Cuống quýt về nhà

Bây giờ thì chẳng cần nhắc nào là giá trị gia đình, nào là truyền thống, cũng không cần phải hỏi “nhà có là nơi để về”?

Đùng một cái vấn đề được giải quyết “cái rụp”. Một ai đó vạ vật trên máy bay, vạ vật ở sân bay nước quá cảnh, giờ đáp xuống quê nhà – đã thốt lên: Bây giờ về nhà là… sống rồi!

Bao nhiêu đứa con xa quê tìm con đường trưởng thành nơi xứ người, chịu bao thử thách, cô đơn, có đứa đang đêm gọi điện thoại về, cuống quýt. Thiếu gì trên Facebook kiểu này:

(Nửa đêm thảng thốt) Con bị đá ra khỏi ký túc xá rồi. Sao vậy? Con đang thi giữa kỳ mà? Nhà trường đóng cửa, đóng luôn ký túc xá vì Covid-19. Thế đi đâu? Không biết. Sinh viên quốc tế đi đâu? Chắc ra ngoài thuê nhà ở. Vậy ra ngoài không nhiễm bệnh sao? Không biết. Đại học xứ thiên đường đóng cửa ký túc xá không cần biết họ đi đâu!

“Con người có thể phản bội Tổ quốc nhưng Tổ quốc không bao giờ phản bội những đứa con của mình”.

“Cuốn hộ chiếu màu xanh có lúc bị ghẻ lạnh vì nó quyền lực yếu – nhưng nay khi đã cầm nó có thể tự nhủ: Sắp về nhà rồi. Sống rồi”….

cuong-quyt-ve-nha
Công dân làm thủ tục về nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Y tế

Còn bao nhiêu đứa con trụ lại xứ người, cô đơn, công việc bấp bênh, học hành mải miết, tương lai mịt mù. Nó không về nước, bám trụ lại. Và ơn giời, ngày nay có Internet, hàng ngày có thể trò chuyện với người thân quê nhà, lấy thêm nguồn lực sức mạnh, tình thương để vật lộn tiếp với đời. Bao nhiêu mẹ cha lo lắng nhớ thương giấu giọt nước mắt đêm đêm…

Vậy mà mới đây thôi, bạn trẻ còn hát những ca khúc kiểu như “cô đơn không muốn về nhà”. Họ bỏ quê hết, lên thành phố lớn, đi thật xa. Dù cho nhà của họ ở nông thôn có khá. Có con số thật đây: Điều tra nhà ở nông thôn hiện nay có tới 77,8% nhà kiên cố, 19,9% bán kiên cố, chỉ có 2,6% chưa có nhà. Các gia đình truyền thống nay chuyển sang gia đình dân chủ hiện đại. Có người còn lo rằng đã tan rã các giá trị truyền thống, suy giảm chức năng giáo dục, hình thành lối sống cá nhân thực dụng, ích kỷ, chuộng ngoại…

“Nhà” bây giờ không chỉ là nơi để về đơn giản đầm ấm mái tranh nghèo như xưa. Nhà giờ còn là tài sản, là các xu hướng sống xanh, là thế giới riêng của các kiểu giai tầng giàu hay nghèo.

Vì thế, “nhà” có nhiều ý nghĩa, nhiều kiểu.

Trong khi các bạn trẻ xa nhà làm ăn vất vả sống chen chúc trong các phòng trọ, Tết đến thì nhớ quê, “ai cũng mong về nhà”, “bình an là đứng cùng cha mẹ dưới bàn thờ gia tiên”… nhưng bảo họ ở lại quê nhà thì có mấy người?

Xu hướng toàn cầu mất rồi. Một người trẻ lên Sài Gòn chẳng biết bao lâu mới mua nổi cái nhà. Bạn Hàn Quốc thì có số liệu đây: 15 năm chăm chỉ làm việc mới mong mua nhà nhỏ ở Seoul. Trong khi đó thì ở Nhật có cả kiểu nhà ma vắng vẻ Akiya – bán không ai mua cho không ai lấy. Có tới cả ngàn ngôi làng có nhà như thế, vì thanh niên ra thành phố, cha mẹ ở quê, cha mẹ chết, nhà bỏ không. Ngay cả những làng ở cách Tokyo chỉ hai giờ đi tàu cũng có những nhà bỏ hoang, nhà ma như thế.

Hàng ngàn nhà giàu Pháp bỏ nước chạy sang Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Bỉ… để tránh ở trong nước có mức thuế cao hơn. Rồi cả đến những doanh nghiệp công nghệ có tiếng như TikTok cũng “rời bỏ quê nhà” Trung Quốc – rao tuyển CEO cho trụ sở mới của mình ở Mỹ.

Có bao nhiêu cách để “chán nhà” rời bỏ quê hương? Do hoàn cảnh hay do lòng người thay đổi?

Đại dịch Covid-19 ào đến vào một sớm mùa Xuân của cái năm có số đẹp 2020 làm bao hy vọng nay chật vật, người chết trên khắp thế giới.

Các nước đóng biên hàng loạt, người dân tìm cách về nhà. Công dân liên hệ chính phủ để được cứu. Biên giới châu Âu tắc, xe tải xếp hàng kẹt dài tới 60km vào Ba Lan. Máy bay quân sự, tàu đặc biệt đến giải cứu. Thổ Nhĩ Kỳ di tản dân kẹt lại ở 9 quốc gia. Canada cảnh báo công dân nên về nhà khi còn thời gian để về. Hàng nghìn Việt kiều về nước. Đóng cửa biên giới châu Âu… Tin tức chưa bao giờ nghe nhiều và lo đến thế.

Vậy khỏi phải giải thích hay tranh luận khoa học về giá trị gia đình nữa.

Social distancing – giãn cách xã hội là từ mới, mang tính khẩu hiệu y tế, nay sẽ đánh dấu mối hệ trọng và… cả nguy hiểm nữa trong tình thân.

Những người đàn ông hay chơi nhởi ăn nhậu quán xá thâu đêm, chẳng mấy khi ăn cơm tối với gia đình.

Những người trốn cách ly, thiếu trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, không nghe chính phủ kêu gọi khiến những người khác phải đi tận ngõ gõ tận nhà, lên cả máy bay tóm người trốn cách ly…

Những đám đông lễ bái lan truyền bệnh dịch giờ có thể xem cái clip cảnh sát Ấn Độ dùng roi vụt kẻ chạy rông không cách ly. Nhớ xem cho kỹ cảnh một gã đang chém gió trong quán bị cảnh sát vụt, tháo chạy, dù lão mặc váy cũng chạy nhanh phết!

Những người “không chịu ở nhà, ở nhà chán chết” hãy đọc tin trên CNN mỗi ngày. Như câu chuyện về gần 500 người leo núi Himalaya giờ không xuống được nữa vì chính phủ Nepal đã đóng cửa quốc gia. Cứ hình dung đi, kẹt trên núi cao, khó thở, không xuống được nữa, bệnh dịch đe dọa…

Những người đó sẽ biết yêu quí mái nhà của mình!

Quảng Yên

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục