Cây cầu già nhất Đà thành

Tuy cầu Trần Thị Lý ra đời trước, nhưng cũng đã phá dỡ hoàn toàn để xây mới, nên hiện tại, cây cầu Nguyễn Hoàng-Nguyễn Văn Trỗi mới là cây cầu già nhất của Đà Nẵng còn giữ hiện trạng thuở ban đầu.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi bây giờ, nhìn từ phía cầu Trần Thị Lý

Cầu được hãng RMK của Mỹ xây dựng vào khoảng năm 1965, mang tên Nguyễn Hoàng, là một trong hai cây cầu ở Việt Nam có kiến trúc vòm bằng thép roni.  Cầu kia là cầu Long Hồ, nằm trên đường từ Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh – Khánh Hòa (cũng do Hãng RMK xây dựng những năm 1960). Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bêtông cốt thép.

Xưa, cầu dựng lên để phục vụ chiến tranh. Sau 1975, cầu mang tên người anh hùng đất Quảng Nguyễn Văn Trỗi và bắt đầu thực sự là cây cầu “dân dụng”. Cây cầu là lối lưu thông thân quen và duy nhất của người dân Đà Nẵng hai bờ đông tây sông Hàn, từ quận 1 qua quận 3, nếu không muốn đi phà. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu). Cả một thời ấu thơ của nhiều người, khi mà xe máy hãy hiếm hoi với những chiếc cub cánh én, 78, 79… và cả thành phố đi xe đạp thì chuyện đạp xe qua cầu là kỷ niệm khó quên. Không chỉ với lũ học trò, mà cả với những chú xích lô, dì bán rau, chị bán thịt, cô công nhân, những ông bố bà mẹ… hầu như ai cũng nhiều lần xuống xe đẩy bộ lên cái dốc cầu cao cao ấy. Bây giờ, khi mặt đường dẫn vào hai đầu cầu Trần Thị Lý bên cạnh được nâng cao, mặt đường dẫn vào cầu Nguyễn Văn Trỗi cũng được nâng lên trông thoai thoải hơn xưa rất nhiều. Cái dốc khó quên của những mùa bão, qua cầu là nỗi ám ảnh, nhiều khi  gió giật muốn rách hết áo mưa, muốn trì kéo chiếc xe đạp hất vào thành cầu, thiếu điều bị gió quăng xuống sông.

Hình ảnh thường thấy của thời tuổi thơ tôi…

Hồi nhỏ, nhà tôi  ở quận 3, nên tôi thường ngồi sau yên xe đạp của mẹ qua lại cây cầu mỗi ngày để sang quận 1. Khi thành phố có gió bão thì cây cầu là nỗi ám ảnh của tất cả những ai lưu thông qua nó. Cây cầu vừa là niềm tin vừa là sự cách trở. Đã không ít lần, người từ quận 3 qua quận 1 đi làm đành phải ngủ lại đêm nhà người quen bên này cầu vì không về được. Tan giờ làm, đâu ai muốn ở lại công sở, nếu quận 1 với quận 3 không cách nhau bởi cây cầu đang nhẫn nại chịu đựng gió thét mưa gào cùng những cơn bão. Đó là những ngày bữa cơm thường rất trễ, vì đợi. Có những hôm ngoại tôi cứ ra cửa ngóng con về, dù ngoại biết mẹ cũng đang sốt ruột. Thức ăn mùa bão chẳng có chi nhiều. Luôn thiếu rau, luôn có mắm cái, có cá khô. Mà sao tôi thấy nó ngon lắm. Cái cảm giác đợi người thân trở về nhà an toàn trong mưa bão, chong đèn ngồi quây quần bên nhau trong ngôi nhà đóng kín cửa, chèn chặt bằng những thứ gì có thể chèn được, ngồi ăn khi bên ngoài gió rít từng cơn, thật khó mà quên.

Cầu của năm 2011…

 

Ngày Đà Nẵng khánh thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cũng là lúc cây cầu Nguyễn Văn Trỗi được tạm nghỉ hưu một thời gian.

Khi cây cầu Nguyễn Văn Trỗi bỗng trở thành sàn diễn thời trang cho màn thi catwalk của vòng chung kết cuộc thi Vietnam Fitness Model 2019 lần đầu tổ chức tại Đà Nẵng, người ta mới nhận ra đây là một sàn catwalk độc đáo như một gợi ý mới mẻ cho các cuộc trình diễn thời trang. Hơn thế, cầu Nguyễn Văn Trỗi từng là phim trường cho những cảnh quay khá thơ mộng của bộ phim Yêu em bất chấp. Cây cầu già tuổi đời nhất Đà Thành này có thể “hữu dụng” trong rất nhiều việc mà bản thân nó là nguồn “tài nguyên” dồi dào không phải ai cũng nhớ ra để khai thác hết, từ khi cây cầu này “chuyển công năng” trở thành cầu đi bộ bắc qua sông đầu tiên của Đà Thành và có lẽ của cả nước.

Thật ra, có một người đã nhớ tới: điêu khắc gia tên tuổi của Đà Nẵng, ông Phạm Văn Hạng. Ông đã có những ý tưởng khá lãng mạn, muốn cầu Nguyễn Văn Trỗi thành điểm đi bộ, một không gian sống của nghệ thuật. Trên cầu có ghế nghỉ chân, có dù che nắng, tránh mưa, mặt cầu cho trẻ em vẽ tranh và dưới chân cầu thiết kế thành bảo tàng đời sống người dân xứ Quảng, bày bán sản vật, đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Đây cũng sẽ là không gian cho những câu hò khoan đối đáp dân ca, bài chòi. Thực tế thì cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa sống động được như mong muốn của điêu khắc gia xứ Đà. Cây cầu già vẫn đứng đó, trầm mặc, thưa vắng, yên tĩnh, giữa hai cây cầu trẻ măng, hiện đại đang thu hút khách gần xa mỗi ngày đến check-in, chọn lựa những khung hình đưa lên mạng xã hội.

Cầu vẫn đấy, sông vẫn đây, nước vẫn trôi theo dòng Hàn giang ra biển. Chỉ có những kẻ qua cầu, là già đi cùng kỷ niệm…

 

Cây cầu già, chứng kiến khá nhiều biến động của thời cuộc, công năng của nó cũng thay đổi ít nhiều trước khi thành cầu đi bộ như hiện giờ, nhưng cấu trúc của cầu vẫn nguyên vẹn đó. Và, may mắn thay, màu sơn của cầu vẫn vậy, sau bao năm, một màu vàng thân thương bắc qua con sông tuổi thơ tôi. Bây giờ, thay vì làm chỗ cho xe nhà binh rầm rập vào ra trong chiến tranh, xe tải, xe bồn, xe khách, xe máy, xe đạp các kiểu trong thời bình, giờ thì nó chỉ có việc nâng niu các bước chân, của hầu hết là những người trẻ, tìm đến để chơi, để chụp ảnh, quay phim. Thảng hoặc cũng có, rất ít người, lứa trung niên như tôi, đến cũng để chụp, và để bồi hồi.

Cầu vẫn đấy, sông vẫn đây, nước vẫn trôi theo dòng Hàn giang ra biển. Chỉ có những kẻ qua cầu, là già đi cùng kỷ niệm…

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục