Chôn đất vào… cao su

Câu chuyện đón đầu “vàng trắng” ở miền núi, bây giờ đang trong cảnh… vàng mắt chờ giải quyết.

Phát pháo lệnh đưa cao su lên núi được bắt đầu từ năm 2010. Mười năm đã qua đi, “vàng trắng” chưa  thấy, thậm chí coi chừng đổi vàng lấy… sắt khi hiện tại mọi thứ như chuyện cù nhầy cù cưa, mà khổ cuối cùng là dân.

Như nhiều huyện khác, Tây Giang hăng hái trong việc đón đầu nguồn “vàng trắng” này. Con  số của 6 xã vùng thấp gồm A Tiêng, Lăng, Zang, A Nông, Bha Lêê, A Vương trồng là gần 2.120ha. Lúc đó giá mủ cao su cao, cán bộ tuyên truyền mạnh mẽ, nên dân nghe, vui vẻ chấp nhận đưa đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang trồng, đổi lại họ sẽ được ăn chia. Mười năm, đến thời điểm này là bắt đầu khai thác, mới lộ ra lắm chuyện rắc rối lẫn ê chề: giá cao su xuống thấp, quan trọng hơn là thủ tục thuê đất lẫn cách thức ăn chia.

Cao su ở Tây Giang đang trong giai đoạn khai thác nhưng thu nhập của người dân góp đất vẫn rất thấp. Ảnh:T.V

Công ty và dân thỏa thuận ăn chia 6 – 4 hay 7 – 3 vẫn đang bàn. Khúc mắc ở chỗ, hợp đồng ban đầu không làm rõ là chia lãi sau khi công ty tính trừ hết giá thành đầu tư/kg hay bằng cách nào khác? Như trên đã nói, hợp đồng thuê đất chính là điều quan trọng nhất. Ông Trần Văn Ta – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết: “Đến bây giờ, thủ tục thuê đất vẫn chưa hoàn thành. Quan điểm của huyện là bảo vệ quyền lợi của dân, thủ tục phải được xác định từ lúc bắt đầu thuê, tức năm 2010. Quan điểm của công ty là muốn thủ tục có giá trị pháp lý lúc hồ sơ hoàn thành. Nếu như theo ý kiến trên của doanh nghiệp, thì hóa ra 10 năm qua, đất là tài sản sở hữu của dân, nhưng họ làm thuê, và coi như mất trắng quyền lợi? Công ty còn đưa ra phương án thuê lâu dài, 50 năm chẳng hạn, trả tiền từng năm; giá mỗi héc ta là 750 nghìn đồng hoặc 1 triệu đồng/năm, nhưng dân chưa chịu.

Chính sự nhập nhằng, chưa thống nhất ban đầu, kéo lê đến tận bây giờ khiến dân gặp khó khăn. Nhiều người cho biết, quan điểm của họ là giá thuê đất không được cào bằng, và nếu giá đưa ra như vậy thì tương đối thấp, bởi thực tế, đất những nơi trồng cao su ở Tây Giang đều nằm vị trí tốt nhất. Giá thuê đất mặt tiền phải khác giá đất phía sau. Mười năm trước, nhiều người dân hớn hở nghe lời cán bộ tuyên truyền thì bây giờ bó tay ngồi không, bởi trên đất mình mà mình không có lao động, thì làm chi hưởng được quyền lợi công cán. Hệ  lụy của việc đất đã chôn vào cao su là thu nhập không có, hoặc có thì rất thấp, cũng là nguyên nhân khiến cho hai xã nông thôn mới là A Nông và Lăng rớt 1 tiêu chí là thu nhập bình quân đầu người không đạt.

Không phải tỉnh không thấy chuyện này, khi từ năm 2015 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan phải phối hợp với doanh nghiệp và dân gỡ bài toán khó. Thế nhưng lời giải 5 năm, tìm chưa ra đáp số. Một cán bộ huyện Tây Giang nói: “Chừ mà dân chất vấn, là… cứng họng. Họ chỉ cần hỏi cán bộ kêu gọi chúng tôi hợp tác phát triển, dân tin Nhà nước làm theo kiếm… “vàng trắng”, chừ vàng ở đâu, khi nếu 10 năm qua, chỉ cần trồng keo rồi quay vòng đất, chúng tôi đã có không ít tiền, ít ra thì không khốn khổ như bây giờ?”. Ai sẽ trả lời cho dân câu hỏi này, mà trả lời tới nơi tới chốn, có chỗ chịu và cam kết ngày giờ, phương án giải quyết, để tài sản của dân, là đất, không thành vàng thì cũng không hóa bùn?

Trung Việt

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/chon-dat-vao-cao-su-87607.html

Cùng chuyên mục