”.
Thứ năm, du lịch phải đi từ những gì chúng ta có, phải dựa trên hai nền tảng, bao gồm văn hóa của chính mình, không lẫn vào nhau và thứ hai là đi lên bằng tự nhiên, nương tựa vào thiên nhiên và đối thoại với tự nhiên để phát triển.
“Làm được hai cái đó thì du lịch sẽ bền vững, không chộp giật. Mỗi đoạn đi cần quay đầu nhìn lại để xem đi đúng hướng chưa, giữ đúng mục tiêu và điều chỉnh phương pháp. Đi cùng thiên hạ nhưng không mất mình”, ông Sự nhấn mạnh.
Kiều Mai
Theo theleader.vn