‘Chàng A Phủ’ đã buông cương ngựa…

NSND Trần Phương – chàng A Phủ trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam – Vợ chồng A Phủ, đã qua đời sáng qua (26/8), tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.

Trong sự nghiệp điện ảnh, NSND Trần Phương có nhiều vai diễn xuất sắc để có thể nhắc đến. Nhưng có lẽ với nhiều người, và ngay cả chính ông, vai diễn A Phủ vẫn mang dấu ấn đậm nét nhất.

nsnd-tran-phuong
Nghệ sĩ Trần Phương và Đức Hoàn trong phim Vợ chồng A Phủ. ẢNH: TL

Vai diễn điện ảnh đầu tiên

Sinh thời, khi chia sẻ kỷ niệm về vai A Phủ, NSND Trần Phương kể nhà văn Nguyễn Tuân có lần hỏi “Cậu hiểu gì về A Phủ?”, thì ông bảo: “A Phủ là người nông dân nghèo khổ, sau vùng dậy tự giải phóng mình”. Nghe xong, Nguyễn Tuân cười và nói: “A Phủ trước tiên là phải cưỡi ngựa giỏi, thứ hai là phải biết “ghẹo gái”, làm được vậy mới vào được vai A Phủ”. Lần gặp Tô Hoài (người viết tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ được chuyển thể thành phim), Trần Phương được nhà văn khuyến khích lên núi sống cùng người Mông như ông từng làm khi viết tác phẩm. Vậy là, để vào vai A Phủ, Trần Phương đã sống suốt 3 tháng ròng rã trên núi cao cùng người Mông, học chăn bò, cưỡi ngựa… NSND Trần Phương bảo bộ phim quay trong suốt 1 năm, đến khi xong thì ông cũng thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ không kém chàng trai Mông nào.

“Anh Trần Phương là người hiểu biết sâu sắc, và trên hết luôn tìm tòi sáng tạo, lúc đầu trong vai trò diễn viên và sau là đạo diễn”, NSND Trà Giang nói. NSND Trần Phương cũng là bạn diễn nam đóng với bà nhiều nhất trong phim điện ảnh. “Bộ phim Chị Tư Hậu là phim điện ảnh thứ 2 của tôi, trong phim tôi vào vai chị Tư Hậu, còn anh vào vai Khoa, chồng chị Tư Hậu. Lần đó, anh đưa cả con gái – bé Thủy, vào Quảng Bình đóng vai con gái chị Tư Hậu. Anh chăm con lắm. Tôi rất cảm phục tình thương của anh dành cho các con cũng như với gia đình”, NSND Trà Giang xúc động nhớ lại.

nsnd-tran-phuong
NSND Trần Phương thời trẻ. ẢNH: TL

Không qua trường lớp đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp

“Hơn 40 năm ở bên cạnh ông, tôi đã học được nhiều điều. Tôi biết ơn ông, một người vừa có tài vừa có tâm. Với tôi, không có Trần Phương thì không có Tất Bình”, đạo diễn – NSND Tất Bình (nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện 1), nói. NSND Trần Phương về công tác tại Xưởng phim Truyện Việt Nam, sau này là Hãng phim Truyện 1 (Hà Nội) từ năm 1955. Năm 1981, NSND Tất Bình đã tham gia trong bộ phim Hy vọng cuối cùng, cũng là bộ phim mang lại cho NSND Trần Phương giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6. Với NSND Tất Bình, điều đặc biệt ở NSND Trần Phương là ông không từng qua trường lớp đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp nào nhưng rất thành công ở cả vai trò diễn viên và đạo diễn.

“Có những diễn viên chẳng qua trường lớp nào nhưng họ đóng rất hay. Quan trọng với một người diễn viên là phải có sức sáng tạo, cùng sự chân thực khi diễn xuất. Anh Trần Phương có tất cả những điều đó. Hơn nữa, anh là người rất yêu nghệ thuật. Trước khi đến với điện ảnh, anh đã công tác ở đoàn văn công, tham gia ca hát, diễn kịch, diễn chèo…”, NSND Trà Giang chia sẻ. Bà kể: “Ngày trước, diễn viên chúng tôi không đi đóng phim, theo đoàn làm phim thì tham gia sinh hoạt ở đoàn kịch điện ảnh. Anh Trần Phương cũng sinh hoạt ở đó, lúc anh viết kịch bản, lúc anh diễn kịch… Bà đã tham gia đóng 4 bộ phim do NSND Trần Phương làm đạo diễn, trong đó Dòng sông hoa trắng là bộ phim điện ảnh cuối cùng của bà.

“Chúng tôi đóng nhiều phim cùng nhau, đã biết nhau, nên anh hay mời đi đóng phim của anh. Anh luôn để cho diễn viên tự do sáng tạo, đặt sự tin tưởng ở diễn viên. Tôi thích như thế”, NSND Trà Giang bày tỏ.

NSND Trần Phương, tên thật là Trần Đức Phương, sinh ngày 10/4/1930, tại Thái Nguyên. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc. Sau vai diễn trong phim Vợ chồng A Phủ, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều vai diễn trong nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng VN như: Chị Tư Hậu, Tiền tuyến gọi, Biển gọi, Ngày lễ Thánh, Vợ chồng anh Lực…

Cùng với sự nghiệp diễn xuất, ông còn là đạo diễn của nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình như Mưa rơi trên thành phố, Dưới chân núi trắng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng, Hy vọng cuối cùng…

Ông được trao tặng danh hiệu NSND năm 2001, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tác phẩm Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng vào năm 2007.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, ông bắt kịp trào lưu làm phim ăn liền với nhiều bộ phim như Vệt sáng ngược, Vụ án hồ Con Rùa, Thủ môn từ trên trời rơi xuống… Ông làm phim đến tận những năm 2000, khi đã hơn 70 tuổi.

Bà Trần Phương Thủy, con gái ông, cho biết Công ty cổ phần phim Truyện 1 cùng gia đình sẽ tổ chức lễ viếng NSND Trần Phương, diễn ra từ 14 giờ 30 – 15 giờ 30 ngày 30/8 tại Nhà tang lễ thành phố (125 Phùng Hưng, Hà Nội).

Ngọc An

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/chang-a-phu-da-buong-cuong-ngua-1271165.html

Cùng chuyên mục