Có một mặt trời không tắt

“Tôi tên là Lê Dương Thể Hạnh…” – Tự cái tên của chị đã có một mặt trời. Cô gái ấy sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt – thành phố của những rừng thông vi vu trong gió và cả những chiều hoàng hôn tê tái lòng người. Mảnh đất lãng đãng sương mù ấy đã nuôi dưỡng một cô gái xinh đẹp, hồn nhiên.

Cũng như nhiều cô cậu khác, tốt nghiệp phổ thông, Thể Hạnh xa nhà lên Sài Gòn hoa lệ, bước chân vào giảng đường với nỗ lực viết nên giấc mơ đời mình.

Chăm chỉ, cố gắng, hòa đồng, cô gái ấy đã ngày từng ngày hoàn thiện chương trình đại học. Năm 2003, Thể Hạnh tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, khoa Đông Phương, ngành Nhật Bản. Với hành trang này, chị đã tìm được công việc như mong muốn – thông dịch viên kiêm thư ký tổng giám đốc trong một công ty Nhật Bản.

Ngoài công việc ổn định, chị cũng đã có một chàng trai dành cho mình. Một chuyến đi tu nghiệp ở Nhật đến cùng với lời cầu hôn. Một đám cưới trong mơ, một gia đình với tiếng cười trẻ thơ tưởng chừng chỉ chạm tay là với tới. Những tưởng số phận đã mỉm cười, tương lai đã rộng mở, nhưng trời không cho ai tất cả, cái ngày định mệnh ấy đã đến.

"Mặt trời" Lê Dương Thể Hạnh.
“Mặt trời” Lê Dương Thể Hạnh.

Giông tố cuộc đời

Đó là một buổi chiều cuối tuần tươi đẹp, sau một cơn đau đầu khủng khiếp, bác sĩ đã phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái. Từ đó, cuộc đời chị sang trang…

Những ngày tháng ấy thực sự là cơn khủng hoảng với cuộc đời chị. Sáng đau, trưa đau, tối đau, những hành lang bệnh viện lạnh lẽo, những giọt nước mắt cứ chực chờ tuôn trào nơi khóe mắt của mẹ, những tiếng thở dài cố kiềm nén của cha, những bước chân vội vã, những cái ôm ấm áp ân cần của anh chị bè bạn. Những tưởng sự chịu đựng của mình sẽ được đền bù, ánh sáng vẫn còn đó phía cuối đường hầm nếu chịu khó vượt qua đoạn dài tối đen mịt mùng, nhưng sau ba cuộc đại phẫu và hai mươi bảy tia xạ trị, hy vọng đã tắt ngấm trong chị, sự thật nghiệt ngã: phác đồ điều trị sai! Chị đã là người khuyết tật nặng: tai trái điếc, mắt trái mù hẳn, mắt phải còn nhận ra sáng tối, chân không đi lại được.

Đã có rất nhiều lần chị muốn buông xuôi, chỉ là một cánh lục bình trôi, phó mặc cho phần số, nhưng làm sao có thể khi nghĩ đến cảnh người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, ba mẹ chị sống thế nào đây nếu phải làm người ở lại? Chết được thì dễ dàng, chọn đối mặt và tiếp tục sống không ngừng vươn lên mới là điều khó khăn.

Chị Lê Dương Thể Hạnh bên bạn bè
Chị Lê Dương Thể Hạnh bên bạn bè.

Nghị lực vươn lên

Có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ cần một tia hy vọng le lói, cả gia đình sẽ cùng chị tìm lại cánh én nhỏ của mùa xuân. Lê Dương Thể Hạnh phải vươn lên từ nỗi nghiệt ngã của số phận, không cho phép bất kỳ ai được nhìn mình bằng ánh mắt của sự thương hại.

Những buổi tập trị liệu, những bài tập thể dục đều đặn hằng ngày được lên kế hoạch chỉn chu, kỹ lưỡng, tất cả tập trung tối đa tinh thần và sức lực để giúp chị chập chững tập đi, bi bô tập nói, giúp chị tìm lại – dù chỉ là phần nào – một Thể Hạnh năng động của ngày xưa.

Vẫn là ba chị với dáng gầy theo chân con gái, chuẩn bị cho chị từ chỗ bố trí chiếc xe tập tới việc là cái nạng vững chãi cho chị tựa vào lúc tập đi. Là mẹ yêu chiều với từng bữa cơm cử thuốc. Là anh, là chị, là các cháu với yêu thương đong đầy. Là người thân, là bạn bè với những quan tâm, động viên ân cần. Nhưng đóng vai trò cốt yếu vẫn là chị, không ngừng cố gắng, luôn kiên nhẫn, mướt mồ hôi, từng chút từng chút một, chị quyết tâm cải thiện tình trạng hiện tại của bản thân.

Chị đã trở lại, dù mùa xuân với rực rỡ nắng vàng đã mãi lùi xa, chị chấp nhận cuộc sống hiện tại nhưng không đồng lõa cùng nó, chị sẽ là một Thể Hạnh mới, đầy nhiệt tâm trong thế giới của những người đồng tật.

Thể Hạnh tìm đến Mái ấm Thiên Ân, với chủ nhiệm là thầy Nguyễn Quốc Phong – một tấm gương nghị lực, với mong muốn được tiếp cận với những kỹ năng sống của người khuyết tật. Tại đây, chị được giới thiệu phần mềm tin học đặc biệt dành riêng cho người mù, một chân trời mới được mở ra.

Ngoài việc kiên nhẫn đối mặt với hiện trạng của mình, Thể Hạnh kiên trì với bàn phím, với những ứng dụng mà trước đây, chị không ngờ và cũng không nghĩ là mình sẽ có ngày đối diện cùng nó. Tiếp cận với thế giới của người khiếm thị, bắt đầu từ những bài học vỡ lòng, chị tìm cho mình những người bạn, những câu chuyện nghị lực, những công việc không thù lao và những niềm vui nho nhỏ.

Lan tỏa yêu thương

Thể Hạnh luôn bảo “Cuộc đời của chị là dấu gạch nối giữa hai miền sáng – tối”. Chị có niềm tin mãnh liệt với bản thân “cứ đi rồi sẽ tới, cứ cố gắng rồi sẽ có kết quả”.

Với khả năng tiếng Anh, tiếng Nhật của mình, Thể Hạnh đã trở thành cô giáo cho các bạn các em khiếm thị với lớp học online qua mạng Skype. Lớp học ấy đều đặn duy trì, cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau cố gắng dù cô giáo và học trò chưa từng một lần nhìn thấy mặt của nhau. Hiện tại, chị còn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và là tác giả của bộ từ điển nói Việt – Nhật dành cho người mù. Mở ra một niềm tin, một động lực mới cho những người khiếm thị.

Không chỉ dừng lại ở đó, với sự hỗ trợ của người thân và bè bạn, Thể Hạnh còn chia sẻ với bạn đồng tật website www.sacmauhyvong.com và một nhóm thiện nguyện Sắc màu hy vọng được hình thành. Tất cả những điều này được xây dựng với mong muốn kết nối những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa yêu thương, quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất, nhu cầu học tập và làm việc của những người khuyết tật thông qua những hoạt động thiện nguyện, những dự án cộng đồng.

Mùa Xuân đến từ những cánh én, từ những mầm nhỏ, những cái ôm ấm áp, những vòng tay yêu thương.

Bình yên sau giông bão

Lê Dương Thể Hạnh – người phụ nữ đầy nghị lực ấy đã chọn sống vươn cao mình ở cuộc đời thứ hai. Và chị dũng cảm hơn bao giờ hết khi đối mặt với sự thật, quyết tâm hoàn thành cuốn tiểu thuyết tự sự đầu tay về cuộc đời mình. Có một mặt trời không bao giờ tắt (sách được phát hành bởi Nhà xuất bản Phụ Nữ vào tháng 12 năm 2015) – cuốn sách với hơn 90% tư liệu là từ cuộc đời của chị, là những trải nghiệm khi kề cận ranh giới mong manh giữa sinh – tử, và cả quá trình vượt lên số phận đẫm nước mắt nhưng dạt dào niềm tin và hy vọng của bản thân.

Mặt trời không bao giờ tắt” – mặt trời này không “mọc” hay “lặn” theo quy luật của tự nhiên mà luôn tỏa sáng trong tim mỗi chúng ta, đó là mặt trời của niềm tin, hy vọng và tình thương yêu!

Dịch giả Nguyễn Bích Lan – cô gái đầy nghị lực (tác giả của tự truyện Không gục ngã) đã có những dòng cảm nhận bình dị nhưng không kém phần sâu sắc khi đọc tác phẩm của Lê Dương Thể Hạnh:

Đây là câu chuyện về tuổi trẻ và những thử thách khôn lường của số phận, một câu chuyện về hạnh phúc và nỗi đau, say đắm và quên lãng, sai lầm và bao dung. Nhưng trên hết nó là câu chuyện về sức mạnh của tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường được kể bằng sự mộc mạc của những dòng nhật ký. Nó nhắn nhủ chúng ta rằng cuộc sống bình thường là diễm phúc đủ nhiều, và rằng dù bạn là ai, hãy trân quý những ngày bạn được sống.”

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2017, Thể Hạnh lại cho ra mắt cuốn sách thứ hai của mình Bình yên sau giông bão – chị gọi đây là “cẩm nang vượt khó” dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận. Cuốn sách đến cùng thông điệp yêu thương “Hãy đón nhận và vượt qua mọi biến cố bất ngờ trong đời, bạn nhé!”.

Đầu năm 2019, sau những miệt mài nỗ lực, chị lại giới thiệu với độc giả gần xa xuất bản phẩm thứ ba của chính mình The sun of love – phiên bản tiếng Anh của Có một mặt trời không bao giờ tắt – do chính chị dịch và trau chuốt từng ngày. Tất cả nhằm chia sẻ và tạo niềm cảm hứng yêu đời cho những ai đang tuyệt vọng.

Giờ đây, mỹ nhân Gạo Lứt Lê Dương Thể Hạnh vẫn là một người khuyết tật nặng sống cùng bóng tối. Chị chọn tha thứ – “cung bậc cao nhất của yêu thương” như quan điểm  mà chị chia sẻ – là giải pháp và là phương thức, là nấc thang hạnh phúc của cuộc đời mình. Trong 10 năm lạc vào bóng tối, chị vẫn ngày ngày cố gắng, vì chị biết, mỗi bước chân của chị luôn có “anh ba chị mẹ” dõi theo và song hành. Có tận mắt nhìn thấy một cô Út Thể Hạnh bé bỏng giữa vòng tay gia đình mới hiểu đâu là điểm tựa, là nguồn sức mạnh khổng lồ chở che cho chị vượt qua bão giông, chiến đấu với số phận khắc nghiệt của đời mình. Gia đình – điểm tựa yêu thương, đã đang và sẽ mãi tiếp thêm niềm tin, hy vọng, khát vọng vươn lên mãnh liệt, giúp Thể Hạnh luôn lạc quan, tự tin chứng minh nghị lực sẽ chiến thắng tất cả.

                   Có một mặt trời không bao giờ tắt

          Chẳng còn đôi mắt em nhìn đời bằng tim

          Có một mặt trời không bao giờ tắt

          Chẳng còn đôi mắt em nhìn đời bằng trái tim…

Khi không còn cơ hội được nhìn ngắm mọi vật bằng thị giác, Lê Dương Thể Hạnh chọn cảm nhận nỗi đau và nỗi thiệt thòi của người người đồng tật bằng trái tim. “Trong tận sâu đáy lòng, tôi luôn khao khát được mang ánh sáng mặt trời này sưởi ấm bóng đêm lạnh lùng đang che phủ những mảnh đời bất hạnh.”

Lúc này, ở đâu đó, tại một hội trường nào đó, hẳn đang có một giọng nói ngọng nghịu chưa tròn vành rõ chữ nhưng được cất lên bằng cả sự ấm áp của ánh mặt trời trong tim “Tôi tên là Lê Dương Thể Hạnh…”.

Nguyễn Bình Phương

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục