Cổ mộ ở Hội An hay câu chuyện đẹp về mối tình Việt-Nhật

Hội An, không chỉ là phố cổ, chất chứa trong nó còn có nhiều điều lãng mạn, như câu chuyện đẹp về ngôi cổ nằm chơ vơ giữa đồng, trên đường từ phố cổ xuống biển An Bàng này.

Ngôi mộ lạ giữa đồng vắng

Trong rất nhiều lần lang thang với Hội An, tôi có tìm đến nơi này, trước là kính viếng hương hồn người đã khuất, sau là cho thỏa nỗi tò mò. Đây là 1 trong 3 ngôi mộ cổ của thương nhân Nhật Bản ở Hội An, được chôn cất cách đây hơn 400 năm, và là ngôi mộ duy nhất chất chứa trong nó một chuyện tình Việt – Nhật.

Nếu không đọc những hàng chữ trên bia dựng ở ven con đường chạy từ Hội An xuống biển An Bàng này, người ta sẽ không biết nơi đây có cổ mộ.

Giữa muôn trùng lúa của  thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, có một nấm mồ nằm lẻ loi một mình. Theo tài liệu và bia khắc tại ngôi mộ thì đây là ngôi mộ của thương gia Tani Yajirobei quê ở Hirado, gần Nagasaki, Nhật Bản, được lập năm Đinh Hợi – 1647, trên mộ khắc rõ 2 chữ: Nhật Bản. Chân mộ gắn bia bằng đá sa thạch xám, trán và diềm bia không trang trí. Mộ có kích thước 14m x 11m x 0,8m. Giữa lòng bia chạm đóa hoa 5 cánh, phía dưới chạm đóa hoa nhỏ hơn.

Theo bia khắc còn lưu lại, năm Chiêu Hòa thứ 3, tức năm 1928, ngôi mộ đã được cộng đồng người Nhật góp kinh phí sửa sang lại

Có 4 tấm bia đá nằm liền nhau ghi cùng một nội dung với 4 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp: “Do Nhật Hoàng chủ trương bế môn tỏa cảng buôn bán với hải ngoại, ông phải từ Hội An trở về quê hương nhưng sau đó ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời. Mộ ông hướng 10 độ về phía Đông Bắc – quê hương ông. Di tích này là bằng chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa thương nhân Nhật với cư dân Hội An vào giai đoạn thương cảng Hội An phát triển sầm uất đầu thế kỷ XVII”.

Tấm bia ghi bằng tiếng Việt, tóm tắt chuyện tình đẹp mà buồn của người nằm bên dưới.

Chuyện tình buồn mà đẹp như cổ tích dân gian

Câu chuyện tình đẹp mà buồn miên man được nhân gian kể lại rằng: “Thời ấy, thời mà Hội An là thương cảng sầm uất, tàu buôn nước ngoài đến thương cảng Hội An tấp nập, trong đó có chiếc tàu buôn của cha con một thương gia người Nhật. Người con trai vị thương gia này đem lòng yêu thương một cô gái Hội An. Hai cha con ông dự tính sẽ đến thưa chuyện với gia đình cô gái xin cầu hôn.

Du khách đang tò mò đọc các thông tin sơ lược về lịch sử ngôi mộ được khắc lại trên bia đá bằng các thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp.

Trong lúc chuẩn bị, một tin bất ngờ báo đến: Theo lệnh của Nhật Hoàng, tất cả người dân Nhật đang ở nước ngoài phải về nước ngay. Người cha muốn hai cha con cùng về nước, sau đó quay lại tổ chức đám cưới. Thuận theo chữ hiếu, người con trai gặp lại người yêu nói rõ việc anh phải trở về Nhật và hứa dù bất cứ trong hoàn cảnh nào anh cũng trở lại Hội An. Người con gái cũng hứa hẹn sẽ chung thủy đợi chờ chàng trở lại.

Một góc cổ mộ nhìn ra đồng lúa …

Về đến Nhật, một bất ngờ đến với hai cha con là giấy phép của họ bị thu hồi mà không được cấp lại. Đó cũng là điềm báo cho anh biết không bao giờ trở lại Hội An nữa. Anh quyết tâm trở lại Hội An để tìm người yêu với mưu kế: xin vào làm công dưới một chiếc tàu đi về hướng Nam của biển Đông. Trong thời gian làm trên tàu, anh đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để vượt biển. Vào một đêm trời yên biển lặng, khi con tàu tiến vào vùng biển xác định được hướng vào cửa biển Hội An, anh bí mật thả chiếc thuyền phao hướng về Hội An. Nhiều ngày trôi qua, nước uống đã cạn và lương khô đã hết, anh bị thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên một chiếc giường tre trong một căn nhà lá dừa quen thuộc ở Cù lao Chàm. Bà con ngư dân nơi đây thấy anh tỉnh dậy, đã kể lại sự tình cho anh biết là sáng sớm hôm đó khi đi đánh cá, bà con gặp anh đang nằm sóng soài trên bãi Ông và nghĩ rằng chắc anh có phúc có đức nên được cá ông cứu mạng. Anh kể câu chuyện của mình, thấu hiểu lòng anh, bà con ngư dân ở Cù lao Chàm đưa anh xuống thuyền vào Hội An

Toàn cảnh ngôi mộ nằm giữa những cánh đồng lúa mênh mông.

Gặp lại nhau, người con gái đã hết lòng chăm sóc người yêu. Nhưng bệnh tình quá nặng, sức đã kiệt và biết mình không thể qua khỏi, chàng trai kể lại hết sự tình và cho biết, anh đã toại nguyện khi được gặp lại người yêu. Người con gái đó tên gì, ở đâu không ai rõ, mà chỉ biết chắc chắn đó là người con gái Hội An. Một mối tình chung thủy giữa chàng trai đến từ đất nước Phù Tang xa xôi và một người con gái phố Hội đã được khép lại bằng một nấm mộ ở làng Trường Lệ, Hội An.

Chiều tà và  cổ mộ 4 thế kỷ

Chuyện kể sưu tầm từ dân gian, hẳn nhiên không thể nào đòi hỏi sự xác thực nhất là khi đã truyền miệng qua bao thế kỷ. Các tài liệu sưu tầm được không nhắc nhiều đến chuyện tình này, nhưng cũng chỉ cần có vậy, cũng đủ hình dung một chuyện tình đẹp, có lẽ nó cũng nhẹ nhàng và hiền hòa như bản tính người phố cổ.

Lối vào ngôi mộ, thanh bình yên ả và dân làng đang chăn bò luôn nhiệt tình chỉ dẫn cho khách từ xa đến.

Trên hết, đó vẫn là một mối tình có thật, mà nấm mộ kia là một minh chứng. Bốn, năm trăm năm với bao dâu bể cuộc đời rồi còn gì. Không thấy nói hậu duệ, con cháu thăm nom ngôi mộ, nhưng nhìn hương khói quanh năm ở đây, giữa cánh đồng này, cùng sự nhiệt tình của những người dân khi đưa cả hương cho tôi thắp viếng, thấy quý ông dưới mộ kia, khi thác đi vầy là đã sướng lắm rồi. Năm 1997, mộ ông Tani Yajirobei được đại tu theo nguyên mẫu và làm thêm đoạn đường nhỏ hơn 200 mét từ ngoài đường lộ dẫn vào ngôi mộ. Nơi vị doanh nhân này nằm lại, với phong cảnh hữu tình bình yên, hẳn cũng đẹp như chuyện tình người dưới mồ từng có. Chiều ấy, khi tôi ra thăm mộ, giữa đồng lúa dậy màu xanh đang thì con gái, gió chiều nhẹ như nương theo cái nắng hoàng hôn đang rải rụt rè những vạt cuối cùng trước khi tắt ngày cho đêm tới, bất chợt nhìn thấy một con bướm cứ bay rập rờn ven mộ, rồi đậu trên vạt lúa xanh, quẩn quanh mãi không chịu bay đi. Một con bướm duy nhất nhìn thấy trong khu vực này. Tôi chợt giật mình, như thể hương hồn người xưa về quanh quẩn đâu đây…

Bài & ảnh:Lê Minh Hạ.

Cùng chuyên mục