Cù Lao ký sự – Bài 2: Cánh yến Cù Lao, cua đá Cù Lao

Hỏi về sản vật ở Cù Lao Chàm, sẽ có một danh sách dài được liệt kê, bởi nơi này được thiên nhiên ưu ái nhiều. Nhưng nếu cần phải chọn những gì tinh túy nhất, thì câu trả lời sẽ là: yến và cua đá.

Đội khai thác thu gom tổ yến vào mùa thu hoạch.

Đi tìm nguồn cội nghề yến

Như thường lệ, khi đi tìm một nguồn gốc hay đại loại thế, người ta thường quẩn quanh với hai câu hỏi, và với nghề yến ở Cù Lao Chàm, điều đó cũng không ngoại lệ: Ai người phát hiện ra yến ở đây và yến được khai thác từ khi nào?

Để có được câu trả lời tương đối đủ đầy cho hai câu hỏi đó, chúng tôi tìm về bãi Hương, nơi có miếu tổ nghề yến Cù Lao Chàm. Ở đó, chúng tôi gặp được ông Dân “yến”, người có nước da đen nhẻm, râu tóc bạc phơ. Ông hay ngồi trên mấy tảng đá vì để “được nhìn thấy chim yến bay ra bay vào ở hang Dò Dò”.

“Nghe nói đâu hồi thế kỷ 17, có ông Hồ Duy Hòa, là một ngư dân ở xã Cẩm Thanh, khi đi biển thì gặp nạn tại Cù Lao Chàm. Thuyền ông bị sóng đánh tan tác, ông bị trôi vào một hang đá. Tại đây, ông thấy chim yến bay nhiều. Đang lúc đói khát, ông bèn lấy tổ yến ăn để… cầm hơi trong lúc cầu cứu bạn biển ứng cứu. Sau khi được cứu, ông Hòa kể lại chuyện ăn tổ yến cho hàng xóm nghe. Từ đó, mới bắt đầu có người tìm cách khai thác và sử dụng tổ yến cho đến bây giờ.” – ông Dân kể.

Qua khâu chế biến, đóng gói, yến sào Cù Lao Chàm được bày bán ở nhiều cửa hàng trong phố cổ Hội An.

“Vậy, chú gắn bó với nghề khai thác tổ yến từ khi nào?” – tôi hỏi. Ông Dân “yến” đáp: “Nhớ mang máng là từ lúc 7 tuổi, tôi theo cha đi lấy tổ yến ở các hang cả, hang Dò Dò và hang Trăng. Nhờ vậy, mà vài năm sau, tôi nắm rất rõ chu kỳ sinh sản, phát triển của chim yến”.

Theo ông Dân “yến”, cứ đầu tháng 12 Âm lịch là chim yến rủ nhau về hang để làm tổ. Những khi ấy, tiếng chim yến kêu vang rền, tầm 5 phút sau là im ắng, đó là quãng thời gian chim yến tiết nước bọt để xây tổ. Đôi khi, có chim yến khạc ra máu và chết, tổ yến ấy gọi là “yến huyết”. Theo thống kê, cứ mỗi một triệu tổ yến, thì có khoảng 100 tổ yến huyết.

“Khoảng 60 năm trước, yến trên đảo nhiều vô số kể nên các doanh nghiệp đấu thầu khai thác thường xuyên, cứ đều đặn 2 tháng sẽ thu hoạch yến một lần” – ông Dân nhớ lại. Thời điểm đó, dân Cù Lao Chàm chưa biết chế biến yến, chỉ đơn thuần là… luộc ăn nên thấy nhạt và chê dở. Vậy mà giờ đây, yến đã có giá vài ngàn đô mỗi kilogam.

Theo thống kê của Đội khai thác yến Cù Lao Chàm, mỗi năm, đơn vị thu hoạch khoảng 1000 kg yến và doanh thu từ yến mang lại dao động từ 60 đến 70 tỉ đồng. Hiện nay, yến quang vẫn là loại đắt nhất so với các loại còn lại như: thiên, bài, địa… Giá của một ký yến quang có thể lên đến 140 triệu đồng.

Cua đá: có tiền chưa chắc mua được

Trên con đường làm du lịch theo hướng bền vững, những gì ở Cù Lao Chàm dường như đang được “hóa vàng” bởi cách làm thận trọng vì mục tiêu dài. Một trong số đó là cua đá, vốn chỉ là loài để “ăn cho vui”, nay nhiều khi được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi kilogam.

Khoảng 5, 6 năm trước, Cù Lao Chàm phác thảo và thực hiện đề án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ khai thác bền vững cua đá” do Hội Nông dân xã Tân Hiệp phối hợp với UBND TP.Hội An triển khai.

Cua đá được kiểm định, dán nhãn sinh thái trước khi bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn An – Bí thư xã đảo Tân Hiệp, cho biết theo đề án này, cua đá không bị khai thác một cách ồ ạt mà có sự kiểm soát về mặt thời gian, không gian và kích cỡ.

Còn tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – cán bộ Ban Quản lí khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với vai trò chủ nhiệm đề án, cho biết loài cua đá tím có tên khoa học Gecarcoidea lalandii. Hơn 10 năm trời gắn bó với Cù Lao Chàm, tiến sĩ Trinh biết rất rõ cộng đồng cư dân xã đảo cần làm gì để bảo tồn loài vật “đệ nhất” về giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng này trước nguy cơ bị khai thác tận diệt.

“Từ khi tiếp nhận sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) phục vụ cho triển khai đề án, chúng tôi đã có một loạt quy định bắt buộc đối với nghề khai thác cua đá: điều chỉnh thời gian khai thác, chỉ bắt cua đá trưởng thành, chiều ngang mai cua không được nhỏ hơn 7cm, chỉ khai thác từ tháng 4 đến tháng 7,…” – tiến sĩ Trinh cho biết.

Việc dán nhãn sinh thái giúp khâu kiểm soát khai thác cua đá đúng kích cỡ quy định được thực hiện tốt hơn.

Tiến sĩ Trinh giải thích, sở dĩ chỉ khai thác cua đá từ tháng 4 đến tháng 7, vì sau khoảng thời gian này, cua đá sẽ bước vào giai đoạn sinh sản và phát triển nên cấm săn bắt, mua bán. Nhờ vậy, mới bảo tồn và tránh được nguy cơ tận diệt với loài cua mang lại giá trị kinh tế này.

Với cua đá sau khi khai thác, sẽ có tổ kiểm tra về kích thước, nếu đủ chuẩn thì sẽ dán tem và được phép bán ra thị trường, còn chưa đủ kích thước thì người bắt phải thả cua về lại với tự nhiên. Chị Trần Thị Kim Thùy – cán bộ môi trường xã, cho biết: “Từ năm 2013, cua đá chính thức được dán nhãn sinh thái. Những con cua đủ tiêu chuẩn theo quy định thì mới cho phép bán ra thị trường, còn không sẽ được trả về núi. Vừa qua, chính quyền địa phương lập thêm một đề án. Theo đó, các thành viên trong tổ khai thác sẽ không được phép săn bắt cua đá ở Hòn Dài đến thời điểm tháng 9/2019 nhằm tạo điều kiện sinh sôi, phát triển cho cua đá”.

Còn ông Trần Công – tổ trưởng Tổ khai thác và bảo vệ cua đá, cho biết tổ có 38 người và hoàn toàn đồng tình trước chủ trương của chính quyền địa phương. Từ ngày đi vào khai thác quy chuẩn, mặc dù sản lượng khai thác giảm rõ rệt nhưng giá cua đá lại tăng lên đáng kể.

“Ngày trước khi chưa vào tổ chức, giá cua đá chúng tôi bán ra dao động 200 – 300 nghìn đồng/kg, bây giờ giá một ký cua đá đã lên đến 1 triệu đồng. Vào mùa, tổ khai thác tầm 1000 đến 1200 con/tháng”, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều” – ông Công chia sẻ.

Bài: An Vĩnh

Ảnh: Nguyễn Thanh

Bài 3: Người Cù Lao Chàm làm hướng dẫn viên du lịch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục