Cúng lăng Ông ở làng Bình Yên

Ngày mùng 7 tết hàng năm, người dân thôn Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn) sắm lễ vật cúng lăng Ông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa…

Lễ cúng lăng Ông ở thôn Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn). Ảnh: T.M
Lễ cúng lăng Ông ở thôn Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn). Ảnh: T.M

Chu đáo tế lễ

Lễ cúng lăng Ông đối với người dân thôn Bình Yên là một nghi lễ lớn và có ý nghĩa quan trọng trong năm. Vì vậy lễ cúng lăng Ông được chuẩn bị rất chu đáo và trang trọng. Ông Nguyễn Văn Vinh – Trưởng ban tổ chức lễ cúng lăng Ông cho biết, ngay từ cuối năm cũ, thôn đã họp bầu ra Ban tổ chức để lên phương án, phân công nhiệm vụ như lên danh sách ủng hộ tiền đóng góp của nhân dân trong thôn, thuê bàn ghế, trống, chiêng… Ngay từ sáng sớm, hầu hết chị em phụ nữ trong thôn đã cùng nhau nấu mâm cúng, bày chén đĩa. Thực đơn và nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ trước ngày chính lễ. Đều đặn tham gia nấu nướng cúng lăng Ông hàng năm, bà Nguyễn Thị Lệ (thôn Bình Yên) cho biết “Mặc dù ngày tết ai cũng bận việc gia đình nhưng chị em trong thôn luôn sắp xếp để chung tay sửa soạn mâm lễ dâng lên các vị tiền hiền của thôn và Ông. Ai cũng nhiệt tình tham gia để dâng tấm lòng thành của mình đến các vị, cầu mong cho gia đình và bà con năm mới an lành, may mắn”.

Cuộc tế lễ diễn ra trang trọng, thành kính. Ban tế lễ gồm có 11 người, trong đó vị chánh bái là người có uy tín trong làng. Những người tham gia lễ tế đội khăn đóng, mặc áo dài trịnh trọng. Đàn ông, trai tráng trong làng đều ăn bận chỉnh tề, có mặt ngay từ sáng sớm để phục vụ lễ hội và bái vọng thần thánh. Lễ tế vang vọng một vùng núi non với khói hương nghi ngút, chiêng trống vang trời, dàn nhạc bát âm hòa cùng giọng đọc tế lễ. Mâm lễ để cúng Ông gồm có con heo luộc, 3 con gà, xôi chè, hoa quả, hương đèn… Gần nửa cuộc đời viết và đọc văn tế trong lễ cúng lăng Ông, ông Nguyễn Thanh Xuân (72 tuổi) cho biết tục cúng lăng Ông được lưu truyền từ thời cha ông đến bây giờ. Mục đích là cúng tiền hiền của làng và Ông là ông Tam Cát Đại Dương Thần Quảng Đại. Trong lăng, ở giữa chính là thờ Ông, bên trái thờ Ngũ Hành, bên phải là thờ 5 cậu (cậu Cả, cậu Quý, cậu Trà, cậu Hiển, cậu Xuân). Ngoài ra còn thờ các vị tiền hiền của làng, gồm 3 tộc Bùi, Nguyễn Viết, Nguyễn Đình. “Bài cúng trong lễ tế thể hiện lòng biết ơn Ông đã che chở cho dân làng, tri ân những bậc tiền hiền đã khai sơn phá thạch lập ra làng. Cầu mong các vị phù hộ ban phước lành, cho nhân dân có một năm mưa thuận gió hòa, mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều thuận lợi” – ông Xuân cho biết thêm.

Văn hóa tâm linh

Trong khi diễn ra lễ tế, người dân trong thôn thành kính, đứng chắp tay trang trọng xung quanh bàn lễ. Sau khi tế xong, mọi người lần lượt vào lễ bái cầu xin Ông phù hộ cho sức khỏe, may mắn. Khi nghi thức lễ cúng đã hoàn tất, mỗi người một tay cùng nhau dọn thức ăn lên bàn, rồi cùng nhau ngồi vào bàn tiệc. Sinh sống và làm tiệc tại Đà Nẵng hơn hai mươi năm nay, nhưng năm nào ông Bùi Văn Quý (56 tuổi) cũng về tham dự lễ cúng lăng Ông. Ông Quý cho biết, với lòng thành kính tâm linh, ông tham dự lễ cúng cầu mong cho gia đình may mắn, sức khỏe. “Đây cũng là một nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống, nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ về nguồn cội, tổ tông của mình. Việc thờ cúng trang trọng thể hiện sự kính tín của thế hệ con cháu chúng ta đối với tổ tiên, đồng thời đây cũng là sợi dây liên kết bền chặt các thành viên, các thế hệ trong làng với nhau” – ông Quý nói.

Lễ cúng lăng Ông hàng năm được đông đảo nhân dân trong thôn cũng như con cháu làm ăn phương xa nhiệt tình tham gia. Ông Bùi Thanh Long – Trưởng thôn Bình Yên cho biết từ năm 2012 đến nay, từ nguồn đóng góp của nhân dân và bà con làm ăn xa quê, địa phương đã xây dựng nhà ăn, khu bếp nấu, sân, mái che rộng 270m²2, mua sắm thêm 10 bộ bàn ghế, quạt phục vụ việc cúng kính trong lăng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tục cúng lăng Ông còn mang ý nghĩa thắt chặt tình đoàn kết giữa các gia đình sinh sống trong thôn. Đây là dịp để mọi người gặp gỡ, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp khởi đầu một năm mới.

Tâm Lê – Minh Thông

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục