Chuyện hai phụ nữ ở Quế Sơn thoát nghèo
Vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, nhiều phụ nữ nông dân huyện Quế Sơn đã mạnh dạn tìm tòi hướng đi mới, phát triển kinh tế gia đình.
1. Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1972, thôn Sơn Lộc, xã Quế Minh) đông con, từng là hộ nghèo. Để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng chị dốc sức làm nông nhưng hiệu quả thấp, cuối cùng, chị quyết tâm chuyển hướng sang chăn nuôi để vực dậy kinh tế gia đình.
Bước ngoặt để gia đình chị vươn lên thoát nghèo, đó là năm 2013 từ nuôi gà lấy trứng, chị đầu tư 20 triệu đồng mua máy ấp trứng, chuyển sang cung cấp con giống. Chị Phượng cho hay, thời điểm đó đàn gà của chị khoảng 100 con mái đẻ, nhưng giá trị không cao nên vợ chồng bàn nhau mua máy ấp trứng, cũng là chiếc máy ấp trứng đầu tiên trong xã. “Do ban đầu không nắm được công nghệ nên ấp mấy lứa đầu bị hỏng, lại phải tìm hiểu thêm mới ấp thành công” – chị Phượng kể.
Cần cù, để tâm học hỏi kinh nghiệm trên sách báo về các mô hình chăn nuôi gà, con gà dần trở thành con vật nuôi chủ lực của gia đình chị Phượng. Từ một trại gà ban đầu, đến nay chị đã xây dựng thêm hai trại khác, trung bình 3 tháng chị xuất bán một trại (khoảng 2.000 con), thu lời 45 triệu đồng. Cùng với các trại gà thịt, chị Phượng xây dựng thêm nhà úm gà con để cung cấp gà giống số lượng lớn cho thị trường và nhận làm đại lý cấp I bán thức ăn cho gia súc, gia cầm. Mô hình chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp của gia đình chị Phượng đã cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.
Kinh tế vững vàng, hai người con của chị có điều kiện ăn học thành tài, riêng người con cả là Hồ Ngọc Hiệp sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học đã quay về quê hương, đem kiến thức đã học giúp mẹ cải tạo vườn tạp, mở rộng quy mô trang trại.
2. Thôn Phước Chánh, xã Phú Thọ là vùng không chủ động nước thủy lợi, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, vụ còn lại chỉ sản xuất hoa màu cạn, nhưng lợi nhuận kinh tế không cao. Trước thực tế đó, bà Võ Thị Hồng Hoa (SN 1960, thôn Phước Chánh, xã Phú Thọ), quyết định chuyển sang trồng rau sạch theo phương pháp hữu cơ. Bà Hoa cho hay, năm 2014, sau khi được tập huấn lớp trồng rau, bà mạnh dạn phá bỏ đám sắn 500m2, đầu tư 70 triệu đồng làm nhà lưới và đóng giếng để lấy nước trồng rau.
Theo bà Hoa, trồng rau hữu cơ phải dành nhiều thời gian theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của rau, nếu rau để quá thời gian thu hoạch, rau sẽ già, chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, để tránh các loại sâu bệnh phải luân canh nhiều loại rau khác nhau nhằm tránh hại đất và có lợi cho cây trồng. Cạnh đó phải tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng biện pháp thủ công như bắt sâu hoặc ủ gừng, tỏi, ớt để phun trừ sâu bệnh. Phân bón được dùng từ nguồn phân chuồng ủ hoai mục chừng 3 tháng để bón cho rau. “Trung bình trên cùng diện tích 500m2, nếu trồng sắn thì một năm chỉ thu lợi có 2 triệu đồng, còn trồng rau thì một tháng cho thu nhập ít nhất 5 triệu đồng, chưa kể giá có thể tăng tùy theo từng vụ” – bà Hoa cho biết.
Qua 5 năm trồng rau, đến nay bà Hoa đã nắm vững được kỹ thuật trồng rau hữu cơ và xây dựng được cho mình thương hiệu rau sạch ANNADA, mỗi tháng cung cấp hơn 500kg rau cho cửa hàng rau sạch tại thành phố Đà Nẵng và một số nhà hàng chay. Ổn định việc trồng rau, bà Hoa tiếp tục cải tạo đất vườn đầu tư trồng thêm các loại cây ăn quả như mít, chuối, bơ… Tổng thu nhập từ trang trại bà hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện tại, khu vườn gia đình bà Hoa được chọn là vườn mẫu của xã Phú Thọ trong xây dựng nông thôn mới.
Cả hai phụ nữ này đều chung đặc điểm là đã trải qua thời gian dài làm nông, công sức đổ ra đồng ruộng khá nhiều nhưng kinh tế vẫn không được cải thiện. Mọi chuyện thực sự chuyển biến khi các chị mạnh dạn thay đổi cách nghĩ cách làm. Các chị không ngại khó, tham quan, học hỏi từ nhiều mô hình kinh tế để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
“Tôi mong rằng chị em phụ nữ làm nông hãy tìm cho mình những hướng đi mới, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương” – bà Hoa nói.
Thái Cường
Theo Quảng Nam Online