Công nghệ và tôn giáo

Tôn giáo đang ở đâu và sẽ như thế nào trong thời đại 4.0? Đó là một câu hỏi, một thách thức lớn mà các nhà hoạt động tôn giáo nhất định phải quan tâm. Và việc ứng dụng công nghệ vào cơ sở tôn giáo phải chăng là cần thiết để tôn giáo gần gũi hơn với con người?

Nghĩa trang điện tử ở chùa Koukoko-ji (Tokyo, Nhật Bản).
Nghĩa trang điện tử ở chùa Koukoko-ji (Tokyo, Nhật Bản).

Hãy điểm qua một vài ví dụ tại các cơ sở Phật giáo.

Màn hình LCD và nến sạc LED

Tại chùa Bayan Lepas (Penang, Malaysia), nhà chùa không còn phát cho phật tử những mảnh giấy để ghi tên người quá cố và nguyện ước của họ trong các buổi cầu nguyện nữa. Thay vào đó, các màn hình LCD 50 inch được treo ở hai vách của phòng cầu nguyện sẽ hiển thị tên tuổi của người mất và chuyển sang tên người khác sau mỗi 3 giây.

Tên của người quá cố được thiết kế lồng trong hình hoa sen bay về phía lòng bàn tay của Đức Phật, như hàm ý rằng linh hồn của họ được Đức Phật đón nhận, độ trì. Chùa cũng cung cấp cho tín đồ cả nến sạc LED vì nó không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp phòng cháy.

Máy xin xăm

Tại chùa Bà Thiên Hậu (Kualar Lumpur, Malaysia), người muốn xin xăm không phải tốn công lắc lon như trước mà chỉ cần cầm cả bó xăm bao gồm các thẻ xăm nhựa có in số bỏ vào một chiếc lon lớn, ngay lập tức một thẻ xăm sẽ tự động nảy lên. Người xin xăm đến hộc tủ có số xăm tương ứng, mở ra là lấy được giấy giải xăm bao gồm ba thứ tiếng Mã Lai – Hoa – Anh.

Còn ở miếu Văn Võ (Đài Trung, Đài Loan), người xin xăm chỉ cần bỏ xu 10 đài tệ vào khe của tủ kính đặt ở tay phải của pho tượng Khổng Tử, nhạc trỗi lên, “nàng tiên” robot trong tủ đi vào trong, vài giây sau bưng ra khay đựng lá xăm được cuộn tròn và thả ra một khe khác. Người xin xăm cũng có thể lấy xăm bằng cách bấm vào màn hình cảm ứng ở một chiếc máy khác trong điện thờ này.

Nhà sư robot

Tại chùa Long Tuyền (Bắc Kinh, Trung Quốc), nhà sư robot tên Xian’er đã thu hút hàng ngàn lượt phật tử đến tham quan ngôi chùa có tuổi đời trên 500 năm này. Nhà sư chỉ cao 60 cen ti mét, mũm mĩm, ngộ nghĩnh như nhân vật hoạt hình, có thể đọc kinh Phật và trả lời mỗi lần 20 câu hỏi cho những ai viết câu hỏi lên tấm bảng điện tử trước ngực anh ta. Với những câu hỏi ngoài khả năng, Xian’er sẽ nói “Không biết” hoặc “Để tôi hỏi lại sư phụ đã”.

Chùa Kodaiji 400 năm tuổi ở Kyoto đã ra mắt robot android tên Mind Mindar đứng trên bệ cao 195 cen-ti-mét, nặng 60 ki lô gam, được làm bằng silicon và nhôm, mô phỏng hình tượng nữ thần của lòng thương xót Kannon nổi tiếng trong văn hóa Phật giáo Nhật Bản.

Mindar trung tính về giới tính, biết tụng kinh, cúi đầu, đánh trống và rung chuông. Ngoại hình của Mindar được giữ ở mức gần giống như một robot trần trụi, có thể thấy rõ dây nhợ ở phần thân. Một camera được cấy vào mắt trái của Mindar để lấy nét đối tượng, giúp nó linh hoạt hơn trong giao tiếp bằng mắt. Mindar còn có thể trả lời các câu hỏi bằng tiếng Nhật và nhà chùa sẽ chiếu phụ đề tiếng Anh và tiếng Trung lên tường.

Thuyết giảng bằng ánh sáng công nghệ

Trước tình trạng người trẻ tham dự các buổi nói chuyện Phật giáo giảm sút dần, nhà sư Gyosen Asakura, trụ trì chùa Asakura (Fukui, Nhật Bản) đã phát minh ra hoio – công nghệ hợp nhất hình ảnh, kinh điển Phật giáo truyền thống với ánh sáng điện tử rực rỡ, bắt mắt – để thể hiện những hình ảnh về cuộc sống của linh hồn sau khi chết ở cõi Cực Lạc trong các buổi thuyết giảng.

Nghĩa trang kỹ thuật số

Bên cạnh khuôn viên nghĩa trang truyền thống, chùa Koukoko-ji (Tokyo, Nhật Bản) đã thiết lập nghĩa trang kỹ thuật số Ruriden trong một ngôi nhà nhỏ với hơn 2.000 pho tượng pha lê được chiếu sáng bằng đèn LED tông màu xanh lam. Mỗi pho tượng đại diện cho một người đã mất (hoặc sẽ mất). Hài cốt của người quá cố được đặt trong một hộp lưu trữ nằm ngay phía sau bức tượng Phật. Khi thân nhân của người mất quẹt thẻ từ vào hệ thống truy cập của Ruriden, tượng Phật của thân nhân họ sẽ phát ra một ánh sáng màu khác để họ định vị dễ dàng hơn. Nhiều công dân Nhật đã tìm hiểu và đăng ký cho mình “một suất” tại Ruriden.

Các nước châu Á là vậy, còn Việt Nam thì sao?

Hiện nay, kỹ thuật thạch táng tro cốt người chết đã được đưa vào nhiều nhà thờ, chùa ở các thành phố lớn. Ép cốt thạch táng là công nghệ lấy tro cốt người mất từ hũ cốt truyền thống (hình búp sen, tròn, bầu dục…) ra, ép tro cốt đó thành dạng khối rắn chắc như đá granit, sau đó chuyển vào hũ vuông. Hình ảnh và thông tin người mất được khắc chìm vào khối pha lê được gắn ngay bên trên hũ thạch táng. Công nghệ này tạo cảm giác thẩm mỹ, trang nhã, thân thiện, tiết kiệm diện tích cho nhà để cốt, từ đó đáp ứng được nguyện vọng gửi tro cốt ngày càng nhiều của cư dân sống tại các đô thị.

Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo ở Việt Nam và nước ngoài hiện nay đều có trang web riêng hoặc Facebook như một kênh thông tin trực tuyến chính thức. Nhiều trang web được đầu tư công phu, có pháp thoại trực tuyến, tư vấn trực tuyến, thông báo các khóa tu học và vô số kinh, sách tôn giáo của nhiều tác giả trong và ngoài nước, ngôn ngữ đa dạng, bản dịch phong phú dưới nhiều định dạng khác nhau, rất thuận tiện cho người đọc sử dụng.

Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, báo chí ở TPHCM đồng loạt đưa tin về máy xin xăm tự động ở chùa Vạn Phật (quận 5, TPHCM) và cho biết người dân rất hứng thú đến chùa để tìm hiểu và “dùng thử” chiếc máy này. Thật ra, đây chính là mẫu máy đã có ở miếu Văn Võ (Đài Loan) từ trước đó vài năm đã mô tả ở phần trên bài viết.

Vài thông tin như trên cho thấy các cơ sở tôn giáo đã bắt kịp xu hướng của thời đại, mang lại cảm giác hiện đại, tiện ích và gần gũi cho tín đồ. Không chỉ có vậy, việc ứng dụng công nghệ ở cơ sở tôn giáo còn góp phần bảo vệ môi trường. Trước khi sử dụng màn hình LCD và nến LED, chùa Bayan Lepas phải đốt khoảng 1.000 mẩu giấy khổ A4 sau các buổi cầu nguyện.

Tương tự, khi diện tích đất không mở rộng và ngày càng đắt đỏ mà số lượng người mất ngày càng tăng thì nghĩa trang kỹ thuật số là một cách thiết thực để bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên đất. Người thân của người mất cũng không phải mất phí bảo dưỡng mộ và đôi khi trở thành “nạn nhân” của các vấn nạn tại nghĩa trang truyền thống.

Việc sử dụng công nghệ trong tôn giáo cũng là nỗ lực để tương thích với con người hôm nay – vốn đã thân thiết quá mức với điện thoại thông minh, máy tính bảng và vô số vật chất kỹ thuật khác. Khi giới thiệu robot Xian’er vào năm 2015, chùa Long Tuyền tuyên bố rằng họ hy vọng việc sử dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp việc truyền bá Phật giáo thuận lợi hơn. Robot này truyền tải thông điệp: tôn giáo và khoa học không mâu thuẫn, hoàn toàn có thể song hành với nhau. Xian’er còn có tác dụng thu hút một thế hệ trẻ hiểu biết công nghệ cao của Trung Quốc đến với đạo Phật.

Nhưng điều đáng băn khoăn là: tôn giáo vốn coi trọng những triết lý và hành động sâu sắc, tinh tấn từ bản ngã con người. Do đó, nếu chúng ta đến với tôn giáo chỉ vì tò mò và niềm vui thích thụ hưởng những công nghệ mới mẻ thì liệu có quá màu mè và hời hợt?

Trong tác phẩm Đạo Phật ngày nay (phần Hiện đại hóa), Thích Nhất Hạnh cho rằng “Mỗi lần xã hội biến thiên với những cơ cấu sinh hoạt của nó là mỗi lần đạo Phật phải chuyển mình vươn tới những hình thái sinh hoạt mới để thực hiện những nguyên lý linh động của mình. Sau mỗi lần lột xác như thế, đạo Phật biến thành trẻ trung và lấy ngay lại được phong độ và khí lực của thời nguyên thỉ”. Bậc chân sư cũng rất sâu sắc khi nhận định: vấn đề đặt ra cho đạo Phật là vấn đề hiện đại hóa (actualisation) mà không phải là vấn đề tân thời hóa (modernisation).

Ý tưởng của Thích Nhất Hạnh có thể là câu trả lời thỏa đáng cho nỗi băn khoăn có nên ứng dụng công nghệ vào tôn giáo không. Quả vậy, những yếu tố công nghệ hấp dẫn là phương tiện để con người hân hoan hơn khi bước vào ngôi nhà tôn giáo, còn tìm ra những giáo lý kỳ diệu và sâu xa thì muôn đời phụ thuộc vào tự lực của cá nhân.

Diễm Trang
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Cùng chuyên mục