Cổ thụ qua đời, lan man nhớ những miền cây xưa
Cuối tuần rồi, nếu như sự qua đời của cây lim xẹt lâu niên trước dinh Thống Nhất được truyền thông chú ý loan tin thì không bao lâu sau đó, có một cây cổ thụ khác của Sài Gòn cũng vừa “được” qua đời. Khá lặng lẽ, nó không được lên báo, chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong vài status cảm thán của cư dân mạng, và là đề tài bàn tán đầy kỷ niệm của cư dân quanh đây mỗi khi ngồi cà phê cóc.
Ông Tư, cán bộ hưu trí, ở P.3 Q.Bình Thạnh, rời Sài Gòn mấy hôm, sáng nay về, ngồi quán cóc quen gần Lăng Ông, nhìn ra thấy khoảng trời trước mặt mình nhiều nắng hơn mà bần thần. Ông không ngờ một cái cây quen thuộc “kịp” qua đời chóng vánh trong mấy ngày mình đi vắng. Cây dầu cổ thụ cô đơn đầu đường Phan Đăng Lưu, ngay trước bưu điện Bình Thạnh nay đã không còn, chính xác hơn là chỉ còn cái gốc với một phần thân nhô lên mà người ta chưa kịp cưa hết. Trông như bia mộ cho chính cái cây này.
Ông Tư bảo mình “quen biết” cái cây dầu cổ thụ này cũng hơn 50 năm. Từ hồi thanh thiếu niên quen đạp xe từ nhà ở ngã tư Bảy Hiền qua đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) về Phú Nhuận qua đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) để đến Lăng Ông. Tới gần đoạn giao với Lê Văn Duyệt (nay là Đinh Tiên Hoàng), ông thường lấy cái cây này làm mốc hẹn đám bạn đạp xe cùng nếu lỡ có người đi nhanh đi chậm mà biết để đợi. Cái cây nằm gần ngã ba này quá hợp lý để đứng đợi, tránh nắng sau những vòng bánh xe đạp mướt mồ hôi.
Ông Tư nói những ngày về quê, đọc tin tức ông chỉ biết có cây lim xẹt trước cổng dinh Thống Nhất qua đời. Truyền thông xúm vào đưa tin, giải thích tỉ mỉ lý do cưa đốn, còn muốn hỏi vì sao cây dầu cao niên tỏa bóng trông còn thẳng thớm khỏe mạnh kia được cho qua đời thì không biết hỏi ai, tra tìm thông tin báo chí không thấy có một chữ nào. “Danh phận cây, tự dưng vì vị trí, vì sự quan tâm của con người, mà khác, trong khi chức năng có mặt trong đô thị của nó cơ bản ban đầu đều như nhau, là tạo bóng mát, cảnh quan, bớt ô nhiễm không khí, nhưng càng về sau thì không chỉ vậy.” Ông Tư trầm ngâm bên ly cà phê đen quen thuộc. “Vậy là cụm xanh hiếm hoi giữa rừng nhà cửa của khu vực quanh Lăng Ông – Bà Chiểu đã bị hụt đi mất một mảng xanh thế kỷ”.
Ông Tư không quá lời. Lâu nay khu vực Q.Phú Nhuận, các trục đường quanh giao lộ Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu luôn được xem là khu vực của nắng. Con đường Phan Đăng Lưu vốn mang tiếng là thiếu vắng cây xanh. Cây dầu này là cây xanh hiếm hoi và là cây dầu cổ thụ duy nhất còn sót lại của con đường này sau bao biến đổi. Một dạo, suýt nữa tưởng nó qua đời từ hơn 11 năm trước, khi ngã ba gần nơi nó đứng mở rộng hơn. Mở đường, bỗng dưng cái cây lẻ bạn, đứng lẻ loi và hơi cách biệt so với các anh chị em cây khác ở phía sau về hướng Lăng Ông. Nó vốn nằm trong quần thể cây cổ thụ khu vực lăng Ông của Sài Gòn 300 tuổi. Rồi người ta vẫn chừa cho cây con đường sống. Dù tự dưng, bao năm đứng nép trong lề nay bỗng thành kẻ “lấn chiếm” lòng lề đường.
Cũng như ông Tư, khi từ hướng ngã tư Phú Nhuận về Hàng Xanh, tôi hay chọn nó làm dấu hiệu nhận biết đã đến vùng trời xanh dễ chịu, như một cột mốc thông báo cho biết đã đến vùng cây xanh cổ thụ hiếm hoi của khu vực lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây là mảng xanh hiếm hoi của khu vực này. Những cây xanh phần lớn là cổ thụ nằm trong vùng có nhiều công trình, di tích cũ xưa của Sài Gòn như Lăng Ông – Bà Chiểu, trường vẽ Gia Định (Đại học Mỹ thuật hiện tại), tòa tỉnh trưởng tỉnh Gia Định cũ nay là trụ sở UBND Q.Bình Thạnh… Để từ đó, nhận ra rằng ở Sài Gòn này, hễ nơi nào có nhiều cây xanh, đặc biệt là cây dầu cổ thụ “tụ tập” nhiều là biết nơi đó có đường cũ, đình miếu chùa xưa, di tích cổ…
Nghĩa là, như người ta thường hay kể lại, Sài Gòn từng có rất nhiều cây. Sài Gòn, đã từng có rất nhiều địa danh là cây hay gắn bó với cây mà bản thân tên gọi đã cho thấy sự mộc mạc thân quen, gắn liền với một loài cây liên quan nào đó. Nổi tiếng nhất có lẽ là bùng binh Cây Liễu, rồi bùng binh Cây Gõ, chợ Cây Gõ, chợ Cây Me, đường Cây Trâm, ngã tư Hàng Xanh… Ở mỗi quận huyện đều còn có nhiều ngôi chợ nhỏ, được gọi theo tên dân gian xưa theo kiểu “có gì gọi nấy” như chợ Cây Điệp, Cây Thị (Q.Bình Thạnh), chợ Cây Quéo (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Phú Nhuận), chợ Cây Da Thằng Mọi (ở Q.1, khu vực đường Cống Quỳnh – Ngã Sáu Nguyễn Trãi, giờ đây là chợ Thái Bình, chợ Cây Da Sà (trước đây, ở ngã tư Bà Hom và đường An Dương Vương, thuộc Q.Bình Tân).
Hay như bùng binh Cây Gõ, Q.11 hiện nay ở ngã ba đường Hồng Bàng nối Phú Thọ và đường Minh Phụng. Cái tên được hình thành từ việc khu vực này khi xưa là rừng rậm rạp, có nhiều cây gõ. Về sau khu vực này được khai hoang, hàng loạt cây gõ cũng được chặt bỏ để xây dựng đô thị. Vòng xoay cũng được hình thành và người dân gọi tên vòng xoay Cây Gõ. Hay như ngã tư Hàng Xanh mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tên là Hàng Sanh mới chuẩn xác. Vì rằng xưa kia, vùng này trồng rất nhiều cây sanh, nó cũng được trồng nhiều nhất ở đường Bạch Đằng và kéo dài đến ngã tư này, nên có lúc người ta vẫn hay gọi đường Bạch Đằng là đường Hàng Sanh.
Ngã sáu Gò Vấp hiện nay vốn có cái tên dân dã quen thuộc là ngã năm Chuồng Chó do trước năm 1975 khu vực này từng tồn tại một trường huấn luyện chó. Nhưng xa hơn chút nữa, nút giao thông này vào thời Pháp được gọi là ngã năm Hàng Điệp vì dọc theo 5 tuyến đường lúc bấy giờ có trồng những cây điệp to cao trông rất đẹp mắt.
Tất cả những địa danh trên, hiện nay đều không còn một cái cây liên quan nào tồn tại! Trong quá trình phát triển và sự đô thị hóa ở các thành phố lớn như Sài Gòn, có lẽ cây xanh là thứ dễ bị tổn thương nhất! Cọp chết để da, người ta chết để tiếng, trong quá trình phát triển đô thị, cây cổ thụ chết rồi, may mắn để lại cái tên, không thì để lại kỷ niệm cho nhiều người. Như cây dầu ở đường Phan Đăng Lưu này.
Lão họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Nguyễn Thị Tâm, một người dân cố cựu nơi này, buông một câu: “Từ rày chắc tôi phải thay đổi cách chỉ đường cho người ta tới thăm họa thất của mình rồi. Xưa nay tôi cứ dặn, đi tới cây dầu cao đầu đường Phan Đăng Lưu, bên cạnh có con hẻm vô trong khu cư xá Phan Đăng Lưu, là nhà tui ở trỏng.”
Thói quen của bà cũng từng là thói quen của khá nhiều người Sài Gòn, hay lấy nhiều đặc điểm nhận dạng quanh khu vực mình ở cho khách xa đến dễ tìm nhà, mà cây xanh mọc quanh đấy là một trong những lựa chọn nhận dạng…
Bài: Sơn Trà
Ảnh: L.M.Hạ, Huỳnh Hòa Bình
Theo 24hsongxanh.vn
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/co-thu-qua-doi-lan-man-nho-nhung-mien-cay-xua/