Chìa khóa giúp nông sản Việt thích ứng với EVFTA

Nông nghiệp Việt Nam với vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, vì vậy tái cơ cấu là giải pháp then chốt để ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với Hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những năm qua, việc tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế về thị trường như: thủy sản; rau, hoa, quả nhiệt đới; đồ gỗ và lâm đặc sản.

nong-san-Viet
Nông nghiệp hữu cơ là nhóm nông nghiệp đặc thù và thích ứng với EVFTA, cũng như thích ứng với hội nhập kinh tế thế giới của ngành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NNPTNT, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tập trung áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa VietGap, GlobalGAP được nhân rộng. Chuyển hướng mạnh mẽ từ sản xuất theo hộ gia đình sang mô hình sản xuất Hợp tác xã. Tập trung vào liên kết quy mô lớn để áp dụng công nghệ cao, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, tối ưu hóa các nguồn lực với sự tham gia đông đảo của các HTX nông nghiệp kiểu mới.

Cũng theo ông Toản, đến nay, cả nước đã phát triển mô hình chuỗi, với 1.612 chuỗi, tăng 367 chuỗi so với năm 2019. Bao gồm: 2.346 sản phẩm, tăng 1.092 sản phẩm và 2.989 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi, với sự tham gia mạnh mẽ của 13.038 doanh nghiệp, 16.000 hợp tác xã, trong đó có nhiều tập đoàn sản xuất nông nghiệp lớn.

“Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Diễn đàn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, và mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến năm 2030. Cùng với quá trình hoàn thiện thể chế này, nông nghiệp hữu cơ là nhóm nông nghiệp đặc thù và thích ứng với EVFTA, cũng như thích ứng với hội nhập kinh tế thế giới của ngành nông nghiệp” – ông Toản cho biết.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lên hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã chủ động nguồn cung về lương thực, thực phẩm để cung ứng cho đất nước, cũng như đảm bảo trách nhiệm với thế giới, đây cũng là một yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với các hiệp định thương mại tự do.

Về tổ chức sản xuất, trong 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp luôn đảm bảo đầy đủ nguồn cung. Đối với lĩnh vực trồng trọt, với sản lượng lúa gạo khoảng 43 triệu tấn và khoảng trên 1 triệu ha cây ăn quả. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhóm sản phẩm rất tiêu biểu như Thăng Long, đã xuất đi được rất nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc và có giá trị xuất khẩu cao về mặt chế biến. Việt Nam có nhóm các cây công nghiệp như cà phê, điều, hồ tiêu là những nhóm chiếm dư địa với thị trường Châu Âu rất lớn.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến những cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp thúc đẩy công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU về an toàn thực phẩm.

Theo ông Thái, EU có quy định rất khắt khe và rộng về tiêu chuẩn hạn mức dư lượng thuốc trừ sâu (MRLs). Hàng rào kỹ thuật này được áp dụng đối với nông sản các nước sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu hay hóa chất bảo quản.

“EU có quy định về tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một số loại rau thơm và trái thanh long, cấm sử dụng chất Glyphosate (có trong thuốc diệt cỏ) đối với cà phê nói riêng và các cây lương thực khác kể từ năm 2023” – ông Thái chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi thực thi EVFTA. Ông Toản cho hay, hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số xuất khẩu. Trong đó có khoảng 1.200 mã số được cấp cho các cở sở chế biến đóng gói, những cơ sở này đều được các chuyên gia của các nước nhập khẩu kiểm định chất lượng.

Đối với thủy sản, Việt Nam có khoảng gần 9000 tàu cá được quản lý thông qua thiết bị giám sát hành trình, chiếm tới hơn 29,2% tổng số tàu khai thác xa bờ. Các địa phương đã thực hiện cấp mã số cho khoảng 5.284 ao nuôi cá tra, đạt 100%. EU cũng đã cấp phép cho 562 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngoài các doanh nghiệp ngành sữa đang có nhà máy tại các quốc gia Châu Âu, Việt Nam hiện có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến mật ong xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ, chiếm gần 90% thị trường mật ong của Hoa Kỳ.

Riêng đối với lâm sản, hiện nay có khoảng 91% diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát. Cả nước có khoảng 2.372 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc đối với lâm sản là một vấn đề then chốt trong các FTA.

Đình Đại

Theo enternews.vn

Link nguồn: https://enternews.vn/tai-co-cau-nong-nghiep-chia-khoa-giup-nong-san-viet-thich-ung-voi-evfta-176733.html

Cùng chuyên mục