Cụ Hương Ba và những ngôi mộ vô chủ

Ban đầu chỉ một vài, giờ có đến 350 ngôi mộ được xây xi măng nằm trong một khuôn viên thoáng đãng. Tất cả từng xiêu mồ lạc nấm trước khi một chức sắc trong làng là cụ Hương Ba đứng ra kêu gọi mọi người trong làng làm việc nhân nghĩa.

Anh Lê Văn Định bên Văn bia âm linh lưu niệm công trình tâm linh của xóm và công đức của cụ Hương Ba. Ảnh: V.P.Q

Cụ Hương Ba tên thật là Phan Công Hạnh, người làng Phú Sơn, nay là thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Dân làng gọi một cách nể trọng như thế, bởi cụ từng là thành viên Hội đồng hương chánh của làng.

Ông Trần Lê Toán, 86 tuổi, một trong những bậc cao niên thôn Phú Sơn Nam, kể rằng, hàng trăm năm trước, từ Pháp thuộc nơi này đã có có một số ngôi mộ xiêu mồ lạc nấm, từ vô chủ mà trở nên vô tự, quanh năm suốt tháng không ai hương khói. Cụ Hương Ba là chức sắc coi ngó việc làng, mỗi khi nhìn những ngôi mộ xiêu vẹo bên đường, cụ không cam lòng. Không ai biết được, trong số mộ đó có thể có những người từ ban đầu đến đây góp công khai phá đất đai, tạo dựng xóm làng; có những chiến sĩ qua các thời kỳ nằm lại không thân nhân; những người từ các nơi xa xôi phiêu bạt đến và chẳng may qua đời vì cơn gió trận mưa hay vì bạo bệnh bất ngờ đổ xuống…

Khoảng năm 1948, cụ Hương Ba bỏ tiền ra kêu gọi dân làng quy tập các ngôi mộ vô chủ về một chỗ tại xứ đất Lồi Ý Thượng và lập miếu Âm linh thờ cúng để các vong hồn ấy có nơi nương tựa theo quan niệm tâm linh dân gian.

Những năm 60 thế kỷ trước, khi chiến tranh đang hồi ác liệt, Mỹ cho cày trắng cả vùng. Cụ Hương Ba kêu gọi bà con chuyển gần 100 mộ ở xứ đất Lồi Ý Thượng qua vị trí xứ Gò Bá (trong văn cúng xưa truyền lại, gọi là Gò Bá xứ), nay thuộc thôn Phú Sơn Nam và dựng lại ngôi miếu nhỏ để bà con có chỗ hương khói. Sau ngày hòa bình được lập lại, chương trình quy hoạch đất đai, san ủi mặt bằng đã phát hiện thêm một số mộ vô chủ ở các thôn lân cận. Sẵn có miếu Âm linh của Phú Sơn Nam, tất cả các mộ không thân nhân này đều được đưa về đây.

Đến khi xây dựng nông thôn mới, đường nông thôn được mở rộng, phát quang bụi rậm lại lộ ra thêm một số mộ vô chủ nữa. Có mộ còn tấm bia chữ Hán (bà con quen gọi là chữ Ta). Có mộ không còn nấm, khi cày ủi mới lộ ra hài cốt bên dưới… Tất cả đều được ban nghi lễ xóm cụm 2 thôn Phú Sơn Nam đưa về khu Âm linh xứ Gò Bá. Nay đã lên 350 mộ.

Cũng theo lời các cụ cao niên trong xóm, ngày trước làng xã có trí riêng 3,7 mẫu ruộng để thu hoa lợi trang trải các khoản hương khói, cúng kiếng ở miếu Âm linh. Mỗi năm có 3 lễ theo âm lịch: 25 tháng Chạp tu tảo phần mộ vô chủ, gọi là Chạp mả làng; 25 tháng Giêng vía Bà Thiên Y Ana, Mẹ xứ sở cai quản đất đai, có miếu thờ bên cạnh miếu Âm linh; 15 tháng 7 cúng cô hồn.

Trưởng xóm hiện nay là anh Lê Văn Định, tiếp nối công việc của những người tiền nhiệm. Anh cho biết, giờ thì đất ruộng hoa lợi xưa không còn nữa, tiền lo lễ hằng năm do bà con trong xóm tự nguyện đóng góp một lần duy nhất vào 25 tháng Chạp cho 3 lễ trong năm. Cả xóm hiện có 4 tổ dân cư với gần 170 hộ, bán cán sự xóm chỉ nhận tiền lễ của những người đã có nhà riêng (cha và con sống chung một nhà thì chỉ nhận 1 suất). Lễ phẩm bông ba trà quả, rượu, trầu cau, chè xôi… Riêng 25 tháng Chạp các nhà mạnh thường quân còn cúng thêm một con heo quay.

Cụ Toán bấm tay, nhẩm tính cụ Hương Ba giờ nếu còn sống cũng đã ngót nghét 110 tuổi. Năm 1979, cụ cho xây lại miếu Âm linh, bên phải là miếu Bà Thiên Y Ana, bên trái là miếu Cửu thiên Huyền nữ và miếu Thần Nông. Tất cả nhìn ra khu mộ vô chủ.

Ban cán sự xóm hiện nay tiếp tục làm theo “lệ làng” đã có gần trăm năm từ thời cụ Hương Ba. Trong xóm nhà nào có người qua đời, thân nhân đến thưa với tộc họ, tộc họ bảo gia đình đến thưa với xóm, báo với chính quyền. Xóm cử người đến cúng Thành hoàng Bổn cảnh để báo có người qua đời, làm lễ Nhập án (liệm), lễ Cáo đạo lộ (xin đường).

Tộc họ cử người trực đánh chiêng, trống. Trường hợp tộc họ ở xa nếu có lời nhờ thì xóm sẽ cắt cử người lo thay và hoàn toàn không tính công xá. Như vừa rồi, anh Định kể, trong xóm có người tộc Huỳnh mất, tộc họ ở Hòa Phước khá xa nên nhờ xóm làm luôn. Xong đám, gia đình có gửi phong bì tạ ơn, xóm vẫn nhận nhưng gửi lại, gọi là thắp hương người đã khuất.

Nhờ tiếp tục bảo lưu những chuyện nhân nghĩa đã có từ thời cụ Hương Ba nên khi xóm kêu gọi việc gì cho làng cho xóm là bà con đều hoan hỉ hưởng ứng, ai không tiền thì đóng góp ngày công. Đầu năm 2018, bà con trong xóm góp của, góp công làm mới lại 350 ngôi mộ vô chủ trên phần khu đất gần 2.000m2 tại khu vực xứ Gò Bá.

Khi xây mới lại 350 mộ và trùng tu các miếu do cụ Hương Ba tạo dựng từ năm 1979, xóm có rước 2 người thợ kép từ Quế Sơn xuống vẽ tranh thờ trong các miếu, nghe chuyện xưa, chuyện nay về các mộ vô chủ, họ quá cảm kích mà rằng: “Tụi tui đi làm nhà thờ cũng nhiều chỗ rồi mà chưa thấy chỗ mô tôn kính người khuất mày khuất mặt như chỗ ni. Vì rứa, xin mấy anh cho tụi tui góp chút lòng thành tâm với người đã khuất”. Nói rồi, họ vui vẻ uống chén nước cảm ơn của xóm rồi ra về, hết một ngày công nhưng không lấy một đồng nào cả!

Trước đường vào khu mộ quanh co, hai bên cây cối um tùm chỉ đủ lọt chiếc xe bò. Nay bà con hiến đất để mở đường rộng 5m thẳng như kéo chỉ, ai vào miếu thắp cây hương cũng không lo sợ nữa. Một con dân trong làng xin xóm cho mình cúng một tấm bia ghi dấu tích miếu Âm linh để mọi người biết rõ hơn về công trình tâm linh của xóm và công đức của cụ Hương Ba.

Có lẽ trên đất Đà Nẵng nói chung, Hòa Vang nói riêng, không đâu có một công trình “cấp xóm” đầy nhân văn như thế. Tấm lòng của vị hương chức làng Phú Sơn năm nào đã lưu lại đạo nghĩa nghìn đời trong mạch nguồn văn hóa tâm linh từ các thế hệ đi trước và lưu dấu ấn tình làng nghĩa xóm vào các thế hệ mai hậu.

Văn Thành Lê

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/nguoi-da-nang/202006/cu-huong-ba-va-nhung-ngoi-mo-vo-chu-3435855/

Cùng chuyên mục