Cột ăng-ten về trời: nhớ một thời xoay trở tìm hạnh phúc

Vậy là, cột ăng-ten trời đã chính thức về trời, từ đầu tháng 7 này, chấm dứt hoàn toàn sứ mệnh từng có thời không thể thiếu được trong mọi căn nhà Việt.

Sự chấm dứt của truyền hình analog đã kết thúc vĩnh viễn vai trò của cột ăng-ten trời. Thuở mà, nói một cách hài hước, mỗi gia đình Việt trung lưu, ai cũng có cơ bản một… cây tre. Nhiều nơi dùng cột bằng sắt, nhưng tính ra cột ăng-ten làm bằng tre hoặc tầm vông vẫn hữu hiệu, hợp lý hơn cả. Vì nó rẻ, khá bền, nhẹ, dễ di chuyển và xoay trở, phù hợp với chuyện thường xuyên phải cân chỉnh mỗi khi “trái gió trở trời”.

Thuở nhà nhà đều có ăng-ten trời

Gọi là ăng-ten trời để phân biệt với cây ăng-ten râu thường được gắn trực tiếp vào những chiếc ti-vi màn hình cong thuở ấy.

cot-ang-ten-ve-troi
Những hình ảnh quen thuộc một thời trên các nóc nhà người Việt. Hình chụp ở huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Nhà tôi lúc ấy có căn gác phía sau. Nó trở thành lợi thế khi dựng cột ăng-ten. Bức tường nhô cao của căn gác trở thành địa điểm đặt để lý tưởng của cột ăng-ten tre. Lúc ấy, thấy mẹ tôi nhất định phải đặt cột ăng-ten cạnh cửa sổ, tôi nghĩ bà đặt cạnh đó để có gì thò tay ra chỉnh cho tiện. Tới những hôm trời gió, những lúc ti-vi lạc mất tín hiệu, hình ảnh bị sọc dưa, hột mè hột é loạn xạ, tôi mới biết lý do. Là để cho thằng con trai như tôi leo ra ngoài mái tôn cạnh bức tường gác mà tay xoay cái cột tre, mắt ngước nhìn cần ăng-ten rồi nói như hét vào cửa sổ cho cô em gái ở dưới chân cầu thang nghe: rõ nét chưa. Nó sẽ quay mặt hét lên nhà trên y chang, kèm thêm chữ mẹ. Rồi khi nghe mẹ tôi nói: chưa rõ, xít qua trái một chút đi. Nó sẽ ngửa cổ hét lại với tôi y chang thông tin đó. Tôi sẽ xoay tới xoay lui theo sự chỉ đạo nối tiếp như thế. Thường là việc cân chỉnh này không bao giờ có kết quả chỉ trong lần đầu tiên. Nhiều khi, rất nhiều lần “qua trái, qua phải, thêm chút nữa” mới dịch chuyển đúng hướng ăng-ten, ti-vi mới bắt sóng rõ.

Những ai ở vùng đất thời tiết khắc nghiệt, nhiều mưa lắm gió ưa bão như miền Trung sẽ rất “thấm thía” chuyện này. Cứ sau những cơn bão, áp thấp nhiệt đới, một trong những việc đầu tiên phải làm ngay đó là mở tivi lên để thực hiện “nghệ thuật cân chỉnh ăng-ten”. Gọi là “nghệ thuật” cũng không có gì quá. Vì các thành viên tham gia “tổ nắn chỉnh ăng-ten” phải thực sự hiểu ý nhau để phối hợp cho đúng, đỡ mất thời gian và đỡ… đổ quạu. Chuyện qua trái qua phải, nhích tới nhích lui một chút nhất định phải được truyền đến tai nhau đúng, chính xác để phối hợp thực hiện cho khớp thì sau đó tín hiệu ăng-ten truyền cho ti-vi  mới tốt. Nên việc này đôi khi cũng là phép thử cho sự gắn kết và hiểu ý nhau của nhiều thành viên trong gia đình.

Gió miền Trung lắm lúc như muốn chơi khăm. Nhiều khi chỉnh rõ ràng rồi, vừa leo xuống khỏi nóc nhà, gió lại đẩy nhẹ cần ăng-ten đi chỗ khác, làm ti-vi rớt tín hiệu, tiếp tục nhòe rồi nhảy hình liên tục. Hoặc nhiều khi đang hồi hộp cả nhà xúm xít xem phim Mai-ka từ trên trời rơi xuống thì bỗng cô gái ấy biến mất khỏi màn hình, chỉ thấy hột mè đầy ứ và âm thanh chỉ là những thứ không định nghĩa được, hiểu ngay là trên mái nhà, cột ăng-ten yêu quý đã được gió đùa nhẹ đong đưa cái cần chệch hướng một xíu rồi!

cot-ang-ten-ve-troi
Ảnh chụp một khách sạn bên sông Tiền, với những cây ăng-ten, cách đây 10 năm.

Khi dựng cột ăng-ten trời cũng phải lưu ý chuyện này, buộc chặt quá cột sẽ không thể xoay được khi cần, nếu lỏng thì ăng-ten dễ ngã, nghiêng và nhất là cái cần ăng-ten dễ xoay bất tử theo hướng gió đẩy đưa. Lý tưởng là đạt vừa đủ hai yêu cầu trên, khi cần chỉ việc nới một chút dây cột là được. Cột ăng-ten bằng tre rất hợp lý cho nhu cầu này. Lỡ có đổ ngã cũng đỡ gây tổn thương tổn thất hơn. Ngộ nhỡ những khi không có đàn ông trong nhà, phụ nữ, trẻ con cũng có thể xoay được. Nhược điểm lớn nhất của nó là phải thay khi hư mục, nhưng chuyện này cũng lâu lắm, và vì là tre, nên rất dễ đu đưa cái ngọn!

Nhà nào cũng có ăng-ten nhưng không có quy chuẩn cụ thể nào cho độ dài cây ăng-ten, chỉ cần cao là được. Ăng-ten càng cao càng dễ bắt tín hiệu tốt rõ của nhà đài, ngoài những yếu tố khác như vùng đồng bằng trống, ít bị nhà cao tầng, núi đồi che khuất. Nên có khi hàng xóm ganh nhau vì ăng-ten ai cao hơn. Nhà nào có lầu là lợi thế. Những năm 80 đầu 90, xứ Việt mình chưa có nhiều nhà cao tầng, nhà cấp bốn vẫn rất phổ biến nên ai có nhà lầu một tầng, hay cá biệt được hai tầng, thì tha hồ vênh mặt với lối xóm khi cao độ của cột ăng-ten bỗng dưng được cộng thêm khoảng từ bốn đến cả chục mét.

Và niềm hạnh phúc khi nhìn tỏ mặt… màn hình

Cái thời mọi phương tiện giải trí đều thiếu thốn, chiếc ti-vi là phương tiện giải trí chủ  yếu, nhiều khi là duy nhất của nhiều gia đình, thì việc được xem đầy đủ một bộ phim, một vở kịch hay một chương trình ca nhạc phát trên sóng truyền hình, đã là niềm vui lớn. Niềm vui ấy là một  hạnh phúc khi ngồi xem suốt buổi không bị gián đoạn hoặc hình ảnh xấu đi vì tín hiệu. Có những lúc ông nói gà bà hiểu vịt, chồng nhăn nhó vợ, anh càm ràm em vì cả hai cùng loay hoay chỉnh ăng-ten suốt, trễ giờ xem trận bóng đá hay bộ phim truyền hình yêu thích đang được phát sóng. Niềm vui ấy là được xem nhiều đài mà đài nào cũng rõ (nhiều ở đây chỉ 5 – 7 đài trở lại và với cột ăng-ten trời, không phải cùng lúc xem đài nào cũng rõ).

Nhiều người có máu hài hước ví von, niềm hạnh phúc khi nhìn tỏ mặt cái màn hình không kém khi được nhìn thấy mặt người thương.

Nếu bạn đang ngồi thoải mái trước các màn hình mà độ nét đã đến mức chuẩn 4K, bấm remote mệt mỏi với cả trăm đài, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên và không hiểu được vì sao từng có thời, độ rõ nét trên ti-vi lại quan trọng và lắm khi khó đạt, khó duy trì và phải phụ thuộc vào cột ăng-ten trời đến như thế.

Truyền hình analog hay còn được biết đến với tên gọi truyền hình tương tự mặt đất đã chính thức ngừng hoạt động trên toàn quốc để đáp ứng tiến độ của đề án số hóa truyền hình. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố việc tắt sóng truyền hình số mặt đất trên cả nước vào ngày 31/12/2020. Việt Nam là một trong số 75 nước trên thế giới sẽ tắt sóng truyền hình mặt đất và là một trong 4 nước trong khu vực ASEAN tắt sóng truyền hình mặt đất trong năm 2020.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tuong-niem-cay-ang-ten-ve-troi-hay-nho-ve-mot-niem-hanh-phuc-da-mat/

Cùng chuyên mục