Công nghệ – chìa khóa ngăn chặn đại dịch

Các ứng dụng trên smartphone, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đều chứng minh hiệu quả trong phòng ngừa dịch bệnh.

Cuộc chiến chống đại dịch đòi hỏi phản ứng quyết liệt từ các nhà lãnh đạo và quan chức y tế. Từ Vũ Hán, Covid-19 đã nhanh chóng lan ra toàn cầu, khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa và áp dụng lệnh giới nghiêm. Bên cạnh giúp giãn cách xã hội, công nghệ được đánh giá là yếu tố thúc đẩy quá trình phục hồi.

“Công nghệ kết nối mà chúng ta có ngày nay là vũ khí để chống lại đại dịch”, Alain Labrique, Giám đốc sáng kiến toàn cầu của Đại học Johns Hopkins, nhận xét. “Chúng cũng là công cụ quan trọng để đảm bảo dịch bệnh tiếp theo không có cơ hội trở thành đại dịch“.

Các bác sĩ khuyến cáo, người có triệu chứng như sốt cao, ho khan và khó thở nên đến xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, Tiến sĩ Jonathan Wiesen, nhà sáng lập MediOrbis, cho rằng mô hình khám bệnh truyền thống “đầy rẫy khả năng phơi nhiễm”.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại chỗ hiện nay là mô hình mà tất cả những người nghi nhiễm Covid-19 đều có khả năng truyền bệnh“, ông nói. Thay vào đó, người dân có thể liên lạc với bác sĩ từ xa và mô tả triệu chứng, mà không cần tiếp xúc với người khác.

Công nghệ khám bệnh từ xa giảm nguy cơ lây nhiễm cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Ảnh: The CT Mirror

Tại Singapore, hơn một triệu người và 20% bác sĩ tham gia nền tảng khám bệnh từ xa MaNaDr, do Tiến sĩ Siaw Tung Yen phát triển. Khi Covid-19 bùng phát, các bác sĩ trên MaNaDr sàng lọc bệnh nhân và khuyên họ ở nhà nếu chưa cần sự chăm sóc đặc biệt. Sau đó, những người có triệu chứng phải báo cáo tình trạng sức khỏe từ xa trên ứng dụng mỗi tối. Nếu xác định nhiễm bệnh, bác sĩ lập tức yêu cầu xe cứu thương đưa họ đến bệnh viện.

Theo Tiến sĩ Tung Yen, mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà giúp mọi người thoải mái hơn trong quá trình theo dõi, tránh gây ra tình trạng quá tải ở bệnh viện, căng thẳng cho đội ngũ y tế và hạn chế khả năng lây nhiễm chéo. “Ứng dụng này cho phép chúng tôi chăm sóc, theo dõi và đánh giá sự tiến triển của bệnh nhân từ xa”, ông nói.

Tại Mỹ, các thiết bị và dịch vụ tại nhà cho phép người bệnh đo hàng loạt chỉ số sức khỏe như thân nhiệt, huyết áp, lượng đường trong máu và lưu trữ kết quả lên đám mây. Qua đó, các bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện dấu hiệu bất thường.

Mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa cũng đóng vai trò như một công cụ truyền thông để hàng trăm nghìn người trong một khu vực có thể nhận được những lời khuyên về rủi ro trong cộng đồng và cách tốt nhất bảo vệ bản thân, giúp trấn an tâm lý bệnh nhân và giảm thiểu tình trạng hoảng loạn ở các bệnh viện.

Ngoài ra, dữ liệu mà dịch vụ từ xa thu thập có thể được phân tích để dự báo về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Các trung tâm tư vấn sức khỏe qua điện thoại của công ty Kaiser Permanente đang đóng vai trò như hệ thống cảnh báo về sự gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế. Tiến sĩ Stephen Parodi, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Kaiser Permanente cho biết, công ty dựa trên cảm hứng từ một dự án của Google vài năm trước, khi phát triển thuật toán thống kê người bị cảm cúm qua từ khóa tìm kiếm “flu”.

Kaiser Permanente bắt đầu theo dõi các cuộc gọi liên quan đến Covid-19 của 4,5 triệu người ở California từ tháng 2. “Số lượng cuộc gọi liên quan triệu chứng Covid-19 tăng từ 200 lên 3.500 mỗi ngày – dấu hiệu cho thấy dịch bệnh bắt đầu lan rộng trong cộng đồng“, Parodi nói.

Dựa trên thống kê số cuộc gọi, hệ thống bệnh viện của Kaiser Permanente cân nhắc hoãn một số ca phẫu thuật tùy theo hoàn cảnh địa phương, một phần nhằm đảm bảo đủ máy thở và thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ cũng lùi lịch chụp X-quang tuyến vú định kỳ, xét nghiệm sàng lọc ung thư và chuyển phần lớn cuộc hẹn trực tiếp sang khám bệnh từ xa.

Tạp chí Time nhận định, đại dịch có thể coi là cuộc thử lửa cuối cùng mà công nghệ trực tuyến cần chứng minh giá trị. Dù khái niệm khám bệnh từ xa đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, bảo hiểm sức khỏe Medicare gần đây mới hoàn tiền khám từ xa tương đương khám tại chỗ. Đồng thời, một số bang bắt đầu nới lỏng quy định cho phép bác sĩ điều trị từ xa cho bệnh nhân ở khu vực khác.

Tiến sĩ Wiesen của MediOrbis nhận xét: “Đại dịch lần này là lời kêu gọi dành cho Mỹ và cả thế giới về tầm quan trọng của công nghệ khám bệnh từ xa“. Trong khi đó, Tiến sĩ Parodi dự đoán: “Covid-19 sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta hành nghề y và mô hình hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Sau đại dịch, khám bệnh từ xa sẽ phổ biến hơn“.

Những phát minh công nghệ chưa áp dụng rộng rãi cũng có thể là chìa khóa ngăn chặn Covid-19 và dịch bệnh khác bùng phát trong tương lai. Việc phân tích các dữ liệu sức khỏe, gồm hồ sơ bệnh nhân hoặc lịch sử mua thuốc không kê đơn, cung cấp manh mối quý giá để kiểm soát sự lây lan. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ứng dụng theo dõi sức khỏe trên smartphone giúp nhà nghiên cứu nắm rõ xu hướng tăng thân nhiệt của từng người và cảnh báo về ca nhiễm mới.

Biện pháp kiểm dịch qua smartphone đã được nhiều quốc gia áp dụng. Ảnh: Vox

Biện pháp theo dõi dữ liệu vị trí smartphone vốn gây tranh cãi cũng trở nên hợp lý vì giúp các nhà chức trách phát hiện sớm bệnh nhân Covid-19. Ví dụ, Hàn Quốc xác định những người tiếp xúc với thành viên của nhà thờ Grace River ở Seoul, ổ dịch mới nhất tại nước này, bằng cách định vị smartphone.

Smartphone đặc biệt quan trọng trong công tác kiểm dịch ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng công nghệ kém phát triển. The Labrique của Đại học John Hopkins, Bangladesh đã bổ sung bộ câu hỏi về triệu chứng Covid-19 trong một ứng dụng được tạo ra với mục đích ban đầu là hỗ trợ cho bệnh nhân tiểu đường.

Tất cả dữ liệu thời gian thực như ảnh chụp nhanh về nơi dịch bệnh bùng phát giúp đẩy nhanh quá trình tìm kiếm bệnh nhân tiềm năng. Tuy nhiên, để kiểm soát hoàn toàn sự lây lan, hệ thống y tế cần trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, AI có thể phân tích tình hình bệnh nhân Covid-19 và đề xuất phương án điều trị tốt nhất.

Jvion đang sử dụng AI nghiên cứu dữ liệu gồm lịch sử y tế, lối sống và yếu tố khác như nơi ở và làm việc của 30 triệu bệnh nhân để phát hiện trường hợp có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Công ty cũng hợp tác với một số hệ thống bệnh viện lớn tại Mỹ nhằm thiết lập danh sách người nghi nhiễm và chia sẻ thông tin cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Tuy nhiên, thông tin về sức khỏe vốn có tính chất nhạy cảm nên hiệu quả của biện pháp sử dụng AI kiểm soát ổ dịch phụ thuộc vào khả năng bảo mật dữ liệu. Chỉ khi mọi người yên tâm về quyền riêng tư, hệ thống mới có dữ liệu chất lượng cao để đưa ra dự báo chính xác dựa trên thuật toán.

Việt Anh

Theo VnExpress/ Time

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/so-hoa/cong-nghe-chia-khoa-ngan-chan-dai-dich-4077874.html

Cùng chuyên mục