Chuyện Bà Phường Chào – Chợ Được
Trong tín ngưỡng thờ nữ thần ở miền Trung, Bà Mẹ Xứ Sở – Thiên Y A Na có ảnh hưởng mạnh mẽ, bao trùm hầu khắp chốn làng xã. Đặc biệt ở Quảng Nam, bà hiện thân qua danh xưng Bô Bô (Bà, Đại vương), quản hạt từ Núi Chúa đến tận Cù Lao Chàm.
Lai lịch nữ thần
Chính ải Hải Vân và sông Thu Bồn là ranh giới phân định rõ nét nhất cương vực phương Nam của Đại Việt sau sự kiện Chế Mân dâng đất cầu hôn năm Bính Ngọ (1306). Đến giữa thế kỷ 16, Ô châu cận lục (Dương Văn An nhuận sắc, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Phước dịch chú, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 2001, tr.65 – 67) cho thấy bức tranh làng xã Việt buổi đầu và về sau mở mang nhiều làng xã sang bờ nam. Từ đây đã định hình nên một nữ nhân thần mới vùng bờ bắc Thu Bồn và cũng vân du về nam, là Bà Phường Chào – Phiếm Ái – Bà Chợ Được.
Có thể thấy dạng thức giáng hạ, thăng thiên, vân du khắp chốn và về sau được văn bản hóa tín ngưỡng thờ nữ thần khá phổ biến và rất thịnh hành ở Quảng Nam. Có lẽ tín ngưỡng Bà Phường Chào xuất hiện sớm nhưng phải đến đầu thế kỷ 20 mới được văn bản hóa qua Thần nữ linh ứng truyện (Nguyễn Bội Bảo [Lộ], 1919, Thần nữ linh ứng truyện, Lê Đình Hùng dịch). Theo đó, nữ thần là người họ Nguyễn, húy Của, ở châu Phiếm Ái, sinh ngày 20 tháng 2 năm Canh Thân (1800). Cha nữ thần là Nguyễn Trí, làm quan nhà Lê, đến chức Đặc Tiến Tòng Đại Phu; mẹ là Cung nhân Trịnh Thị Tình và nhũ mẫu Đoàn húy Đoạn thay mẹ dạy bảo.
Gia đình khá giả, có nhiều con và nữ thần khi sinh ra có “dung hạnh khác thường”, nhiều điểm dị thường: “Tính thích sạch sẽ, áo quần may xong phải giặt rồi mới mặc, rất thích màu đỏ. Thịt mua ở chợ đã có người mua trước không ăn”… Năm Đinh Sửu (1817), vừa đến tuổi cập kê thì xuất trần, ngày 19/11 du tiên. Mai táng xong, có con trâu húc vào thần mộ, tức thời chết đứng, thực sự là điềm lạ. Lúc đó, ông chủ bái chỉ cho đó là ngẫu nhiên, không linh nghiệm gì, lập tức bị đau đầu rồi mất không lâu sau đó. Thần nhập đồng cho biết là do ông bất kính với thần. Từ đó thần hiển linh, phò trợ dân lành, trừng trị kẻ ác, như chuyện trừng trị tên Cai thường trêu gái nhà lành, tên Nguyễn Thuần buôn nước mắm, cứu Lê Hùng lúc đi buôn bán trên thuyền tận Hà Nội, dạy bảo lễ nghĩa cho cháu Nguyễn Thực…
Linh mộ ngài trước táng tại đất của xã Phiếm Ái, đến năm Thành Thái 10 (1898), Đốc Bộ đường Quảng Nam là Nguyễn Công Thượng thấy sông Ái Nghĩa xói lở sát mộ bèn xin dời đến gần đất xã Phước Yên. Khi khai quật vẫn thấy đất trong mộ có đủ ngũ sắc, thi thể còn nguyên, dưới cằm có chuỗi ngọc màu trắng bao quanh. Dời mộ xong, thần nhập đồng, sai cháu là Nguyễn Thực dùng cau trầu rượu để cảm tạ hương nhân. Đến năm Bính Ngọ (1904), Tổng Đốc Quảng Nam Hồ Đăng Đệ cùng trí sĩ Bố Chánh sứ Hồ Đắc Triệu làm Huyện doãn Đại Lộc, đã lưu tâm khuyến khích quyên cúng ngân tiền để tu tạo thần mộ, từ mộ đất được sửa sang với quy cách mới, tráng lệ, trang nghiêm hơn.
Vân du, lập chợ
Từ năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý – 1852), thần vân du đến Phước Ấm (tên cũ là thôn Phước Toản, được vua phê đổi từ Kiến Phúc nguyên niên – 1884), thấy còn hoang vu, dân cư thưa thớt nhưng phong cảnh hữu tình, nên có ý muốn tụ nhân lập chợ. Lúc đó, người mua bán tập trung tại chợ Trà, bị cách trở đò ngang khi qua về giao dịch. Một ngày thần nhập đồng tự xưng cô Phường Chào và họ tên, lập thành chợ, nên người ta gọi chợ Bà hoặc chợ Được (nay thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình). Để đem lại lợi ích hàng ngày cho mọi người, trong xã liền phát cỏ rậm, dựng quán xá buôn bán, lâu ngày thành chợ, dần thấy thuyền cầu đông đúc, nhà cửa nối dài, thành một nơi đô hội.
Sau khi lập chợ, thần nhập đồng chỉ nơi lập miếu. Hương nhân kính ngưỡng thần lực, đến đó để cầu, mọi việc đều được như nguyện, tài lợi cuồn cuộn đến, thương nhân bèn quyên cúng lập miếu, có thiết cúng tiệc ca, các khoản tế lệ. Ngày 25/2 hằng năm là ngày lễ giáng sinh của thần; ngày 19.11 là ngày thần tẩm hóa, còn trong chúc văn tế thần còn có cả cha, mẹ và mẹ nuôi.
Lệ cúng ca được tổ chức hàng năm vào ngày 12/1, sau thành Tam niên đáo lệ. Trước khi cúng ca một đêm, bày khám phụng nghinh thần vị đi quanh trong chợ. Mọi nhà buôn đều nô nức treo đèn, thiết án, xông hương, đốt pháo, nối liền rạng rỡ, coi đó thịnh sự. Người xem đứng yên không ồn ào, sự linh ứng của thần làm mọi người ngưỡng vọng, cung kính.
Chính sự linh hiển đó mà tháng 3 năm Thành Thái thứ 6 (1894), xã dân Phước Ấm có đơn tâu và ngày 20/9, được triều đình ban tặng sắc Thần nữ linh ứng Nguyễn thị tôn thần, trứ phong Trai Thục Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Năm 1896, miếu thờ ở Phiếm Ái cũng được ban tặng sắc phong.
Đặc trưng tín ngưỡng nữ thần
Ngoài sự xuất hiện chính thức, đồng thời như một hóa thân, hay hiện hữu bên cạnh theo phương thức Việt hóa từng bước hình ảnh Bà Mẹ Xứ Sở, đời sống tinh thần của cư dân làng xã nơi đây còn gắn kết theo phương thức “gia đình hóa” quan hệ giữa các vị nữ thần, theo đó Bà Phường Chào là “cô em út” của Bà Mẹ Xứ Sở. Bà Phường Chào, Bà Phiếm Ái, hay Bà Chợ Được, thực chất chỉ là một, mang đậm tính chất thuần Việt và cũng được kiến tạo theo đúng mô thức Việt, gắn bó mật thiết với hành trạng của bà: nơi sinh ra, nơi dạo chơi, điểm giáng thế, nơi từng dạy dân nghề nghiệp, hoặc chữa bệnh, ban phát ân đức rộng rãi…
Cho dù có sự linh hiển, thiêng liêng đến mức độ nào, Bà Phường Chào cũng chỉ là cô em út, đứng một vị trí khiêm tốn so với Bà Mẹ Xứ Sở có “tuổi thọ” và tầm ảnh hưởng sâu rộng thuộc hàng thượng đẳng tối linh thần. Trong đời sống văn hóa làng xã xứ Quảng, tín ngưỡng nữ thần đặc biệt quan trọng, ở đó nổi bật mối quan hệ giao lưu, tiếp biến giữa các yếu tố cội nguồn tính chất Việt và Chăm bản địa mà điển hình là ở sự linh hiển của Bà Phường Chào – Chợ Được và Bà Thu Bồn. Di sản văn hóa mang đậm yếu tố cội nguồn đặc biệt này cần được nâng niu và bảo tồn, phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau khi đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trần Đình Hằng
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/chuyen-ba-phuong-chao-cho-duoc-107299.html