Công nhân lao động thời hội nhập – Kỳ 1: Khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp (DN) phải áp dụng nhiều công nghệ mới để gia tăng chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu. Điều đó tạo nên áp lực đối với người lao động (LĐ) về nhiều mặt, khi máy móc thay thế con người. Điều này đặt ra bài toán đối với cơ quan chức năng trong việc đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người LĐ để họ không bị đặt qua một bên trong “cuộc chơi” mang tính cạnh tranh gay gắt này.

Trong ngành may mặc, năng suất lao động quyết định phần lớn sự cạnh tranh khi giá thành sản xuất tốt. Ảnh: D.L
Trong ngành may mặc, năng suất lao động quyết định phần lớn sự cạnh tranh khi giá thành sản xuất tốt. Ảnh: D.L

DN muốn sản phẩm chất lượng, gia tăng năng suất LĐ nhằm đảm bảo đơn giá cạnh tranh với đối tác, bắt buộc họ phải đổi mới công nghệ. Nhưng dù công nghệ cao đến đâu cũng không thể thiếu con người – chủ thể sử dụng công nghệ, do đó đòi hỏi người LĐ phải nâng cao trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.

Cộng hưởng với công nghệ

Đối với một DN ngành may mặc, năng suất LĐ luôn là yếu tố quan tâm hàng đầu, và điều này phụ thuộc nhiều điều kiện như tay nghề công nhân, dây chuyền công nghệ sản xuất, loại sản phẩm… Với những dây chuyền sản xuất được thiết kế theo công đoạn, hoạt động của người này ảnh hưởng đến công đoạn của người kế tiếp. Do đó các công đoạn sản xuất phải có sự ăn khớp, liên hệ chặt chẽ với nhau, đồng nghĩa với việc “một người tay nghề yếu có thể ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất”. Đổi mới công nghệ sản xuất và cải thiện tay nghề cho công nhân luôn là bài toán được mỗi DN tính đến nhằm gia tăng năng suất LĐ.

Tại Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (Duy Xuyên), mục tiêu sản xuất đặt ra trong năm sau phải cao hơn năm trước, điều đó yêu cầu năng suất LĐ phải tăng, đồng nghĩa với đó là nguồn thu nhập của người LĐ được cải thiện tương ứng. Ông Kim Byung Tae – Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Sedo Vinako chia sẻ: “Tay nghề của người LĐ cùng với dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa, khi cộng hưởng với nhau sẽ tạo nên năng suất LĐ, tạo dựng thương hiệu cho một DN. Ở đây, chúng tôi dùng giải pháp đẩy mạnh cải tiến các công đoạn sản xuất qua đánh giá thường xuyên của bộ phận kiểm soát chuỗi sản xuất. Bộ phận này có những con người với trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt, là những người giúp công ty kiểm định chất lượng sản xuất tốt hơn. Khi phát hiện những bất cập trong quy trình sản xuất sản phẩm theo dây chuyền, họ sẽ đề xuất giải pháp đến lãnh đạo công ty. Qua đó, chúng tôi cải tiến quy trình bằng cách tăng cường cải tiến máy móc, thiết bị phù hợp”.

Khi máy móc thay thế con người thì nhiều công đoạn sản xuất chỉ cần một người đứng máy điều khiển. Ảnh: D.L
Khi máy móc thay thế con người thì nhiều công đoạn sản xuất chỉ cần một người đứng máy điều khiển. Ảnh: D.L

Ông Kim Byung Tae cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, công ty đào tạo nâng cao tay nghề, khuyến khích người LĐ mạnh dạn đề xuất những ý tưởng cải tiến nhỏ trong từng công đoạn, từng chuyền may. Công ty có hội đồng đánh giá những ý tưởng đó, nếu thấy hợp lý có thể ứng dụng thí điểm, khi thành công hoàn toàn có thể áp dụng đại trà nhằm cải thiện năng suất LĐ. Mỗi năm, công ty dành hơn 1 tỷ đồng đầu tư cải thiện hệ thống máy móc. Đồng thời quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường LĐ trong lành, mát mẻ, đảm bảo sức khỏe cho công nhân bằng cách lắp đặt hệ thống làm mát cho các xưởng sản xuất, lắp đặt máy cách âm giảm tiếng ồn… những điều này giúp cho năng suất gia tăng, sức khỏe người LĐ được đảm bảo.

Không thể thiếu con người

Công nghệ của ngành sản xuất linh kiện điện tử ô tô luôn đổi mới, đòi hỏi DN hoạt động trong lĩnh vực này phải không ngừng vận động theo dòng chảy của thời đại. Hoạt động trong lĩnh vực này, Công ty TNHH Premo Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) hết sức quan tâm đến công nghệ sản xuất cũng như tay nghề người LĐ. Các loại máy móc của công ty đều tự động hóa, nên đòi hỏi thao tác của người LĐ phải chính xác đến độ tuyệt đối. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng cả một đơn hàng. Thiết bị tự động hóa nên ở một số công đoạn khó công ty có thiết bị hỗ trợ để người LĐ dễ làm việc hơn.

Đặc biệt, công ty rất chú trọng đến việc dùng robot ở những khâu yêu cầu độ chính xác cao. Chẳng hạn, nếu bình thường công ty sẽ phải cần đến 8 nhân công để làm các công việc kiểm tra chiều cao thiết bị, điện, hệ thống đoản mạch, cực tính, in nhãn, kiểm tra nhãn, độ phẳng, đóng cuộn. Nhưng nay với loại robot đóng cuộn, chỉ cần một nhân công bấm máy đã có thể thực hiện 8 công đoạn này. Công việc được rút ngắn thời gian, giảm nhân công, gia tăng năng suất LĐ mà lại có sản phẩm đảm bảo chất lượng cho đối tác.

Ông Mouhsin Jazouli – Giám đốc nhà máy của Công ty TNHH Premo Việt Nam cho biết, một nhà máy sản xuất ứng dụng tự động hóa cao tuy không cần nhiều LĐ nhưng rất cần LĐ có trình độ tay nghề cao. Tay nghề của người LĐ ở nhiều lĩnh vực có thể nhà trường không đào tạo được, nên DN sau tuyển dụng phải qua công đoạn đào tạo để có được nhân công tốt và đương nhiên những người không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải.

Tôi khuyến khích người LĐ sáng tạo cải thiện điều kiện làm việc. Và khi họ đề xuất, chúng tôi lắng nghe, tìm giải pháp hiệu quả giúp LĐ làm việc tốt hơn. Tôi cũng đề cao việc cải thiện công nghệ để theo kịp xu thế, nhưng người LĐ là một phần không thể thay thế. Chỉ có thể giảm số LĐ trong một công đoạn sản xuất khi ứng dụng công nghệ nhưng không thể không có con người – chủ thể sử dụng công nghệ” – ông Mouhsin Jazouli nói.

Diễm Lệ

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục