Cù Lao ký sự

Lịch sử không oai hùng như hai đảo lớn Hoàng Sa – Trường Sa, cũng chẳng thể so bì với sự trù phú của đảo “láng giềng” Lý Sơn, thế nhưng người dân ở Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) vẫn biết cách khoác lên cho hòn đảo bé nhỏ của mình “tấm áo” hút hồn bao lữ khách. Đó là những câu chuyện văn hóa, du lịch mà netquang.vn nhặt nhạnh từng chút một để tập hợp, phác họa nên bức tranh sống động về hòn đảo chứa đựng vô vàn điều kì thú này.

Bài 1: Về hòn Lao, nghe chuyện khai hoang

Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo, duy chỉ hòn Lao có dân sinh sống. Tự những ngày xưa cũ, họ đã cùng nhau vun vén để tạo nên một thương hiệu du lịch hàng đầu miền Trung. Rong ruổi đến vào một ngày hè, lắng nghe chuyện khai hoang, mở cõi vùng đảo này, mà thương sóng nước xanh trong.

Ký ức ngày di dân

Những dấu tích còn sót lại của văn hóa Sa Huỳnh, những con tàu đắm, giếng cổ niên đại 400 năm của người Chăm,… không chỉ đơn thuần là những liệt kê; mà ngầm thông báo rằng, dù Cù Lao Chàm nằm tách biệt so với phần lớn của Hội An, nhưng không thể nào tách rời những lớp trầm tích văn hóa, lịch sử với phố cổ được.

Sự sống ở Cù Lao Chàm, theo sử sách, là có từ khoảng 400 năm trước. Nhưng về đây, lắng nghe những câu chuyện cũ, mới nhận ra rằng, cuộc di dân của khoảng 50 năm trước, mới như là dấu mốc lịch sử về chuyện khai hoang, mở cõi hòn Lao.

“Mặt tiền” Cù Lao Chàm

Dưới chân dốc cao dựng đứng dẫn vào thôn Cấm, một nhóm người cao tuổi đang say sưa nhắc nhớ về những ngày đầu di dân ra đảo. Liền sau đó là vô số mẩu chuyện nhỏ liên hồi xoay quanh cột mốc thời gian Mậu Thân (1968). Trong số ấy, ông Huỳnh Thêm, là người có vẻ còn nhớ rõ ràng những câu chuyện này. Và bằng giọng điệu kiểu người miền biển “ăn sóng nói gió”, ký ức ngày di dân như hiện về ngay trước mặt.

“Hình như lúc nớ là 3g sáng ngày 12/9/1968, địch mở cuộc càn quét vào căn cứ cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh. Khi đó, tôi đang tham gia hoạt động du kích địa phương nhưng vì… lấn cấn vợ và ba đứa con nheo nhóc nên phải dắt díu nhau rời làng tìm nơi ẩn náu.

Nghe bà con ngư dân trong đất liền hồi đó nói với nhau ở Cù Lao Chàm không có chiến tranh, nên tôi đã tìm cách bắt thuyền đưa bốn mẹ con ra đây lánh nạn, sau đó tôi quay trở lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Cho tới ngày đất nước thống nhất, tôi mới ra đảo đoàn tụ với gia đình và cư ngụ cho tới ngày hôm nay” – ông Thêm nhớ lại.

Một góc khang trang của Cù Lao Chàm.

Đêm ấy, hơn 100 gia đình, chủ yếu là người già và trẻ con, đã vượt mưa gió bão bùng, biển động để tìm đến Cù Lao Chàm. Những người đó, đa phần là ở vùng Đông của Quảng Nam. Khi đặt chân tới Cù Lao Chàm, họ ý thức rằng mình sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, ở nơi thôi cái cảnh thấp thỏm âu lo vì tiếng bom mìn.

Khi giọng ông Thêm vừa dứt, thì ông Nguyễn Từ tiếp tục: “Thời điểm trước năm 1968, đã có một số người di cư bất đắc dĩ đến đảo để sinh sống. Họ chủ yếu là các ngư dân phương xa vì sa cơ lỡ vận, chẳng may gặp nạn khi biển dậy sóng to, thuyền cá bị đánh tan tác. Thế nhưng, họ chỉ trụ lại đôi ba tháng, nhiều lắm một năm thì về lại đất liền”.

Cũng theo ông Từ, sau này, khi hàng trăm cụ già, trẻ con cùng kéo ra đây vào năm Mậu Thân, thì đảo mới bắt đầu đông đúc người sống. Còn trước đó, cả đảo chỉ có đúng 30 căn nhà tạm bợ, rải rác tựa lưng vào núi.

Phá đá mở đường

Sau sự kiện 30/4/1975, điều phần lớn những người di-dân-bất-đắc-dĩ nghĩ đến, là trở về quê cũ. Thế nhưng, với đại đa số những “cư dân” Cù Lao Chàm, thì gần như không. Họ vẫn ở lại với cái sóng gió, cái nắng gắt và cả vị biển mặn nơi này.

“Biển đảo đã nuôi chúng tôi suốt những năm tháng khó khăn nhất, nên thành tra, theo thời gian với những gian khổ đi qua, chúng tôi nhận ra rằng Cù Lào Chàm chẳng khác gì nơi mình đã sinh ra” – ông Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ. Cũng theo ông Lộc, trước đó, ba mẹ ông đã đưa hết 4 anh em ông ra đây lánh nạn.

Đường sá trên đảo được cơi nới, bê tông hóa từ con đường mang tên Quyết Thắng năm 1980.

Nhắc đến câu chuyện khai hoang, mở cõi Hòn Lao, tất nhiên không thể không liệt kê khoảng thời gian đầu thập niên 80 của thế kỉ 20. Những khối núi đá to tướng ngự trị Hòn Lao thời bấy giờ như vật cản hữu hình nằm án ngữ khắp bề mặt đất. Cây cỏ dại mọc um tùm không thấy lối đi.

Năm 1980, trên chuyến tàu vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo, không ít bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn đi tiên phong mở đường giúp dân ngoài đảo. Từ đó, núi cứng bỗng hóa mềm, cây dại chẳng mấy chốc được phát quang, cát biển trắng xóa ở hòn Lao cũng được bồi đắp bằng đất thịt. Bà con Cù Lao Chàm hân hoan vì con đường lịch sử mang tên Quyết Thắng nối liền 4 thôn: Cấm, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương chẳng khác nào cánh cửa mở toang bầu trời tươi sáng.

Cù Lao Chàm nhộn nhịp du khach.

Trong buổi đầu khai hoang, mở cõi ấy, có không ít đôi trẻ đã nên duyên chồng vợ, để rồi thắt chặt tình yêu ở chính hòn đảo yên bình này. Bà Huỳnh Thị Tám đã “dệt” nghĩa phu thê với một người đàn ông mang gốc gác ở đảo cũng từ hành trình tình nguyện phá đá mở đường Quyết Thắng.

“Ròng rã ba năm trời dời non, lấp hố, cuối cùng con đường giao thông kéo dài ngoằn ngoèo cả chục cây số đầu tiên trên đảo cũng hoàn thành. Tôi tham gia lao động tình nguyện 2 năm, trong khoảng thời gian này, tôi quen và đem lòng thương một người con xứ đảo. Thế rồi, chúng tôi đi đến hôn nhân và tôi theo chồng hành nghề cá cho tới hôm nay. Giờ nếu ai có hỏi quê tôi ở đâu?, tôi cũng chẳng do dự mà thưa rằng tôi là người con đất đảo Cù Lao Chàm”- bà Tám kể.

Bản đồ phương Tây thường ghi Cù Lao Chàm với tên Champello. Ngoài hòn Lao, quần đảo Cù Lao Chàm còn 7 hòn đảo nhỏ khác gồm: hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và Hòn Ông.

Ngày 28/7/1978, thôn Tân Hiệp chính thức được tách ra từ phường Cẩm An và trở thành xã đảo Tân Hiệp. Hiện toàn xã có gần 600 hộ dân với tổng cộng 3.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu dựa vào nghề biển kết hợp làm du lịch.

Bài: An Vĩnh

Ảnh: Nguyễn Thanh

Bài 2: Cánh yến cù Lao, cua đá cù Lao

Cùng chuyên mục