Chợ Huyện và chuyện mít non cá chuồn…

Trong lúc người người sắm sửa Tết, nhà nhà chuẩn bị chậu hoa, cây quất hay nhành mai, tôi lại nói về chợ Huyện, không biết có lạc đề không?! Nhưng thực tâm mà nói, dường như đất Duy Xuyên, Quảng Nam, cái nơi tôi không sinh ra, chỉ ở trọ vài ba tháng rồi đi, nhưng tôi lại gắn bó nhiều nhất.

1.

Từ ngã ba Nam Phước, nơi mà cách đây 30 năm, lúc đó tôi học lớp 9, đã chở từng xe bò hoa thược dược vào đứng bán kiếm tiền Tết cho gia đình (khoe thêm: hoa tôi tự trồng bán) cho đến những ngày tháng viết báo Tết ở Duy Xuyên, chờ ngày báo ra rồi lãnh báo, lãnh nhuận bút (chú thêm: chờ lãnh nhuận bút nôn nao hơn cả!) rồi lang thang ra chợ Huyện… Cái chợ Huyện nằm ở bên này cầu Chìm, nơi mà đứng từ đó, vừa thấy núi vừa thấy biển.

Một góc chợ Huyện

Nói thấy núi thì nghe tin, nhưng đứng từ chợ Huyện làm răng thấy biển được? Không, tôi nói không ngoa đâu, vừa thấy núi vừa thấy biển, vừa thấy cả bốn mùa vần vũ và thấy cả những kiếp người luân chuyển, thời gian miên viễn trôi…

Bởi thế mà chợ Huyện lúc nào cũng thấy Tết, lúc nào cũng thấy Ba mươi tháng Chạp và thấy cả Giao thừa. Và đáng sợ hơn cả ở chỗ không phải một đôi lần tôi cảm nhận điều này do thần kinh có vấn đề tức thì mà lần nào đến chợ Huyện tôi cũng bắt gặp cảm giác/thức này! Lẽ nào thần kinh tôi có vấn đề triền miên!?

Nói chợ Huyện dù không gần sát núi, không thuộc vùng trung du như chợ Thu Bồn hay chợ Phú Đa nhưng lại mang đầy dáng dấp xứ núi bởi cái thật thà của con người nơi đây. Tôi nói không ngoa, chợ Huyện rất đặc biệt, một khu chợ gồm tiểu thương, nông dân, công chức, viên chức, công nhân… đến mua – bán. Điều này chẳng khác nào một khu chợ thành phố. Nhưng cái khác là không khí chợ ở đây lại rất gần gũi, rất nhà quê.

Hàng hoá đa dạng và quen thuộc

Mặc dù các thức hàng gì chợ phố có thì chợ Huyện cũng có, nhưng cách mua – bán chầm chậm, không vội vã, gấp gáp cũng như cách nói giá cũng có một chút nói thách nhưng lại không “chặt chém” và tính hòa đồng, một viên chức, công chức khi vào chợ mua cũng dung dị, cũng có khi mua nợ chút thịt, chút cá (tôi từng chứng kiến chuyện này) và người bán lấy làm vui vì điều này… Dường như không khí này chỉ còn ở chợ Huyện.

Đặc biệt, các thức quê từ gà vườn cho đến bánh in, bánh tráng, bánh nổ, bánh khao khảo, mứt nghệ, rau tập tàng (tức là những mớ rau được hái ngoài tự nhiên hay quanh vườn, từ lá nghệ non, lá rau sâm, lá dong, lá dâu, lá mồng tơi, lá dền… đủ các loại lá, mỗi thứ một ít trộn lẫn với nhau để nấu canh), trái cây hái từ vườn mang ra bán, mớ rau khoai, mớ khoai mới đào, trái sim rừng… Có thể nói rằng mọi thức quà quê, quà núi đều có mặt ở chợ Huyện. Nhưng đây chỉ mới là núi, còn làm sao tôi thấy biển trong chợ Huyện?

Thưa là không phải vì thấy chợ Huyện có bán nhiều đồ biển như cá nhồng, cá chuồn, cá thu, cá chim biển, cá lầm, cá hố… hay mực, cua, ghẹ, hàu, nghêu sò ốc hến… Mà tôi cho rằng tôi thấy biển trong chợ Huyện. Cái biển mà tôi cảm nhận ở đây lại nằm trong cảm thức biển, mùi biển và hình hài biển trong từng gương mặt, từng con người, từng nụ cười của người xứ giáp núi.

2.

Cái hay của xứ Duy Xuyên cũng nằm chỗ này. Một xứ sở mà người núi chỉ cần đi không quá nửa ngày đường đã tới biển và người biển cũng chỉ cần ngần ấy thời gian đã đi tới núi. Cái xứ sở mà không ít giả thiết cho rằng câu “Ai về nhắn với bạn nguồn/Mít non em gửi xuống cá chuồn anh gửi lên” là bắt nguồn từ vùng đất này.

Mít non ở chợ Huyện

Mà không phải vô duyên vô cớ người ta cho rằng câu ca dao này bắt nguồn từ Duy Xuyên, bởi nhìn trên góc độ văn hóa và dân tộc học thì Duy Xuyên dù sao cũng thuộc vùng đất thánh và là kinh đô vàng son của người Chăm. Trong khi đó, văn hóa phồn thực thì người Chăm mới là tổ phụ. Từ việc thờ linga, yoni cho đến mọi món ăn, sinh hoạt của người Chăm đều có tính phồn thực. Dù muốn hay không muốn, người Việt từ Châu Ô, Lý vào tận Phan Rang, Phan Thiết vẫn còn phảng phất nét gì đó rất Chăm, đặc biệt, người xứ Duy Xuyên lại càng huyền ẩn! Giờ thử giải mã mít non và cá chuồn?

Và cũng không chừng, chợ Huyện là nơi người ta ngâm nga câu ấy lần đầu, trong một buổi đẹp trời mùa Giêng Hai của sắc Xuân tươi phới phới, mít non dậy mùa cá chuồn dậy biển và lòng người mở cõi thanh tân!

Tại sao không phải là “mít non anh gởi xuống cá chuồn em gởi lên”? Vì bán cá, trao đổi hải sản là chức năng của phụ nữ chứ không phải nam giới, và đi rừng, leo trèo hái mít là chức năng của đàn ông chứ hiếm khi ngược lại? Bởi vấn đề ở đây là vấn đề âm dương phồn thực. Ngay trong câu ca dao này đã hàm chứa yếu tố phồn thực, “mít non” là biểu tượng phồn thực của nữ tính, là phiên bản khác của yoni, cá chuồn là biểu tượng phồn thực của nam tính, là phiên bản khác của linga. Câu ca dao này mang tình tứ trai gái, hàm ẩn phức cảm nhục dục thuần mỹ.

Khoai sắn là thức quà quen thuộc của đất Quảng

Ai về nhắn với bạn nguồn chứ không phải “ai về nhắn với bạn biển” càng khẳng định thêm cái luật “trâu đi tìm cọc” trong câu ca dao này, rõ ràng ở đây người nam gợi ý, nhắn nhủ với người nữ (câu chuyện làm liên tưởng đến người cha xứ biển Lạc Long Quân và người mẹ xứ núi Âu Cơ). Người nam nhắn với người nữ về việc trao đổi trái mít non của em với con cá chuồn của anh. Mối tình biển và núi, núi và biển đi vào ca dao nhẹ nhàng, thanh thoát và đẹp.

3.

Trở lại chuyện chợ Huyện, tự dưng bước vào chợ huyện, một cái chợ đồng bằng mà tôi lại man man hai câu này, cái thứ phức cảm mùa màng, ức núi, man biển đâu đó đồng vọng khiến cho tôi luôn nghĩ tới hai câu này và tôi luôn cảm thấy hồn biển trong gương mặt con người nơi đây.

Xề chiều nhưng không hề vội vã

Và đương nhiên, nói rằng câu ca dao này phát sinh từ đất Duy Xuyên là một kết luận hết sức võ đoán, không có cơ sở khoa học. Nhưng tôi cũng tự dụ mình rằng nói về văn hóa dân gian mà tìm ra manh mối hoặc xuất xứ thì càng phản khoa học, bởi nếu có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng thì nó không còn thuộc về văn hóa dân gian nữa! Với dân gian, người ta tìm bằng một nửa lý trí và một nửa tiên cảm. Một nửa lý trí giúp người ta tìm đến thói quen ngôn ngữ, dòng văn hóa chi phối trong ca dao, tục ngữ, nửa tiên cảm thuộc về trực nhận đầy tính chủ quan nhưng nó không hẳn sai.

Bởi cái hồn hay cội rễ của văn hóa dân gian không nằm trong khái niệm cụ thể mà bàng bạc trong ý niệm, trong tinh thần và trong cả những giá trị bất định của nó. Chính vì vậy, người ta có quyền cảm và có cả cái quyền võ đoán như tôi đang dùng đó là dám nói liều rằng cặp ca dao “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên” bắt nguồn từ đất Duy Xuyên, một vùng đất vẫn còn bàng bạc dòng giao thoa văn hóa Việt – Chăm.

Và cũng không chừng, chợ Huyện là nơi người ta ngâm nga câu ấy lần đầu, trong một buổi đẹp trời mùa Giêng Hai của sắc Xuân tươi phới phới, mít non dậy mùa cá chuồn dậy biển và lòng người mở cõi thanh tân!

Trần Văn

Cùng chuyên mục