Con đường thổ cẩm trên dải Trường Sơn

Trong quá khứ, các dân tộc vùng núi rừng Trường Sơn có sự quan hệ giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau, vùng này nương tựa vào vùng kia để phát triển đời sống, xây dựng bản làng. Bà con các tộc người vùng cao từ lâu đã mở lối thông thương, hình thành “Con đường muối”, “Con đường thổ cẩm” để chăm cho lo cái ăn và cái mặc và bước ra khỏi núi rừng đại ngàn để vươn tới những nơi xa xôi hơn, kết nối, gắn bó với các tộc người láng giềng.

Vải thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi, một sản phẩm được ưa thích của bà con vùng cao Tây Giang. Ảnh: TẤN VỊNH

Các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô ở các tỉnh miền Trung Việt Nam có mối quan hệ thân thiết với những người đồng tộc đang sinh sống tại nước bạn Lào. Người Lào cũng vượt núi sang tận Đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán lâm thổ sản, vải vóc, nhạc cụ như cồng chiêng. Trong quá khứ đã từng hình thành, tồn tại “con đường vải vóc” từ đồng bằng lên vùng núi cao, nơi cư trú của các dân tộc trên dải Trường Sơn và xuyên tận qua Lào. Vải thổ cẩm, đồ trang sức là những sản vật luôn được trao đổi trong nội bộ dân tộc và giữa các dân tộc láng giềng. Vải zèng của dân tộc Tà Ôi đẹp nức tiếng nên bà con Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, Đông Giang rất ưa chuộng. Họ mua hàng thổ cẩm về để may trang phục, vật dụng trong gia đình, trang trí nhà cửa, nhà cộng đồng… Thổ cẩm của đồng bào có thể đổi được nồi đồng, chiêng, ché… và thậm chí có thể theo thương nhân về xuôi rồi “xuất khẩu” ra nước ngoài.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gần đây, một số bảo tàng tại Nhật Bản có trưng bày, lưu giữ những loại vải thổ cẩm có nguồn gốc từ các dân tộc vùng núi rừng Trường Sơn và dân tộc Chăm. Người Nhật nhập thổ cẩm hiếm, lạ về nước làm túi vải chuyên dùng trong trà đạo. Mẫu hoa văn trên thổ cẩm còn được sao chép và nhân rộng, trở thành mô típ nổi bật trên sản phẩm dệt của thành phố dệt may Matsusaka. Qua các chuyến tham quan du lịch và hội thảo, các học giả người Nhật đã đến các làng Cơ Tu để truy tìm nguồn gốc xuất xứ của các loại vải thổ cẩm ấy.

Những chủ nhân của “Đất nước triệu voi” trong quá khứ cũng đã từng trao đổi, cung cấp voi và truyền nghề thuần dưỡng voi rừng cho một số dân tộc như Tà Ôi, Bru – Vân Kiều… Trước đây, người Tà Ôi sinh sống ở phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế thường hay mang bạc nén đi qua Lào đổi voi về nuôi. Mục đích nuôi voi là để chở đồ đạc trong những chuyến xuôi ngược khi trao đổi hàng hóa. Họ về xuôi để mua muối, cá khô, dụng cụ sản suất và sinh hoạt và bán các loại lâm, thổ sản, vải thổ cẩm. Vùng dân tộc Tà Ôi trước đây có những chủ hộ có voi như Vỗ La Lâu, Vỗ Khôn, Vỗ Kliéc, Quỳnh Abar, Vỗ Bích… Voi ở vùng Đông Trường Sơn và Hạ Lào còn được huy động để phục vụ vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường và hỗ trợ sức người trong những hoạt động hậu cần thời kháng chiến chống Mỹ.

Người Cơ Tu sinh sống ở huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) có mối quan hệ gắn bó thân thiết với người Cơ Tu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và người Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Khi nghề trồng bông dệt vải còn thịnh hành, người Cơ Tu, người Tà Ôi ở miền núi Quảng Nam, Thừa Thiên Huế rất thích gieo trồng giống bông vải của người Lào, bà con gọi là Kpay Lao. Người Cơ Tu bên Lào rất sành sỏi trong việc chế biến thuốc nhuộm vải, nhất là các màu nóng. Dân tộc Cơ Tu và dân tộc Tà Ôi phía đông Trường Sơn thường trao đổi với người Lào để lấy thứ thuốc đỏ được chế biến sẵn để nhuộm vải, đồng bào gọi là mực poong. Họ thường đổi gà, gạo, chiếu để lấy hộp phẩm màu đỏ quý giá này. Nhờ giống cây bông vải thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng miền núi cao và thuốc nhuộm của người Cơ Tu – Lào mà người Cơ Tu, Tà Ôi sinh sống ở Việt Nam có thêm “chất liệu” để giữ gìn nghề thủ công, trang phục truyền thống. Và trên thực tế, người Cơ Tu, Tà Ôi là những tộc người còn bảo lưu được nghề dệt và trang phục nhiều nhất, đậm nét nhất so với các dân tộc ở Trường Sơn. Nghề dệt thổ cẩm của hai dân tộc này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày xưa, ở làng có được chiếc khố cườm chì (halùng hoặc alùng) để mặc là niềm tự hào của nhiều người. Dưới lòng sông Antrôl bên Lào là nơi mà đồng bào khai thác quặng chì, mang về chế tác thành hạt cườm chì để dệt và trang trí hoa văn trên khố, váy, áo. Kỹ thuật chế tác và dệt hoa văn bằng cườm chì của các tộc người thiểu số bên Lào đã được truyền lại cho người Tà Ôi, Cơ Tu ở Việt Nam. Cườm chì thường được kết vào vải rất dày, nhất là trên ngực áo, đuôi khố. Có người giải thích hiện tượng này rằng ngoài việc tăng giá trị sản phẩm còn thêm chức năng khác như là chiếc “áo giáp” của các chiến binh Cơ Tu, giúp họ tránh bị sát thương khi chiến đấu!?

Ngoài việc học cách chế cườm và dệt vải bằng cườm chì từ bên Lào, người Cơ Tu, Tà Ôi và một số dân tộc khác ở vùng Trường Sơn cũng mua bán, trao đổi với các bộ tộc Lào để được sở hữu những chiếc áo, chiếc khố có hoa văn cườm chì. Trên thực tế, hầu như đồ vải có hoa văn chì dành cho các nhà khá giả, những người quyền thế, những bậc cao niên – đó là những người được kính trọng trong xã hội thời đó. Hiện nay, những tấm thổ cẩm có hoa văn cườm chì của đồng bào Cơ Tu tiếp thu từ bên Lào là hiện vật dân tộc học quý hiếm, có giá trị, được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ… Ngoài ra, những món trang sức mang đậm dấu ấn tộc người của người Cơ Tu, Tà Ôi, Bru – Vân Kiều như những vòng đá ngọc đeo cổ, khuyên bạc đeo tai, vòng đồng đeo tay… đều có nguồn gốc từ Lào.

Các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới Việt – Lào không những tiếp giáp nhau ngọn núi, cánh rừng, đầu nguồn của các con suối dòng sông mà còn có chung những di sản quý báu làm nên bản sắc của quốc gia, dân tộc. Con đường muối và con đường thổ cẩm xuyên qua vùng Đông và Tây Trường Sơn đã góp phần tạo nên sự giao lưu qua lại giữa các dân tộc, làm phong phú, đa dạng di sản văn hóa tộc người.

Tấn Vịnh

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/con-duong-tho-cam-tren-dai-truong-son-84330.html

Cùng chuyên mục