Cù Lao ký sự – Bài 3: Người Cù Lao Chàm làm hướng dẫn viên du lịch

Giữa cơn “trở mình” của đảo, người dân Cù Lao Chàm tỏ ra nhanh nhạy trong việc bắt kịp thời cơ làm du lịch. Trong số này, có không ít người trẻ đã quay lại đảo và mong muốn phát triển du lịch đảo theo hướng bền vững.

Từ hướng dẫn viên nội địa…

Võ Phúc Sinh được xem là những người Cù Lao Chàm đầu tiên làm hướng dẫn viên du lịch. Buổi sáng, anh hay ngồi đâu đó gần biển để đợi khách từ đất liền ra. Thông thường, tầm khoảng 8g sáng, là có ca nô đưa khách từ cảng Cửa Đại ra, anh Sinh có nhiệm vụ đón và đưa khách đi tham quan trên đảo.

Thái độ cởi mở, cùng cách bắt chuyện vừa trang trọng vừa hài hước của Sinh, giúp xua tan phần nhiều những mệt mỏi du khách phải trải qua sau hành trình “lướt sóng” đến với Cù Lao Chàm. Sau đó, Sinh bắt đầu hành trình đưa khách tham quan đảo bằng điểm đến đầu tiên là khu nhà trưng bày của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Sinh giới thiệu cho khách tham quan tại giếng cổ 400 năm tuổi.

Tiếp đến là giếng cổ ở thôn Cấm. “Đây là giếng cổ do người Chăm xây dựng, có niên đại lên đến 400 năm. Giếng có thiết kế tròn ở trên, vuông ở dưới. Nước giếng rất ngọt và không bao giờ cạn…” – Sinh giới thiệu với du khách. Thi thoảng, anh pha trò: “Cô nào chồng bỏ chồng chê/ uống nước giếng cổ chồng mê tới già”. Hai câu này, là từ cách nói hài hước của người dân trên đảo Cù Lao Chàm lưu truyền từ bao đời qua. Người dân đảo tin rằng vợ chồng nào muốn có con trai thì uống nước giếng cổ.

Sinh cho biết anh làm nghề hướng dẫn viên được hơn 10 năm. Và trong chương trình tour của anh, ngoài hai điểm mà chúng tôi vừa đề cập ở trên, còn có 3 điểm nữa là chùa Hải Tạng, lặn ngắm san hô và tắm biển ở bãi Ông. Sinh cho biết, anh chị em trong đội hướng dẫn viên của địa phương luôn tìm cách san sẻ, hỗ trợ nhau vì cái chung của sự phát triển du lịch cho Cù Lao Chàm.

Du khách lặn biển tại Cù Lao Chàm.

Theo Ban quản lí Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đảo này hiện có khoảng 30 hướng dẫn viên là người địa phương. Họ được đơn vị này đào tạo bài bản, nhờ đó mà kỹ năng hướng dẫn của họ được đảm bảo, góp phần vào định hình thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm, bên cạnh giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên đảo.

Đến hướng dẫn viên quốc tế

Vài năm trở lại đây, nhận thấy khách quốc tế đến tham quan Cù Lao Chàm ngày càng nhiều, không ít người dân đảo đã trang bị thêm kỹ năng ngoại ngữ để phục vụ dòng khách đầy tiềm năng này. Văn phòng hướng dẫn, cung cấp thông tin miễn phí cho du khách quốc tế cũng từ đó mà ra đời, nhằm hỗ trợ du khách được tốt hơn.

Trong số những người trẻ làm hướng dẫn viên cho khách quốc tế, chúng tôi gặp Lê Thị Bích Công (27 tuổi). Công tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng vào năm 2014, rồi làm cho một công ty du lịch ở trung tâm phố cổ Hội An. Nhưng với ước mơ mang những gì mình đã học về phục vụ lại đảo, Công trở về để phục vụ quê hương.

Cầu cảng Cù Lao Chàm tấp nập đón du khách.

Công cho hay: “Bất kì khách quốc tế nào tìm đến văn phòng cũng được trang bị đầy đủ thông tin cơ bản về Cù Lao Chàm và không phải đóng phí. Ngoài ra, em mở thêm dịch vụ khám phá Cù Lao Chàm bằng xe đạp thể thao nhằm mục đích tạo điều kiện cho những du khách thích đạp xe tham quan kết hợp rèn luyện sức khỏe. Tất nhiên, em sẽ là người trực tiếp dẫn khách và thu mỗi khách 70 nghìn đồng/ tour. Lộ trình, cách thức hướng dẫn cũng giống y hệt các bạn hoạt động trong đội hướng dẫn viên địa phương”.

Kể từ đó, nhiều năm qua, người dân trên đảo và du khách quốc tế gần như quen thuộc hình ảnh Công với đôi chân di chuyển không biết mệt mỏi. Cô lượn quanh các con đường ngoằn ngoèo trên đảo như cơm bữa để hướng dẫn cho các ông Tây, bà Tây.

Du khách tham quan Cù Lao Chàm.

Không những tâm huyết với công việc hướng dẫn viên, cô gái này còn năng nổ trong việc hưởng ứng và tham gia hành động xây dựng Cù Lao Chàm không túi ni lông, hạn chế rác thải nhựa và các hoạt động bảo vệ môi trường khác…

Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban Quản lí Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết: “Xuất phát từ ý tưởng sử dụng nguồn lao động địa phương làm nòng cốt phát triển du lịch Cù Lao Chàm, đầu năm 2013, đơn vị chúng tôi đã mở lớp đào tạo thuyết minh viên cho 30 bạn trẻ. Sau một tháng tham gia khóa học và được giáo viên đào tạo những kĩ năng hướng dẫn căn bản, các bạn nhận giấy chứng chỉ hành nghề. Những năm gần đây, đội ngũ này cùng với văn phòng hướng dẫn tham quan của Công đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến Cù Lao Chàm”.

Bài: An Vĩnh

Ảnh: Nguyễn Thanh

Bài cuối: Hành trình “nói không” với túi ni lông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục