Có một câu chuyện dòng sông…

Lấy cảm hứng từ Câu chuyện dòng sông của tiểu thuyết gia Hermann Hesse, triển lãm mỹ thuật “Câu chuyện dòng sông” đang diễn ra tại đình Cẩm Phô (Hội An) được xem là một biến thể, một chuyện kể về dòng Thu Bồn xứ Quảng, vắt từ đỉnh Ngọc Linh về Cửa Đại, mỗi nơi dòng sông đi qua đều để lại một câu chuyện văn hóa, tâm linh và lịch sử.

Dòng sông gắn trên mình những bí nhiệm đất trời và con người, hơi thở của dòng sông cũng là hơi thở của các vương triều, của con người vạn vật. Những khoảnh khắc văn hóa, lịch sử và trực giác được ký thác trên những nhát cọ sơn dầu và toan trắng…

Không gian triển lãm.
Không gian triển lãm.

Khởi xướng cho cuộc chơi này là họa sĩ Xuân Sơn, đến từ Đà Nẵng, anh đã kêu gọi, rủ rê các “đồng nghiệp” của mình cùng tham gia cuộc chơi. Những đồng nghiệp đến từ nhiều phương trời và cảm nhận sông Thu Bồn, tình người xứ Quảng cũng như đời sống Hội An qua lăng kính của một du khách đã tìm hiểu khá cặn kẽ về lịch sử vùng đất “chưa mưa đà thấm” này. Chính vì vậy, cuộc triển lãm mở ra chiều kích mới lạ về mặt thị giác, có thể nói rằng lịch sử, văn hóa và con người xứ Quảng được vẽ lại bằng tranh, tuy lúc đậm lúc nhạt nhưng khá ấn tượng.

Họa sĩ Xuân Sơn (Đà Nẵng) chọn nhóm đề tài gồm: lịch sử (các vương triều Chăm Pa, cuộc hôn phối giữa hoàng tử Nhật Bản và công chúa người Việt); tôn giáo – nói về cuộc du nhập của dòng thiền Lâm Tế vào Hội An nói riêng và Đàng Trong nói chung) và văn hóa (những dấu tích Chăm Pa và các tộc người thiểu số như Kor, K.Dong, Dẻ Triêng… cùng di chỉ văn hóa của họ qua thời gian bụi mờ) để gửi gắm qua tranh.

Xuân Sơn chọn gam màu nóng, xám trầm làm chủ đạo và thiên về đường nét, tạo cảm giác mơ hồ. Khi đọc tranh của Sơn, có cảm giác anh vẽ tự nhiên như trẻ con chơi trò rồng rắn, không thiên về kĩ thuật mà để dòng suy tư chi phối mọi khối tròn và đường nét tạo hiệu ứng thị giác ngược, kéo tâm trạng của người thưởng ngoạn trở về một buổi trưa xa xưa nào đó hay một buổi hoàng hôn mịt mù trong chuyện kể của dòng sông ký ức… Những tác phẩm chọn màu xám, nâu trầm, vàng nhạt và xanh rêu làm chủ đạo.

Triển lãm "Câu chuyện dòng sông" diễn ra tại đình Cẩm Phô, Hội An.
Triển lãm “Câu chuyện dòng sông” diễn ra tại đình Cẩm Phô, Hội An.

Các họa sĩ khác như Phạm Đạt, Lê Thành – đến từ Vũng Tàu, Nguyễn Duy Luân, Trần Chí Thành, Hồ Đăng Chính, Nguyễn Tấn Kiệt, Trần Hải, Mai Thị Kim Liên và Nguyễn Trung Kỳ lại có bút pháp mạnh mẽ, thiên về khối và nét, chọn gam màu nóng nhưng sáng, những khoảnh khắc Hội An được mô phỏng, trình bày qua cái nhìn trẻ trung, một Hội An năng động thời du lịch bởi những bước chân thả trên đường nắng, những mái ngói rêu phong nhưng háo hức sắc trời xanh và những đền chùa, lăng miếu không huyền ẩn mà sinh động, trẻ trung trong nhịp thở thời đại.

Tác giả Xuân Sơn và tác phẩm Câu chuyện dòng sông.
Tác giả Xuân Sơn và tác phẩm Câu chuyện dòng sông.

Như nhận xét của họa sĩ Xuân Sơn, người chủ trì cuộc triển lãm: “Câu chuyện dòng sông là một câu chuyện kể bằng tranh thông qua cái nhìn hội họa. Người thưởng ngoạn có thể bắt gặp một cánh cửa lặng câm với một bông khế đang nở và phía bên kia là nắng với một ánh nhìn trẻ thơ tinh nghịch. Điều đó cho thấy một Hội An tràn trề sức sống thời đại. Nhưng cũng có những góc phố ẩn chất lịch sử, nó dẫn dụ người xem về lại với những thế kỉ trước và qua đó người ta đến với câu chuyện dòng sông Thu Bồn, một dòng sông chở những nền văn hóa và văn minh của các tộc người khác nhau để hội tụ về biển lớn, hòa quyện và cộng hưởng với văn hóa Việt, với văn minh lúa nước bắt nguồn từ sông Hồng… Câu chuyện trở nên huyền nhiệm khi ta hình dung dưới mỗi bước chân hay mỗi gốc cây, mỗi viên ngói, mỗi mảng tường rêu đều có bóng dáng tổ tiên của chúng ta và tổ tiên của những người bạn của chúng ta… Tôi hi vọng Câu chuyện dòng sông sẽ mang lại cái nhìn viên dung cho người thưởng ngoạn!”.

Có thể nói, triển lãm Câu chuyện dòng sông là một bức tranh tổng thể mang nhiều sắc thái, sắc độ và giác độ khác nhau của nhiều họa sĩ thông qua các tác phẩm của họ. Nhưng ở đây có một sự trùng ngộ thú vị, mỗi bức tranh như một nhát cọ vẽ nên sắc thái của bức tranh chung có tên Câu chuyện dòng sông. Mỗi bức tranh là một câu chuyện nhỏ, mang một đề tài nhỏ trong cuộc rong ruổi của Thu Bồn từ đỉnh Ngọc Linh trôi về Cửa Đại. Và mỗi câu chuyện lại chất nặng tâm trạng của một giai đoạn lịch sử, văn hóa mà qua đó, người đọc tranh có thể chiêm nghiệm sâu hơn về cuộc đời, nhân tình thế thái, những giá trị được – mất và cả những giọt nước mắt hạnh phúc lấp lánh nằm sâu trong tro bụi thời gian!

Liêu Nhi

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục