Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thí điểm dịch vụ hấp thụ CO2 của rừng

Quảng Nam là một trong 4 địa phương được Chính phủ chọn dự kiến thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. Các đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí, đóng góp nguồn lực tài chính cần thiết để khôi phục và làm giàu hệ sinh thái rừng.

Nhà máy sản xuất than điện thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn được chọn thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. Ảnh: T.HỮU
Nhà máy sản xuất than điện thuộc Công ty CP Than – Điện Nông Sơn được chọn thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. Ảnh: T.HỮU

Năm 2015, Việt Nam tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, theo đó cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 4 địa phương được lựa chọn thí điểm với 20 đơn vị là các cơ sở sản xuất có nguồn khí phát thải lớn gồm 9 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than (phát thải từ 1,5 – 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm); 11 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng (phát thải từ 0,7 – 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm). Dự thảo cũng quy định đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu sẽ là 4 đồng/kWh (tương đương 2 USD/tấn CO2); đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng mức thu 2.100 đồng/tấn clinker (tương đương 1,35 USD/tấn CO2). Tổng số tiền thu được dự kiến mỗi năm khoảng 172 tỷ đồng.

Thí điểm nguồn phát thải khí lớn

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chi trả DVMTR theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ, nay là Nghị định 156 của Chính phủ ban hành ngày 16/11/2018. Trong đó có 26 cơ sở sản xuất thủy điện, 7 cơ sở sản xuất cung ứng nước sinh hoạt và 1 cơ sở kinh doanh du lịch. Trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam cùng với 3  tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế được chọn thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. Theo đó, Quảng Nam chọn thí điểm nhà máy sản xuất than điện của Công ty CP Than – Điện Nông Sơn và Nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ (đóng tại huyện Nam Giang) sẽ trả phí khí thải CO2 ra môi trường. Theo Quỹ bảo vệ – phát triển rừng tỉnh, với đơn giá Chính phủ quy định hiện hành, căn cứ theo công suất hoạt động thực tế, hai doanh nghiệp này bình quân mỗi năm chi trả DVMTR hơn 2,4 tỷ đồng về phát thải khí CO2.

Năm 2018, làm việc với Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng liên quan chi trả DVMTR, Công ty CP Than – điện Nông Sơn cho rằng, riêng về sử dụng nguồn nước, công ty chỉ đáp ứng một nửa so với công suất thiết kế ghi trong giấy phép, được cơ quan có thẩm quyền cấp. Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên căn cứ công suất hoạt động thực tế của nhà máy để tính toán chi trả phù hợp. Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng tỉnh cùng với đơn vị tư vấn nhiều lần “đàm phán” với các công ty để tính đúng, tính đủ cơ chế chi trả DVMTR, nhưng lúng túng của ngành chức năng hiện nay là xây dựng bộ tiêu chí, phương pháp xác định lượng phát khí thải CO2 và tinh thần hợp tác của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia đã chỉ ra nhóm các nhà máy nhiệt điện và xi măng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Trong đó, hơn 99% phát thải của các nhà máy này là khí CO2. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế tài chính nào đối với khí CO2. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Minh Hưng cho biết, 2 đơn vị sản xuất xi măng và nhiệt điện của địa phương sẽ được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm đều phát khí thải CO2 lớn ra môi trường. Các doanh nghiệp đều hợp tác, mong muốn đóng góp trách nhiệm cho xã hội và môi trường, song họ băn khoăn về “cuộc chơi” công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị được chọn thí điểm và doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR.

Trách nhiệm hơn với rừng

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mức tiền chi trả sẽ không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm. Mức tiền chi trả sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện cũng như giá thành sản xuất xi măng của các nhà máy lên khoảng 0,29% và mức tăng này vẫn nằm trong khoảng tăng giá thành thực tế của lĩnh vực sản xuất xi măng là 0,3 – 1%/năm. Dự kiến, 4 tỉnh thí điểm mỗi năm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng, trong đó nhiệt điện than 112 tỷ đồng, xi măng 44 tỷ đồng. Theo Công ty CP Than – điện Nông Sơn, doanh nghiệp không né trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng đề xuất phải đưa ra cách tính phù hợp, sát thực tế và cần có lộ trình để thực hiện.

Theo Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng tỉnh, kế hoạch thu DVMTR năm nay ước thực hiện hơn 136 tỷ đồng, với 27 nghìn hộ được hưởng lợi DVMTR. Đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở có lượng phát thải khí CO2 lớn (trong đó thí điểm 2 cơ sở). Việc thực hiện chủ trương này là rất đúng nhưng cần có lộ trình, kế hoạch phù hợp. Định giá khí thải CO2 là cơ chế để các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với mức lượng CO2 họ thải ra môi trường từ hoạt động kinh doanh. Do vậy, dự thảo quy định về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng dựa trên nguyên tắc người gây phát thải khí nhà kính phải trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. Sau xi măng, nhiệt điện than sẽ tiếp tục mở rộng ra các đối tượng khác.

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hà Công Tuấn cho biết, việc thực hiện chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, từng bước hình thành thị trường phát thải CO2 là một xu thế tất yếu, dù triển khai chậm nhưng bắt buộc phải làm theo đúng thông lệ quốc tế. Trước hết, Tổng cục Lâm nghiệp cần làm rõ lý do vì sao chọn áp dụng thí điểm hai lĩnh vực nhiệt điện than và xi măng ở 4 tỉnh; cơ sở xác định mức giá dịch vụ; việc chi trả cho bên cung ứng dịch vụ này như thế nào. “Đồng thời việc thực hiện thí điểm cần đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, nhất là các doanh nghiệp tham gia thí điểm cả về kinh tế và tinh thần” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý.

Trần Hữu

Theo Quảng Nam Online

 

Cùng chuyên mục