Cháo lòng An Thổ
Tôi nhớ thời xưa, Tam Kỳ (Quảng Nam) nức danh món cháo lòng An Thổ ở khu vực nửa quê nửa phố thuộc phường Hòa Hương. Cháo lòng An Thổ không chỉ ngon mà còn “bình dân” đúng nghĩa về phong cách phục vụ, chỗ ngồi và giá.
Nay về Tam Kỳ, làng cháo lòng An Thổ xưa chỉ còn trong ký ức. Nơi đây đã bị giải tỏa để nhường chỗ cho nhà cao cửa rộng. May vẫn còn tìm lại được hương vị cháo lòng An Thổ ở đường Tôn Đức Thắng.
Theo người dân địa phương, phần đông những người bán cháo lòng bình dân ở An Thổ đã giải nghệ. Còn một số người tiếp tục với quán xá mở rộng, nằm ngay trục đường chính sầm uất. Tuy bây giờ hiếm ai gọi cháo lòng An Thổ nữa, song hương vị ngày xưa gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Cháo lòng ở đây ngon vì người bán biết chọn nguyên liệu từ heo cỏ được nuôi “sạch” theo cách truyền thống. Chúng chỉ ăn rau và cám gạo hoặc cám khoai mì nguyên chất chứ không dùng cám công nghiệp.
“Phong cách” cháo lòng An Thổ là quán để riêng lòng một đĩa và cháo một tô. Bên cạnh đó, nhất định phải có đĩa rau với ít cọng hành, rau thơm, khế chua, chuối chát và chén nước mắm truyền thống dầm ớt cay xè (ảnh). Riêng phần cháo húp một muỗng đã thấy “mát môi, trôi mát cổ” rồi. Cháo ngon không có bí quyết, bí… hiểm gì cả. Cháo được nấu bằng gạo mới nhuyễn nhừ trong nước luộc từ hàng chục ký lòng và đầu heo thì không ngon mới lạ.
Đĩa lòng thì gần như đầy đủ lục phủ, ngũ tạng nhà họ Trư. Cũng có thể ăn món “lòng chỉ”, nghĩa là chỉ món nào quán bán món đó. Ở đây, nhiều thực khách còn vui miệng gọi món “mắm cà”. Đó là cách nói lái “má càm” heo. Như đã nói, heo cỏ nuôi theo cách truyền thống nên má càm ăn thơm ngon, không ngán.
Đến Tam Kỳ, ngoài cơm gà, mì Quảng thì đừng quên cháo lòng. Tôi tin, cháo lòng Tam Kỳ ăn rồi không khen mới lạ.
Quang Viên
Theo Thanh Niên Online