Cơn mưa xanh trong khu rừng thiền

Tôi thấy mình quả thực may mắn khi đến nước Bỉ vào mùa hoa lan dạ hương trong khu rừng Haalerbos đang bừng nở, đẹp như một cơn mưa xanh rơi ngược từ dưới đất lên. Chỉ có rừng sồi Haalerbos ở nước Bỉ mới sở hữu một quần thể hoa lan dạ hương hoang dại rộng lớn nhường ấy.

Kỳ quan hoa tự nhiên

Nhà báo Kiều Bích Hương đã định cư ở Bỉ gần 10 năm nay, cho biết, lan dạ hương ở khu rừng Haalerbos được người Bỉ coi như một kỳ quan hoa tự nhiên, để cạnh tranh với hoa uất kim hương (hoa tulip) tại Keukenhof của Hà Lan. Người Bỉ nói rằng, hoa uất kim hương xứ Keukenhof là hoa trồng trong công viên, và được bàn tay con người sắp đặt hết, từ việc phối hợp cảnh quan hoa với đài phun nước, con đường lượn quanh co, dòng suối, tác phẩm điêu khắc… trong khi đó, rừng hoa lan dạ hương ở xứ Haal (nơi có khu rừng Haalerbos) nước Bỉ hoàn toàn là tác phẩm của Mẹ Thiên nhiên. Bước vào rừng, ti tỉ đóa hoa lan dạ hương xanh ngát vươn lên từ đất, hoang dại, tự tin, không do bàn tay con người điều khiển, đẹp thanh tao đến lặng người. Tất nhiên, sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhất là so sánh vẻ đẹp của các loài hoa khác nhau, hay so sánh tác phẩm của thiên nhiên với tác phẩm của con người, nhưng nếu có điều kiện, tôi chẳng tội gì mà bỏ qua một trong hai kỳ quan hoa ở cả Keukenhof và Haal.

Tên tiếng Anh của lan dạ hương là hyacinth. Tại khu rừng Haalerbos hàng năm đều tổ chức festival hoa hyacinth rất vui và ý nghĩa. Theo thần thoại Hy Lạp, loài hoa hyacinth sinh ra từ cái chết của vị hoàng tử bé Hyacinth. Hoàng tử Hyacinth là con út của vua xứ Sparta, lúc bấy giờ là một thiếu niên rất đẹp, nên được hai vị thần là Apollo và thần Zephyrus đem lòng yêu. Do Hyacinth nghiêng tình cảm về phía thần Apollo hơn, nên thần gió Zephyrus rất ghen tức và tìm cách trả thù. Nhân lúc thần Apollo và hoàng tử Hyacinth chơi trò ném đĩa đồng, thần gió Zephyrus đã thổi cho chiếc đĩa Apollo ném bay trúng đầu Hyacinth khiến chàng lăn ra chết. Ngay khi chàng chết, một loài hoa có hình chiếc chuông nhỏ đã mọc lên ở đó, có mùi hương rất thơm, đặc biệt thơm về đêm, nên hoa được đặt tên theo tên chàng.

Hoa lan dạ hương di cư tới châu Âu qua đường Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Lebanon vào khoảng năm 1560. Và cũng phải mất thêm hai thế kỷ nữa trôi qua, người dân châu Âu mới nhận ra và biết thưởng thức vẻ quyến rũ của hoa này. Vào thế kỷ thứ 17 và 18, lan dạ hương là một loại hoa độc quyền, chỉ dành cho giới quý tộc giàu có, hoặc những người chơi hoa chuyên nghiệp, những nhà khoa học nghiên cứu về các loài hoa. May mắn thay, ngày nay lan dạ hương không chỉ phát triển rộng rãi hơn, mà còn được cấy ghép, lai giống cho ra loại lan dạ hương trồng làm cảnh trong gia đình với bông hoa tập trung hơn và lớn hơn, nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên, lan dạ hương hoang dã rừng Haalerbos vẫn được trân quý về vẻ đẹp và hương thơm tự nhiên nhất.

Rừng thiền

Có một luật bất thành văn khi vào rừng lan dạ hương hoang dã, đó là bạn phải thật nhẹ nhàng cất bước, thì thầm lời nói, cẩn trọng di chuyển. Bởi hoa rừng đã quen sống trong cảnh tĩnh lặng, trong thế giới thiền tự nhiên, và khi bạn vào đây bạn cũng được chìm đắm trong không gian thiền sâu lắng, để thanh lọc tâm hồn mình.

Hyacinth còn được dân Việt Nam sống tại Bỉ gọi một tên dân dã là hoa chuông xanh. Sở dĩ có tên gọi này là do hình của đóa hoa giống như một chiếc chuông màu xanh nhỏ xíu. Những nhành hoa cong cong treo những chiếc chuông xanh bé nhỏ khiến tôi ngắm mê mải, chụp hình mê mải. Khi đứng lên, tôi ngợp đi trước một cảnh tượng phi thường, từng dải nắng vàng xiên qua lớp lá non trên tán cây rừng mùa Xuân, phủ xuống màn hoa chuông ken nhau dưới đất, tạo thành một bản hòa tấu dịu dàng, đẹp đẽ của hoa và nắng, bản hòa tấu chạy suốt từ chân tôi trên lối đi nhỏ ra xa tít, thành tiếng rung ngân của cái đẹp hoang dã, thầm lặng. Tôi chợt nghĩ, hoa chuông xanh chọn thời điểm này để nở là có lý do của mình, khi lá trên cây cao mới nhú, còn non chưa kịp phủ kín rừng, để nắng Xuân tinh khiết có đủ khoảng trống len xuống gặp hoa, cuộc gặp gỡ run rẩy non nớt, khiến ta cũng muốn nín thở mà chứng kiến.

Người Bỉ nói, khi nào ngửi thấy mùi thơm của lan dạ hương, ấy là khi mùa Xuân đã về. Mùi hương thanh nhã, cùng với sắc hoa tươi tắn vừa kịp bừng lên đã xua hết cái lạnh lẽo của mùa Đông. Toàn bộ khu rừng sồi được ướp trong làn hương thoang thoảng, dìu dịu của lan dạ hương. Ở trong rừng hai tiếng đồng hồ, tôi có cảm giác da tóc mình cũng được ướp trong hương hoa, và người mình cũng lâng lâng tỏa hương dịu nhẹ, ngan ngát. Dừng chân bước, tựa vào một gốc cây hứng nắng, tôi nhắm mắt hít đầy lồng ngực mùi hương, chợt nghĩ rằng con người sống tại một nơi đẹp và trong lành như thế này hoàn toàn có thể đạt tới đỉnh cao thời gian sống của mình.

Từng bước dạo trong rừng, cảnh tượng đổi thay theo nắng, theo địa hình. Có những mảng rừng dày, âm u, những thân cây sồi già thẳng tắp vươn lên trên một màn sương xanh mờ do “cơn mưa” hoa lan dạ hương từ dưới đất rơi ngược lên, chuyển sắc xanh từ đậm tới nhạt dần lên cao, tạo thành một không gian kỳ ảo, thần thoại. Có những khoảng rừng thưa, lá sồi còn non mỏng tới nỗi nắng xuân tinh khôi không chỉ tràn xuống qua khoảng trống, mà nắng còn được lọc qua lá non và chuyển màu vàng xanh, để phủ lên hoa những sắc độ nắng tinh tế nhất. Tôi không biết nắng đang nhuộm màu cho hoa hay hoa đang đổi màu nắng. Nhưng bản hòa tấu miên man của hoa và nắng đã khiến chúng tôi lạc bước trong khu rừng kỳ lạ. Phải quay đi quay lại tìm ba lần giữa các lối đi được phép trong rừng, chúng tôi mới trở về được lối cũ…

Ra khỏi khu rừng tôi không biết làm thế nào để thoát ra khỏi cơn mê này?

Để bảo vệ lan dạ hương trong rừng, bảo vệ cuộc sống hoang dã, tự do của hoa, người Bỉ đã có luật rất nghiêm khắc dành riêng cho khu rừng hoa này. Rừng được phát triển hoàn toàn tự nhiên, con người không được phép có bất kỳ tác động nào vào nơi đây. Kể cả những cây rừng bị ngã do già, hay do sâu bệnh cũng không được mang đi. Thậm chí ngay cả khi cây đổ chắn ngang lối đi hợp pháp được tạo ra cho khách đi bộ cũng là việc bình thường và khách phải leo qua thân cây đổ mà đi. Bạn sẽ được cảnh báo phải cẩn thận khi đi trong rừng bởi có thể gặp nguy hiểm khi cây rừng đổ xuống. Trong trường hợp có gió lớn, bạn tuyệt đối không nên vào rừng để tránh nguy hiểm. Nhà chức trách địa phương sẽ không chịu trách nhiệm về những tai nạn bạn gặp phải trong rừng. Bạn cũng không được phép đi vào giữa đám hoa để chụp ảnh…

Bài & ảnh: Kiều Bích Hậu

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục