Chủ doanh nghiệp và bài học quét rác

Năng động, ham học hỏi sẽ giúp người kinh doanh đi xa hơn. Chia sẻ về điều này, các chủ doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị Executive Program on New Economy 2019 tổ chức tại Thái Lan vừa qua cho rằng khi làm chủ rồi càng cần “è cổ” học nhiều điều.

Gian quà tặng của doanh nghiệp Việt Nam tại hội nghị Executive Program on New Economy 2019. Ảnh: Yến Trinh
Gian quà tặng của doanh nghiệp Việt Nam tại hội nghị Executive Program on New Economy 2019.

Làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vì vậy những nội dung như cách thức mở rộng kinh doanh quốc tế, phát triển thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số… được đề cập trong chương trình 5 ngày này là cần thiết đối với những chủ doanh nghiệp tham dự.

Lớn tuổi càng nên đi học để theo kịp lớp trẻ, để làm mới tư duy”, bà Phan Thị Tuyết Mai, tuổi ngoài 60, Giám đốc Công ty TNHH TMTM, nói.

“Silicon ở ASEAN”

Được sắp xếp ngồi ngẫu nhiên ở những bàn tròn gồm 7 – 8 cán bộ kinh tế và doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN, mỗi chủ doanh nghiệp do đó có cơ hội chuyện trò với những “nền kinh tế thu nhỏ”. Theo một số người tham dự, các diễn giả truyền tải nội dung sinh động, chịu khó đi tới đi lui, đưa ra những ví dụ cụ thể về tình hình kinh doanh của Amazon, Lazada, Huawei… giúp người tham dự không ngáp dài.

Những giờ thực hành diễn ra vui nhộn, qua đó người tham dự nhớ được những gì đã nghe. Ví dụ, cùng lên kế hoạch kinh doanh giả định nếu có 1 triệu đô la Mỹ thì cụ thể là làm sao để trẻ em độ tuổi 10 – 12 ăn rau nhiều hơn – khuyến khích những ý tưởng độc đáo, thậm chí điên rồ. Và kết quả, có vài “biệt đội” đề xuất kế hoạch kinh doanh bằng cách trồng rau trên… sao hỏa, tổ chức tiệc hóa trang cho trẻ em với toàn rau là rau, cho đến những ý tưởng nhân văn như dự án cung cấp rau sạch cho trẻ em nghèo…

Từ trong hội nghị, cũng có những cuộc thảo luận làm người tham dự suy nghĩ: “Chúng ta có thể xây dựng một thung lũng Silicon ở ASEAN không?”, “Chúng ta có thể làm một cái kho vận chuyển hàng hóa để sử dụng chung giữa các nước, giảm chi phí logistics?”. Cũng có đề tài thảo luận nhóm ban đầu không có ai chọn, cho thấy phần nào nỗi niềm của doanh nghiệp, về việc làm sao để Chính phủ cải thiện chính sách, thúc đẩy nền kinh tế hiện đại.

Tiếp nhận kiến thức chỉ là một phần, một điều tích cực nữa là các doanh nghiệp đa lĩnh vực trong khối ASEAN có cơ hội hiểu nhau hơn. Vừa tranh thủ trao danh thiếp, hỏi han ngành nghề kinh doanh, vài phút sau họ đã có Facebook, Viber, Zalo của nhau, đã gửi đường dẫn trang web công ty, hình ảnh sản phẩm mới, cả ảnh selfie nhóm vừa chụp. Rồi những cuộc hẹn ăn sáng bàn chuyện kinh doanh, những lời mời hợp tác sau này, cho những người tham dự một viễn cảnh tươi sáng, còn có phải chỉ là “xã giao” hay không thì khoan kết luận.

Lĩnh hội văn hóa

Đây cũng là cơ hội để lĩnh hội văn hóa nước bạn, bởi những người kinh doanh lý giải rằng trong chuyện làm ăn luôn cần sự am hiểu văn hóa địa phương. Bà Hoàng Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu Thu Hiền, cho rằng qua những dịp giao lưu, doanh nghiệp sẽ thêm kinh nghiệm chào hàng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nước bạn – chà bông chay cho người đạo Hồi chẳng hạn. “Mình cũng sẽ hiểu hơn về đặc điểm con người, ví dụ người Singapore năng động, khi hợp tác với họ càng cần phải nhạy bén. Và dù làm ăn với ai thì luôn giữ chữ tín, đừng bao giờ qua cầu rút ván”, bà Hiền nói.

Bà Hiền cho biết, theo những kinh nghiệm trường học lẫn trường đời kể trên, việc điều hành và những chính sách nhân sự trong công ty linh hoạt hơn. “Chuyện đãi ngộ nhân viên luôn được tôi coi trọng. Riêng những nhân viên đủ lông đủ cánh muốn đi nơi khác, tôi sẽ không giữ họ hoặc không có cái nhìn tiêu cực, mà vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, ủng hộ quyết định của họ”, bà chia sẻ. Sau đợt này, bà cho biết sẽ áp dụng hiệu quả hơn phần mềm quản lý, giám sát từ xa.

Sản phẩm chocolate kết hợp nguyên liệu bột chùm ngây - món quà bà Tuyết Mai tặng bạn bè doanh nghiệp trong khối ASEAN. Ảnh: Yến Trinh
Sản phẩm chocolate kết hợp nguyên liệu bột chùm ngây – món quà bà Tuyết Mai tặng bạn bè doanh nghiệp trong khối ASEAN.

Với bà Phan Thị Tuyết Mai, sau khi tham gia những chương trình như thế này, bà sẽ truyền đạt lại những gì đã học cho nhân viên, như việc áp dụng hiệu quả nền tảng kỹ thuật số vào hoạt động công ty, khai thác công dụng của mã QR cho từng sự kiện, chăm chút cho việc phát triển thương hiệu.

Tôi cũng biết thêm nhiều từ ngữ thương mại quốc tế, trải nghiệm những cách nói tiếng Anh khác nhau từ nhiều nước”, bà nói và chia sẻ thêm rằng chuyến đi cũng khiến bà suy nghĩ về cách xây dựng thương hiệu quốc gia, khi thấy nước bạn Thái Lan làm điều này rất tốt.

Bài học quét rác

Sảnh bên ngoài hội nghị có một gian quà tặng do bà Tuyết Mai mang từ Việt Nam sang. Đó là những hộp phở khô, trà, chocolate kết hợp nguyên liệu bột chùm ngây mà bà tâm huyết nhiều năm nay. Bà hy vọng doanh nhân nước bạn sẽ nhớ tới Việt Nam. Bà Hiền thì mang theo rong biển, gạo lứt, bột tàu hũ của công ty mình, là những mặt hàng đã phát triển từ những lần gặp gỡ đối tác Hàn Quốc, Singapore…

Bên cạnh đó, hình ảnh Việt Nam trở nên thân thiện hơn nhờ có những nữ doanh nhân tự tin trong các diễn đàn quốc tế. Một số người đã hào hứng đăng Facebook ảnh chụp cùng tà áo dài Việt Nam trong đêm tiệc hội nghị. Một doanh nhân lớn tuổi người Singapore nhận xét rằng phụ nữ Việt với gương mặt tươi tắn, trang phục truyền thống, tự tin chia sẻ về lĩnh vực kinh doanh cùng những dự định đang theo đuổi, quả thật đã để lại ấn tượng tốt đẹp.

Bà Tuyết Mai nói: “Tôi thích mặc áo dài. Nhớ có lần đi học ở Nhật Bản, mỗi người sẽ được một lần điều hành buổi lễ chào cờ của trường. Tới ngày của tôi, trong tà áo dài và nhìn mọi người hướng về mình, tôi xúc động muốn khóc”. Bà kể thêm, hồi tham gia khóa học ở Nhật, công việc mỗi sáng của bà là quét rác, đổ rác. Vài người thắc mắc, đến khi được giải thích rằng “nếu không thể dọn sạch rác ở xung quanh, làm sao dọn sạch rác của xã hội” thì ai cũng trầm ngâm, cùng với câu “bông lúa càng trĩu hạt càng cúi đầu”, một chân lý đơn giản mà mấy ai làm được.

Còn nhiều bài học mà chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, cần tích lũy để nuôi nấng “đứa con” khỏe mạnh. Những người có kinh nghiệm cho rằng uy tín của doanh nghiệp sẽ hình thành qua những cành lá của quá trình tạo dựng thương hiệu, cùng với cái gốc đạo đức kinh doanh. Cùng với kiến thức, tiền bạc, người muốn khởi sự làm ăn cần có sự dạn dĩ.

Và những chương trình giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các nước, hoặc những câu lạc bộ, hội nhóm doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là nơi người đam mê kinh doanh tìm thấy điều gì đó “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”.

Bài & ảnh: Yến Trinh

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Cùng chuyên mục