Chất võ hiệp của người xứ Quảng

Lê Phước Tứ, hay vẫn bị (hoặc được) đồng đội gọi vui Tứ “khùng”, là một cầu thủ đặc biệt, thậm chí là dị biệt trong đội hình đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên đánh chiếm thành công ngai vàng Đông Nam Á cách đây 10 năm.

Phước Tứ trong màu áo đội tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2008
Phước Tứ trong màu áo đội tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2008

Lính quân khu trên tuyển

Trong thành phần đội tuyển Việt Nam đăng quang chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, có ít nhất 2 người con xứ Quảng – Đà: Lê Phước Tứ và Lê Quang Cường.

Quang Cường thuộc dạng con nhà có điều kiện, trước khi lên tuyển đã cầm băng đội trưởng của SHB Đà Nẵng, trong khi, Phước Tứ đích thị là lính quân khu trên tuyển. Vào thời điểm năm 2008, Phước Tứ đã chuyển từ Quân khu V ra Thể Công (sau đó là Thể Công Viettel, rồi Thanh Hóa Viettel) được 4 năm, như một kiểu “tập kết” của thế hệ cha ông trước đây.

“Mọi thứ rất khó khăn với một cầu thủ trẻ mới 20 tuổi, từ ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày đến đồ ăn thức uống, môi trường sống nơi đất Bắc… Nhưng, thật may mắn khi tôi luôn có những đồng đội – đàn anh sẵn sàng giúp đỡ để có thể hòa nhập. Và về cơ bản, công việc của cầu thủ là đá bóng, chứ không phải làm màu. Một ngày Thể Công, mãi mãi Thể Công”, Tứ chia sẻ.

Tứ sinh ra trong một gia đình không có truyền thống bóng đá hay thể thao, lại toàn gái, ở Đại Lộc, Quảng Nam. 18 tuổi nhập ngũ Quân khu V, cũng là thỏa chí tang bồng của một chàng trai trẻ say mê lý tưởng, sau khi không thể đến được với lò đào tạo trẻ trứ danh Đà Nẵng vì nhiều lý do. Có lẽ chính vì điều này mà Lê Phước Tứ nuốt trọn lời thề “không bao giờ đầu quân cho Đà Nẵng” ở giai đoạn đẹp nhất sự nghiệp sau đó, dù nhận được những lời đề nghị. Năm 2014, Tứ đã toan quy cố hương Quảng Nam, nhưng phút cuối lại bể.

Dù đã là nhà vô địch Đông Nam Á, kinh qua rất nhiều đội bóng lớn, từ Thể Công đến Thanh Hóa, XMXT Sài Gòn, Vissai Ninh Bình hay Becamex Bình Dương…, từng đạt được bản hợp đồng thuộc hàng kỷ lục ở Việt Nam: 12 tỷ đồng, nhưng nếu bạn có ý định tìm kiếm thông tin về Lê Phước Tứ trên mặt báo hay trang mạng, quả là rất hiếm hoi. Tứ “khùng” không nói không với báo chí, nhưng cũng gần như thế. Tất cả với anh là bóng đá, tình đồng đội – đồng nghiệp, là gia đình và những tri âm, tri kỷ. Tứ ít giao du với người lạ.

Năm 2012, Phước Tứ gia nhập “dải ngân hà” XMXT Sài Gòn với bản hợp đồng lên tới 12 tỷ đồng, một kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam vào thời điểm đó và có lẽ cũng là vô tiền khoáng hậu. Lương duyên như cá nước mà thành, xong hóa ra lại là mây bèo tan tác, sau khi đội bóng giải thể 2 năm sau đó. Hết Sài thành hoa lệ, Tứ lại ngược ra đất Ninh Bình, và vẫn chung một cái kết. Giai đoạn 2015 – 2016, Phước Tứ ký bản hợp đồng cuối sự nghiệp về đất Thủ Bình Dương, để có chức vô địch V-League đầu tiên sự nghiệp.

Chất võ hiệp của người xứ Quảng

Điểm lại một vài chương về nghiệp banh bóng của Lê Phước Tứ, ở phần trên, xem ra chưa nói lên được cái sự ngông, cái chất chơi nào cả. Nó mới chỉ dừng lại ở sự liều mạng của người trẻ và ít nhiều là cái tử tế, kết thúc có hậu. Mà nói về điều này, mẫu cầu thủ xuất thân tỉnh lẻ Quảng Nam đâu chỉ có mỗi Phước Tứ, từ thế hệ đàn anh đến các hậu bối. Thậm chí so về thành tích cá nhân trên bảng vàng, Phước Tứ chưa chắc qua mặt được Huỳnh Quốc Anh, nhà vô địch V-League 2009 – 2012, người từng giành Quả bóng vàng Việt Nam (2012).

Quốc Anh, một người con đất Trà My, cũng là một cá tính, thậm chí đầy chất hiệp sỹ, sẵn sàng gánh họa cho bạn, để rồi phải chịu bao tủi nhục, để rồi phải lầm lũi vươn trở lại đỉnh cao sự nghiệp trong màu áo SHB Đà Nẵng và đội tuyển Việt Nam. Năm 2003, khi Phước Tứ còn vất vưởng đâu đó cái xó Quân khu V, thì Quốc Anh đã có “ngày công đầu tiên của Cu Tí” (Cu Tí vốn là tên gọi ở nhà của Quốc Anh), với chức vô địch U21 quốc gia cùng Đà Nẵng, khi giải đấu được tổ chức ở An Giang. Không lầu sau, Tí dính phốt ở Bacolod 2005.

Kể ra để thấy rằng, cái chất Quảng trong nhiều địa hạt khác nhau của xã hội, luôn không lẫn vào đâu được. Bóng đá trước khi trở thành một ngành đại công nghiệp không khói, đốt tiền và cũng hái ra rất nhiều tiền, nó đơn thuần là một trò chơi. Mà đã là trò chơi thì phải chơi ngông, chơi hay, mới xứng để hành hiệp giang hồ. Hiếm một cầu thủ Quảng Nam nào thành danh ngay tại quê hương, đấy cũng là nói lên cái thế hiểm của vùng đất này trên bản đồ bóng đá Việt Nam, bất kể năm 2017, Quảng Nam từng xưng đế ở V-League.

Người ta đọc nhiều truyện võ hiệp, kiếm hiệp, cao bồi, bàn nhiều đến đường gươm lưỡi kiếm hay đường đạn, đến những tuyệt chiêu võ thuật và võ học, nhưng lại ít nói đến chất hiệp sỹ. Nói về chất hiệp sỹ, thì từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chính là cái mộng tưởng của con người. Hiệp cũng có đại hiệp, tiểu hiệp. Đại hiệp có đủ nhân, lễ, nghĩa, lễ, trí, tín trong Nho học. Mà Nho học, cũng có đại nhân và tiểu nhân nho. Phước Tứ sinh ra trong Nho gia, được dạy đủ lễ – tín, nên cơ bản có chất võ hiệp sẵn trong huyết quản.

Lấy ngay việc Phước Tứ sau khi đạt được bản hợp đồng 12 tỷ nguyên kiện, anh bắt đầu chia sẻ cho từng người thân một trong gia đình, cho đồng bào nghèo khó – gia đình neo đơn ở Đại Lộc, rồi sắm luôn căn nhà phố trị giá đến hơn 5 tỷ đồng giữa Đà thành chỉ để cho các sinh viên đồng hương trọ miễn phí, khi ra Đà Nẵng học. Theo Nho giáo, đấy không phải là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì là gì. Không phải bậc quân vương, nên Tứ không lo trước nỗi lo thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ, mà trước là cho mình, sau đến người.

Vĩ thanh

Năm 2008, trên đường đến Bắc Kinh dự Olympic Mùa Hè, đội tuyển Olympic Brazil của những huyền thoại như Ronaldinho, Pato…, có tạt qua Mỹ Đình chơi trận giao hữu với đội tuyển Việt Nam, Phước Tứ lần đầu tiên được đeo chiếc băng đội trưởng đội tuyển quốc gia. Đấy là một vinh dự và một kỷ niệm không thể nào quên trong suốt chiều dài sự nghiệp của chàng trai quê Đại Lộc, Quảng Nam. Ít tháng sau đó, Phước Tứ góp công lớn giúp đội tuyển Việt Nam đả bại Singapore, vượt qua Thái Lan, lần đầu tiếm ngôi vương Đông Nam Á.

Một người trẻ và là cầu thủ đá bóng, nếu không thể học hỏi được kỹ năng của một “chuyên gia săn Tây” Lê Phước Tứ, thì cũng có thể soi vào chặng đường của đàn anh mà phấn đấu. “Miếng phô mai chỉ có sẵn trong cái bẫy chuột”, tức là không có điều gì tự nhiên đến cả, bóng đá cũng không tồn tại khái niệm “bất chiến tự nhiên thành”. Nó phải là sự đánh đổi, là nỗ lực không mệt mỏi. Có hay thì mới có may. Song có một điều chắc chắn rằng, nếu bạn đủ tử tế, thì cuộc sống này sẽ không phụ bạn. Phước Tứ là một điển hình cho lập luận ấy.

Sự nghiệp hơn 10 năm chơi bóng chuyên nghiệp và huấn luyện, người đàn ông quê Đại Lộc, Quảng Nam đã ít nhất 3 lần ngược đất Bắc
Sự nghiệp hơn 10 năm chơi bóng chuyên nghiệp và huấn luyện, người đàn ông quê Đại Lộc,
Quảng Nam đã ít nhất 3 lần ngược đất Bắc

Hơn một lần bị các đội bóng quê hương từ chối, khi còn tập trẻ đã đành, nhưng năm 2014, khi Phước Tứ đã là một thương hiệu lớn, thì nó còn hơn cả nỗi đau. Nhưng Phước Tứ không vì thế mà thu mình lại chỉ vì niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Vũng trâu đằm không thể giữ được chân long, Tứ một lần nữa ngược đất Bắc, yên bề gia thất với người phụ nữ quê Hải Phòng bằng tình yêu thương vô bờ bến. Hiện anh đang là HLV Học viện bóng đá PVF, một môi trường làm việc đủ tốt để Tứ “khùng” thỏa chí vẫy vùng nghiệp truyền đạo.

TÙY PHONG

 

Cùng chuyên mục