Chọn kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường
“Nhiều bạn trẻ đến học tập tại quán thấy nhân viên mang ống hút nhựa ra đã thắc mắc sao quán vẫn còn dùng loại ống hút này, có bạn còn mang cả ống hút cá nhân đến để không sử dụng ống hút của quán, số khác uống nước nhưng không dùng ống hút. Tất cả những điều đó đã khiến mình suy nghĩ và thôi thúc mình có những hành động bảo vệ môi trường như hôm nay”, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Khiết, quản lý quán The Books về lý do chọn kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
The Books (12 Cao Thắng, quận Hải Châu) là một trong những quán cà-phê nói không với rác thải nhựa. Anh Nguyễn Thanh Khiết chia sẻ, trước đây quán cũng dùng ly nhựa, ống hút nhựa bởi giá thành rẻ, lại rất tiện lợi nhưng sau mỗi ngày, quán thải ra khoảng 5-6 bao tải lớn, nhìn thấy cảnh đó, cả quản lý lẫn nhân viên cảm thấy rất có lỗi với môi trường và muốn làm một cái gì đó tốt đẹp hơn. Từ những trăn trở này, quán bắt đầu chuyển sang sử dụng ống hút gạo, ly thủy tinh thân thiện hơn với môi trường.
Theo anh Khiết, từ khi hoàn toàn chuyển sang dùng ống hút gạo và ly thủy tinh, đa phần khách tỏ ra thích thú, đến quán nhiều hơn. Với việc sử dụng ống hút gạo, tuy chi phí đắt hơn nhưng hầu hết khách tỏ ra hài lòng khi mình vừa uống nước xong có thể ăn luôn được cả ống hút. The Books còn phối hợp với dự án thu gom pin cũ của hãng Panasonic tạo nên điểm thu gom pin đã qua sử dụng tại Đà Nẵng.
Cùng với The Books, quán ăn và đồ uống Noi ở số 111 Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà) cũng đang theo đuổi xu hướng kinh doanh góp phần bảo vệ môi trường. Đó là việc quán đồng loạt sử dụng ly thủy tinh và muỗng inox không rãnh phục vụ khách. Nếu khách muốn mang về, quán có nguyên một bộ gồm: ly, hộp, đũa, muỗng, ống hút làm từ nguyên liệu giấy và gỗ.
Anh Nguyễn Hoàng Vũ, chủ quán ăn và đồ uống Noi, cho biết: “Mặc dù đầu tư lớn, bao bì đắt nhưng chúng tôi chấp nhận, bởi suy cho cùng, về lâu dài khi kinh doanh chúng ta cũng phải nghĩ đến việc bảo vệ môi trường. Tôi không nghĩ mình là người tiên phong; song, tôi muốn lan tỏa đến cộng đồng và đặc biệt là nhân viên và những khách đến ăn, uống tại quán mình thông điệp bảo vệ môi trường qua những hành động nhỏ”.
Không chỉ trang bị vật dụng đựng đồ ăn, thức uống, ngay cả không gian bày trí của Noi cũng rất thân thiện. Bằng việc dán các bức tranh tường với họa tiết hướng về thiên nhiên cùng những chiếc bàn ghế gỗ nhỏ xinh, quán đã tạo nên sự thích thú cho khách khi đến thưởng thức các món ăn và đồ uống tại đây.
Theo chủ quán Noi, nếu tính sơ sơ, mỗi bộ bao bì, ly, muỗng, ống hút mà khách hàng mua tại Noi mang đi rơi vào tầm 4.500-5.000 đồng, đắt hơn gấp 10 lần so với việc dùng đồ nhựa, hộp xốp. Dù vậy, chủ quán Noi cho biết, trước mắt, Noi chỉ cần kinh doanh đủ lợi nhuận cho việc chạy dự án, còn về lâu dài khi khách hàng biết đến quán nhiều hơn thì phần chi phí đó sẽ được san sẻ. “Ngay từ khi thiết kế quán, lên ý tưởng kinh doanh, chúng tôi đã đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, Hoàng Vũ khẳng định.
Trên thực tế, Noi, The Books cũng như các quán ăn, quán cà-phê sử dụng đồ dùng thân thiện môi trường đều gặp phải những khó khăn như: chi phí cao hơn, khó bảo quản, thời gian sử dụng ngắn, nhiều khách hàng chưa quen dùng… Song, họ đều mong muốn những việc này có thể thay đổi hành vi của khách, nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, nơi mà người dân thành phố luôn có những hành động yêu thương và bảo vệ môi trường.
Thanh Tình
Theo Báo Đà Nẵng
Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5433/202003/chon-kinh-doanh-gan-voi-bao-ve-moi-truong-3272481/